17h, Hoài An (24 tuổi, quận 8) cùng chiếc laptop đến quán cà phê trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3) để làm việc. Những ngày gần đây, cô hạn chế đi ra đường. Chỉ sau 16h, khi nắng tắt, sự nóng bức giảm, An mới dám ra khỏi nhà.
“Trời ngột ngạt quá nên chỉ khi nào cần thiết tôi mới ra ngoài. Vì làm hybrid, sếp cho phép nhân sự được làm ở nhà. Bình thường tôi hay chọn các quán cà phê có sân vườn để làm việc. Nhưng giờ tôi chủ yếu ngồi điều hòa, đóng kín cửa để tránh nóng”, cô giải thích.
Không chỉ An, nhiều bạn trẻ, dân văn phòng cũng tránh ra đường vào buổi trưa, nhất là thời điểm mặt trời đứng bóng.
Tình trạng nắng nóng trên diện rộng với nhiệt độ cao nhất dao động 35-38 độ C ở TP.HCM khiến không ít hàng quán vắng khách. Theo ghi nhận của Zing, nhiều nơi phải trang bị thêm quạt, máy phun sương để mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách trong mùa hè.
Những ngày vừa qua, Nam Bộ đang trải qua thời tiết nắng nóng gay gắt trên diện rộng. Tại TP.HCM, nhiệt độ thực tế ở những khu vực không có cây xanh lên đến 40 độ C. Thời gian nắng nóng trong ngày từ 12h đến 16h.
Chuyên gia thời tiết Lê Thị Xuân Lan nhận định tình trạng nắng nóng không bất thường, nhưng nhiệt độ năm nay cao hơn năm ngoái. Ngoài nắng nóng, gió yếu cũng làm thời tiết oi bức hơn.
Nhiều quán cà phê ở TP.HCM chịu ảnh hưởng về doanh thu trong đợt cao điểm nắng nóng nhất năm. Ảnh: Phương Lâm. |
Giảm doanh thu
17h30, tiệm cà phê Little Cam Saigon (đường Trần Quốc Thảo, quận 3) chỉ có lác đác vài vị khách. Theo Trần Uyên Khang, quản lý, lượng khách và doanh thu giảm đi nhiều trong những tuần cuối tháng 4/2023.
“Hiện tại, doanh thu tụt dốc gần một nửa so với vài tháng trước. Bình thường một ca có thể đạt được 6-7 triệu đồng, nhưng giờ chỉ loanh quanh 4-5 triệu đồng. Chi nhánh này không có phòng máy lạnh, có 2 khu vực ngồi chủ yếu là ngoài sân và bên trong. Tất cả đều dùng quạt và gió trời để làm mát”, quản lý cho hay.
Trong đợt cao điểm nắng gắt, anh Khang dặn nhân viên nói khéo với khách thông cảm về việc không gian ngoài trời sẽ oi bức hơn bình thường. Ngoài ra, quán cũng trang bị thêm quạt máy đặt ở nhiều vị trí và quạt cầm tay cho những bàn xa luồng gió.
Theo anh, yếu tố thời tiết là một điểm bất cập với những hàng quán kinh doanh theo mô hình cà phê sân vườn. Vào mùa mưa, mức giảm về sức mua và doanh thu còn tệ hơn ngày nắng.
“Đợt này quá nóng so với năm trước. Sáng tầm 10h là khách về hết, buổi chiều thì lai rai vài người, sau 19h mới đông trở lại”, anh Khang nói thêm.
Đại diện tiệm Little Cam Saigon cho hay số tiền bán được mỗi ca giảm rõ rệt trong ngày nắng gắt. |
Hồng Nhung (sinh năm 1993), chủ quán Missing Garden trên đường Lê Văn Sỹ (quận 3, TP.HCM), cũng đồng tình với Uyên Khang về vấn đề mất khách do thời tiết.
“Đang mùa nóng cộng với cận lễ, mọi người sẽ ưu tiên các buổi tiệc tùng hơn nên lượng khách giảm 20-30%”, chị Nhung nhận xét.
Theo quan sát của chị, sở thích thức uống của mọi người cũng thay đổi vào các ngày nhiệt độ tăng cao. Nhiều bạn trẻ ưu tiên gọi món nước trà trái cây, giải nhiệt hơn các loại còn lại.
Quán của chị được cải tạo từ một căn biệt thự cũ, nằm trong hẻm nhỏ. Ngoài không gian trong nhà và khoảng sân hẹp ở tầng trệt, nơi này còn có khu vực tầng thượng, chia làm hai phần như bên dưới.
Tuy nhiên, hơn một tuần gần đây, khách đến check-in, làm việc thích ngồi ở trong hơn vì có máy điều hòa, chỉ ra ngoài khi có nhu cầu chụp ảnh.
