Theo điều tra của Xinhua, bất chấp Phòng Giáo dục cấm dạy thêm, một số cơ sở giáo dục và giáo viên vẫn tổ chức lớp phụ đạo bất hợp pháp.
Cụ thể, Phòng Giáo dục thành phố Trường Xuân đã thành lập tổ điều tra để giám sát các cơ sở giáo dục trọng điểm trong thành phố. Sau nửa tháng điều tra, cơ quan chức năng xác định 7 trường hợp là giáo viên tại các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông thuộc Đại học Cát Lâm, mở các lớp dạy thêm ngoài trường.
Một lớp dạy thêm luôn trong tình trạng đóng kín cửa, camera an ninh lắp đặt khắp nơi. Ảnh: Sina. |
Dạy thêm với mức học phí "trên trời"
Phần lớn lớp dạy thêm nằm trong những ngôi nhà khuất sâu, không có bảng hiệu. Đặc biệt, có một lớp trong địa bàn thành phố luôn trong tình trạng đóng cửa, camera an ninh lắp đặt khắp nơi.
Nhóm điều tra phải đóng giả làm phụ huynh học sinh để tiếp cận cơ sở dạy thêm. Tuy nhiên, việc điều tra bị gián đoạn vì nhiều phụ huynh không hợp tác, có ý bao che cho giáo viên.
Khi được hỏi về việc học thêm, phụ huynh nói rằng đây là "lớp phụ đạo miễn phí". Nhiều học sinh im lặng trước những câu hỏi của nhóm điều tra, thông tin về học phí cũng không được tiết lộ.
Thậm chí, một số phụ huynh chủ động tổ chức cho giáo viên dạy thêm với mức phí hơn 380 USD/giờ. Mong muốn con học thành tài của phụ huynh vô tình trở thành cái cớ để nhiều giáo viên mở lớp phụ đạo với mức học phí "trên trời".
"Thị trường dạy thêm" ở thành phố Trường Xuân được chia thành nhiều mức giá với chất lượng khác nhau. Cụ thể, lớp của giáo viên không chuyên có giá khoảng 30 USD/giờ, lớp của giáo viên tại chức là 107 USD đến 152 USD/giờ.
Một phụ huynh đứng ra mở lớp dạy thêm cho giáo viên tiết lộ, giáo viên THCS có thể khiếm được khoảng 230 USD/giờ nhờ việc dạy thêm. Giáo viên THPT được trả nhiều hơn, khoảng 382 USD/giờ.
Vào các kỳ nghỉ đông và nghỉ hè, nhiều học sinh tham gia 6 tiết học thêm mỗi ngày. Nhờ đó, giáo viên có thể kiếm được 15.000 USD đến 30.000 USD trong một kỳ nghỉ, "đủ để mua một chiếc ôtô".
Tuy vậy, không phải giáo viên nào cũng có trình độ giảng dạy tốt. Khi điều tra một cơ sở dạy thêm, nhóm điều tra phát hiện giáo viên đứng lớp không nắm được những kiến thức trong giáo án.
Sau nhiều lần dò hỏi, người này khai nhận là giáo viên của một trường liên kết trong thành phố. Học phí mỗi tiết phụ đạo của ông khoảng 2.000 nhân dân tệ (tương đương 305 USD).
Việc "dạy chui" bị phanh phui, giáo viên này bị xử phạt hành chính, trừ thưởng cuối năm, bị cách chức giáo viên chủ nhiệm và không được phép thăng chức trong 3 năm.
Học sinh đổ xô đi học thêm bất chấp học phí lên đến hàng trăm USD mỗi giờ. Ảnh: Dipont Education. |
Vì sao học sinh vẫn học thêm dù học phí đắt?
Báo cáo về kết quả giám sát và đánh giá chất lượng giáo dục năm 2019 của thành phố Trường Xuân cho thấy hơn 50% học sinh trung học tham gia từ 1-5 lớp học thêm mỗi tuần. Tại một trường trung học trọng điểm trong thành phố, hơn 1/4 học sinh trong một lớp có học thêm ngoài trường.
Giáo viên Vật lý tại một trường THPT nhận định việc học sinh đi học thêm bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Một số học sinh không bắt kịp những nội dung được dạy trên lớp nên cần học thêm để nắm chắc kiến thức. Một số khác cảm thấy bài giảng trên lớp "chưa đủ ăn" nên phải học ở ngoài.
"Không cần biết kết quả học tập ở trường ra sao, hầu hết học sinh đều đăng ký học thêm ngoài trường", thầy giáo nói.
Dù phải đóng một khoản học phí lớn, một số phụ huynh vẫn chủ động mở lớp dạy thêm cho giáo viên. "Chúng tôi cho con học thêm để con nắm thêm kiến thức chưa được học ở lớp. Mặt khác, điều này cũng tương đương với việc "nhờ" giáo viên chăm sóc con khi đến trường", một phụ huynh bộc bạch.
Gần đây, Phòng Giáo dục thành phố Trường Xuân đã ban hành quy định về việc quản lý hoạt động dạy thêm ngoài trường học. Cụ thể, các cơ sở giáo dục không được phép thuê giáo viên tại chức. Nếu bị phát hiện, các cơ sở có thể bị tước giấy phép hoạt động.
Ngoài ra, Phòng Giáo dục sẽ tiêu chuẩn hóa các hoạt động dạy học để tránh tình trạng dạy thêm trái phép và thu phí cao.
Các chuyên gia giáo dục cho rằng trường học nên nghiên cứu và xây dựng các tiêu chuẩn đánh giá về đạo đức nhà giáo, đổi mới và cải thiện cơ chế dài hạn về đào tạo nghiệp vụ dạy học và nâng cao tiêu chuẩn xét đầu vào dành cho giáo viên.
"Ở trường học, giáo viên là hình mẫu cho học sinh noi theo. Việc thay đổi các tiêu chuẩn đạo sẽ tạo ra những giáo viên đúng đắn, mẫu mực", ông Lâm, giáo sư khoa Giáo dục tại Đại học Sư phạm Đông Bắc, bình luận.
Ông Lý, Hiệu trưởng trường THCS Thực nghiệm cơ sở 2 thành phố Trường Xuân, đề xuất các nhà trường nên yêu cầu giáo viên ký cam kết về việc dạy học, đồng thời chấn chỉnh những giáo viên có dấu hiệu "dạy thêm - thu phí".
Ngoài ra, nhà trường có thể trao đổi thêm với giáo viên về những vấn đề như thời gian dạy trên lớp quá ngắn, khối lượng bài giảng quá nhiều. Tăng lương, tăng thưởng cũng là một cách để nâng cao hiệu quả dạy học ở giáo viên, tránh tình trạng mở lớp phụ đạo để kiếm lời.