![]() |
TP.HCM thực hiện khảo sát tiếng Anh với giáo viên các cấp. Ảnh: Việt Linh. |
Sở GD&ĐT TP.HCM vừa công bố kết quả khảo sát năng lực ngoại ngữ năm 2025 đối với giáo viên các cấp trên địa bàn. Khảo sát được thực hiện với hơn 5.000 giáo viên, bao gồm 22.284 giáo viên tiểu học, 18.088 giáo viên THCS, 8.229 giáo viên THPT và 4.721 giáo viên tiếng Anh.
Trong khảo sát này, sở chia dữ liệu thành 3 nhóm là có độ tin cậy cao, chưa đủ độ tin cậy và chưa có thông tin tin cậy. Trong đó, nhóm có độ tin cậy cao gồm giáo viên tiếng Anh; giáo viên các môn khác và kết quả phiên 2 kỹ năng trên hệ thống bằng hoặc chỉ chênh nhau một bậc so với chứng chỉ đã đạt; giáo viên các môn khác, không có chứng chỉ ngoại ngữ và kết quả phiên 2 kỹ năng trên hệ thống đạt dưới B1 (A1, A2).
Đáng chú ý, dữ liệu nhóm dữ liệu có độ tin cậy cao cho thấy 31% giáo viên trên địa bàn TP.HCM có trình độ tiếng Anh đạt dưới B1. Nhóm giáo viên đạt B1 chiếm tỷ lệ cao nhất, lên đến 41%. Trong khi đó, số giáo viên đạt B2, C1, C2 lần lượt là 14%, 12% và 2%.
![]() |
So sánh trình độ tiếng Anh theo cấp học của giáo viên TP.HCM. |
Nếu xét năng lực tiếng Anh theo cấp học, THCS là cấp có tỷ lệ tiếng Anh đạt dưới B1 cao nhất, chiếm 33%. Con số này ở giáo viên tiểu học và THPT đều đạt 30%. Lượng giáo viên đạt trình độ tiếng Anh B1 chiếm cao nhất ở cấp tiểu học và THCS, lần lượt là 43% (tiểu học), 38% (THCS).
Trong khi đó, ở bậc THPT, giáo viên đạt trình độ B2 chiếm nhiều hơn (30%) và có đến 15% có tiếng Anh C1. Tuy nhiên, nhóm này lại ghi nhận 0% giáo viên đạt trình độ C2.
Khảo sát của TP.HCM cũng cho thấy sự chênh lệch về trình độ giữa giáo viên môn Tiếng Anh và giáo viên các môn khác. Cụ thể, 45% giáo viên môn Tiếng Anh đã đạt đến trình độ C1, còn con số này ở nhóm giáo viên môn khác chỉ là 2%.
Với trình độ C2 - mức cao nhất trong khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam, giáo viên các môn khác tham gia khảo sát đều chưa đạt đến trình độ này, còn nhóm giáo viên môn Tiếng Anh có 8% đã đạt được.
Vào tháng 4, Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết sẽ tổ chức khảo sát tiếng Anh đối với giáo viên trên địa bàn. Sở khẳng định đây không phải kỳ thi đánh giá, xếp loại cá nhân hay dùng để xét thi đua, khen thưởng, mà chỉ nhằm khảo sát thực trạng năng lực ngoại ngữ của đội ngũ giáo viên toàn ngành.
Ngoài giá trị định hướng cho chính sách ngành, sở cũng cho rằng đây là cơ hội để giáo viên tự đánh giá khách quan trình độ tiếng Anh của bản thân. Từ đó, mỗi người có thể xây dựng kế hoạch học tập, trau dồi phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế, mở rộng cơ hội chuyên môn và phát triển nghề nghiệp.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.