Chị Hồng Nhung nhận thấy thói quen của khách hàng thay đổi khi gọi trà trái cây nhiều hơn và chọn ngồi bên trong phòng điều hòa. Ảnh: Phương Lâm. |
Tìm cách giữ chân khách
Trong dịp hè, nhà hàng kết hợp quán cà phê Sori Garden (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3) chạy ưu đãi giảm 5% cho nhóm đặt bàn trước và bán các combo cơm trưa dao động 320.000-660.000 đồng.
Tương tự như nhiều doanh nghiệp F&B khác, nơi này cũng bị ảnh hưởng vào đợt nắng nóng khi lượng khách trong giờ trưa giảm xuống.
Anh La Văn Phát, quản lý, cho biết thời gian gần đây, mọi người có xu hướng book bàn trong phòng máy lạnh nhiều hơn ngoài trời. Khách cũng tránh ra đường, tới quán ăn mà gọi về nhiều hơn.
Nhà hàng chạy ưu đãi cho nhóm đặt bàn trước và bán các combo cơm trưa để khách tới ăn tại quán. |
“Buổi sáng, nhân viên sẽ chủ động hướng dẫn khách vào bên trong nhà ngồi cho mát. Ngoài sân, chúng tôi trang bị thêm quạt, gắn máy phun sương để giảm sự ngột ngạt”, anh Phát nói về biện pháp của quán trong thời điểm hiện tại.
Quán được thiết kế theo phong cách châu Âu, chia thành nhiều không gian khác nhau để phù hợp với nhu cầu dùng bữa, chụp ảnh và chạy deadline.
Quản lý cho biết thêm trong khung giờ sáng sớm, khách vẫn chọn ngồi ngoài sân để tận hưởng không khí mát mẻ, tiện check-in. Tuy nhiên, bắt đầu từ 10h trở đi, khu vực này sẽ trở nên vắng vẻ.
Sau giờ tan làm, Tuyết Trinh (sinh năm 1997, quận Tân Bình) ghé qua Sori Garden để gặp bạn. Trinh chia sẻ những ngày nắng nóng cũng ảnh hưởng ít nhiều đến tâm trạng của cô khi đi chơi. Nếu có thể tránh, cô chỉ xuống phố lúc trời đã tắt nắng.
“Thông thường, tôi sẽ chú ý nơi nào có view đẹp để chụp hình, cũng như có sân ngoài trời, vườn cây mát mẻ nhưng giờ tôi luôn nhắm các quán có điều hòa. Mùa khô ở Sài Gòn luôn khá bức bối, nhưng năm nay đặc biệt khó chịu”, Trinh bày tỏ.
Tuyết Trinh tránh đi chơi vào khung giờ nắng gắt. |
CPH Saigon Cafe (đường Phùng Khắc Khoan, quận 1) chỉ có một khu vực phục vụ duy nhất là không gian ngoài trời. Trước tình trạng nắng nóng oi bức, tiệm cà phê này cũng ghi nhận lượng khách sụt giảm.
“Khách thích uống cà phê lạnh, đá xay hơn trong mùa này. Buổi sáng thường có dân văn phòng làm việc ở các tòa nhà xung quanh đến, tối thì đông bạn trẻ hơn. Ban ngày, chúng tôi sẽ bung dù lớn để khách tránh nắng, ngoài ra còn có 5 quạt máy đặt ở các góc”, Anh Thư (sinh năm 2001), nhân viên, chia sẻ.
Dù vậy, việc càng bật quạt lại càng khiến hơi nóng phả ra và không phải khách nào cũng chịu được việc đó.
Cơ quan khí tượng dự báo trong 26 và 27/4, nắng nóng diện rộng tại Nam Bộ vẫn còn duy trì nhưng có xu hướng giảm dần về cường độ. Đợt nắng nóng có khả năng kết thúc từ ngày 28/4.
Tới 5/5, mùa mưa sẽ bắt đầu ở Nam Bộ, trong khi đó TP.HCM sẽ có mưa muộn hơn 2-3 ngày. Tổng lượng mưa của cả mùa xấp xỉ các năm.
Cơ quan khí tượng cảnh báo người dân đề phòng cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực đông dân trong thời tiết nắng nóng gay gắt. Ngoài ra, nắng còn gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi làm việc ngoài trời.
Một số địa điểm trang bị máy làm mát không khí, quạt bán công nghiệp để khách thoải mái khi sử dụng dịch vụ. |
Vị trí của cà phê Việt Nam trên bản đồ thế giới
Theo sách Bản đồ thế giới cà phê của James Hoffmann, sản lượng cà phê lớn ở Việt Nam từ thập niên 1990 đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành công nghiệp cà phê toàn cầu. Năm 1990, hàng loạt công ty mới được thành lập ở Việt Nam, trong đó có nhiều công ty tập trung sản xuất cà phê trên quy mô lớn. Sản lượng cà phê Việt Nam tăng gấp đôi trong giai đoạn 1996-2000, tác động lớn đến giá cà phê thế giới. Đến nay, Việt Nam vẫn là quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới. Dù vậy, tác giả James Hoffmann cho rằng chất không đi với lượng ở thị trường tiềm năng này.