Kể từ khi hàng quán chỉ được phép mở cửa tới 21h, Phương Thúy và Văn Khả luôn đi từ 18h để có nhiều thời gian ăn uống, sớm hơn một tiếng so với trước dịch.
“Hôm qua, tôi cũng hẹn bạn bè đi ăn món nướng cho hợp thời tiết mùa đông. Song, đang hào hứng dùng bữa thì nhân viên lại bảo mình chuẩn bị ra về vì quán sắp đóng cửa. Lúc đó mới chỉ 20h30 thôi nên tôi thấy khá mất hứng”, Thúy nói.
Ngồi cạnh cô gái, Văn Khả cũng bày tỏ sự tiếc nuối khi quán xá phải đóng cửa sớm do dịch bệnh phức tạp.
“Với những món ‘đặc sản’ mùa đông như lẩu hay nướng, tôi thích ngồi lai rai với bạn bè lâu hơn một chút. Các quán sẽ bắt đầu dọn dẹp từ 20h30, thậm chí dừng nhận khách từ 20h nên cũng khá bất tiện”, anh nói.
Cùng với lẩu và nướng, những món ăn vặt nóng hổi, dùng tại chỗ như cháo sườn, bánh giò, xôi chè, ốc luộc sả gừng... cũng được ưa chuộng khi Hà Nội chuyển lạnh.
Tuy nhiên, không khí tại các hàng quán này có phần ảm đạm, vắng vẻ hơn so với những mùa đông trước do giới trẻ trở nên e dè hơn với việc ăn uống bên ngoài trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.
E dè
Chiều 3/12, dù đã bước vào cuối tuần, đường phố Hà Nội trở nên vắng vẻ sau giờ tan tầm, theo ghi nhận của Zing. Bên cạnh những quán phục vụ tại chỗ, một số hàng ăn vẫn chỉ nhận bán mang về.
Một số món ăn yêu thích của giới trẻ Hà Nội trong tiết trời mùa đông. |
“Ban đầu, nhóm mình dự định đi ăn bánh gối, khi di chuyển đến quán mới biết cửa hàng từ chối phục vụ tại chỗ. Thấy quán cháo ở gần, bọn mình liền ghé vào ăn tạm vì ai cũng đói quá rồi”, Đức Bảo (sinh viên ĐH Hà Nội) kể lại.
Nhóm bạn mới trở về từ một hội thảo ở Thư viện Quốc gia Việt Nam. Vì thời gian tham dự khá dài và chưa ăn uống trước đó, họ uể oải, thiếu năng lượng.
"Bọn mình có lo ngại về dịch bệnh. Nhưng đường về nhà còn xa, bụng lại đang réo ầm nên đành dừng chân ăn lót dạ", Đức Bảo nói thêm.
Sau khi kết thúc buổi chụp ảnh cho Tết, Thu Ngân (21 tuổi) và hai cô bạn thưởng thức món cháo sườn quẩy nóng hổi. Đây là một trong những món ăn mùa đông yêu thích của cô, bên cạnh bánh đúc nóng.
Tuy nhiên, nhóm bạn cho biết bữa ăn vặt xế chiều này “nằm ngoài kế hoạch”. Nếu không do mệt và đói bụng sau nhiều giờ đồng hồ chụp ảnh, họ sẽ về nhà luôn thay vì rẽ ngang vào quán cháo.
“Đây là một trong số rất ít lần tôi ra ngoài ăn uống kể từ khi Hà Nội mở cửa trở lại. Trước tình hình dịch bệnh hiện nay, tôi cố gắng hạn chế ra hàng quán dùng bữa để tự bảo vệ mình”, Thu Ngân chia sẻ.
Cũng là fan của cháo sườn, song chiều thứ 6 này, cặp bạn thân Tuấn và Đức (20 tuổi) dành thời gian cho quán thịt xiên nướng yêu thích trên phố Hàm Long (quận Hoàn Kiếm). Họ cẩn thận chọn một góc vắng vẻ để thưởng thức món ăn nóng hổi.
"Vì quy định đóng cửa hàng quán lúc 21h, chúng tôi hay hẹn ăn trưa để ngồi được lâu hơn, nhưng không khí không thể bằng đi chơi buổi tối được", Tuấn nói.
Đức (bên trái) và Tuấn đem theo lọ gel rửa tay sát khuẩn khi đi ăn. |
Chưa kịp ăn đã phải ra về
Thương (28 tuổi) “thở phào nhẹ nhõm” khi tới quán nướng trên phố Hàng Đồng (quận Hoàn Kiếm) lúc 19h15, vừa đủ thời gian để ăn uống, hàn huyên cùng bạn.
“Mùa đông thì ăn hai món này là hợp lý nhất, nhưng đi muộn một chút thôi thì có khi chưa kịp ăn đã phải ra về. Cuộc vui cũng vì thế mà ‘giảm nhiệt’ nên tôi cũng hạn chế ăn ngoài, chỉ những hôm cuối tuần, hẹn bạn bè như hôm nay mới đi”, anh kể.
Thương nói thêm rằng so với trước dịch, các quán ăn ở Hà Nội hiện vắng vẻ hơn rất nhiều. Ở thời điểm này năm ngoái, các hàng ăn đều kín chỗ, khách khứa ra vào tấp nập, anh thậm chí phải đặt bàn trước cho an tâm.
“Có lẽ, nhiều người e dè vì tình hình dịch bệnh còn phức tạp, hơn nữa lại chẳng thể ngồi lâu. Giờ, thỉnh thoảng tôi mới ăn ngoài vì đã có thói quen tự nấu nướng tại nhà, có đi cũng sẽ chọn chỗ ngồi ngoài trời, ít khách cho an toàn”.
Các quán lẩu thưa thớt, kém phần nhộn nhịp do quy định đóng cửa lúc 21h. |
Theo ghi nhận của Zing, nhiều quán lẩu, nướng ở Hà Nội vắng khách hơn hẳn mọi năm. Đa số hàng quán đều yêu cầu khách hàng quét mã QR, sát khuẩn tay, ngồi giãn cách, lắp vách chắn nhựa để đảm bảo an toàn.
Anh Nam (chủ quán lẩu trên phố Trần Phú) cho biết việc không được ngồi lại lâu khiến nhiều người bớt hứng thú ăn ngoài. Anh nhẩm tính rằng lượng khách tới quán đã giảm 60-70% so với trước dịch.
Một tháng trước, chủ quán vừa phải đóng cửa một chi nhánh ở phố Hoàng Cầu (quận Đống Đa) vì không thể tiếp tục gồng gánh tiền thuê mặt bằng của 2 cửa hàng.
“Dịch bệnh thì ai cũng khó khăn cả, tôi đành chấp nhận và thích nghi. Nhìn lượt khách ít ỏi như hiện tại, tôi cũng có chút lo lắng”, anh Nam chia sẻ.
Anh Nam đóng cửa một cơ sở nhà hàng vì không thể chi trả phí vận hành tốn kém. |
“Tôi cũng nhớ những ngày quán kín bàn, phải chạy tới, chạy lui chuẩn bị đồ ăn cho khách lắm. Giờ, thời gian cho khách ngồi ăn uống hạn chế hơn, họ cũng không hào hứng đi ăn nữa”, ông Hải (62 tuổi), chủ một quán lẩu ở phố Thái Phiên (quận Hai Bà Trưng), nói.
Chủ quán cho biết thêm so với thời điểm trước, quán nay chỉ đón khoảng 10% lượng khách trung bình. Chỉ tới cuối tuần, tình hình kinh doanh mới khá hơn một chút so với những ngày còn lại.
“Việc kinh doanh còn nhiều khó khăn, nhưng tôi vẫn mừng khi được mở quán, gặp gỡ khách hàng và có chút thu nhập để trang trải cuộc sống. Tôi chỉ mong tình hình sẽ sớm ổn định lại”, ông nói.