Chiều 12/11, ĐH Sư phạm TP.HCM họp hội đồng nghiệm thu đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ mang tên Hiện tượng tự hủy hoại bản thân của học sinh trung học cơ sở và biện pháp phòng ngừa. PGS Huỳnh Văn Sơn, Phó hiệu trưởng ĐH Sư phạm TP.HCM, là chủ nhiệm đề tài nghiên cứu này.
Nhóm tác giả đã nghiên cứu thực tế trên 1.043 học sinh tại 7 trường THCS ở TP.HCM và Bình Dương trong 2 năm qua. Kết quả cho thấy hành vi tự hủy hoại bản thân, bao gồm việc tự làm đau bản thân, suy nghĩ bi quan về cuộc sống, bỏ bê bản thân mình, cảm thấy mệt mỏi chán nản với các dấu hiệu cụ thể về mặt thể xác và lâm sàng nhưng nhiều khi chính chủ thể không nhận ra.
Biểu hiện của hiện tượng này tập trung ở các hành vi như không quan tâm sức khỏe, tính mạng bản thân, từ chối hình thức bảo vệ (không đội mũ bảo hiểm, áo phao…); tự cắt xén, bứt tóc, tự khắc lên da thịt, tự đầu độc, tự cán mình; đau khổ trong im lặng, không thể hiện cảm xúc của mình. Thậm chí, mức độ cao hơn là có mưu toan tự tử, thực hiện hành vi tự tử.
Nhiều học sinh bị trầm cảm vì áp lực học tập quá lớn. Ảnh minh họa. |
Theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, hiện tại, tỷ lệ rối loạn tâm lý học đường càng cao, học sinh đối diện nhiều khó khăn. Vì vậy, nhiều em chọn hành động tự tổn hại, tự hành hạ mình.
Nhóm nghiên cứu đã chỉ ra rằng hành vi tự hủy hoại bản thân có thể bắt nguồn từ nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Thông thường, học sinh càng gặp khó khăn về tâm lý càng dễ có hành vi tự hủy hoại bản thân. Điều đó dễ thấy ở học sinh lớp 6 (đầu cấp) và lớp 9 (cuối cấp), chuẩn bị thi cử.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp có hành vi tự hủy hoại không gặp sức ép từ người khác mà lại do chính các em kỳ vọng quá cao vào bản thân. Một số em bị bạn bè công kích, ép buộc hoặc bắt chước theo trào lưu tôn thờ cảm xúc.
Kết quả điều tra của ĐH Sư phạm TP.HCM cho thấy 643 học sinh (61,6%) có hành vi bỏ bê bản thân mình, thể hiện sự thiếu trách nhiệm với bản thân. 401 em “suy nghĩ bi quan về cuộc sống”, chiếm tỷ lệ cao thứ hai (38,4%). 149 học sinh thừa nhận “từng làm đau bản thân mình”, chiếm 31,6%.
Từ 1.043 học sinh này, nhóm nghiên cứu sàng lọc được 280 học sinh có thực hiện hành vi tự hủy hoại bản thân.
Biểu hiện của việc tự hủy hoại bản thân được thể hiện ở nhiều mức độ khác nhau, như tự bứt tóc chiếm 18,2%; tự cắn mình chiếm 18,2%. Đáng sợ là hành vi tự đánh và đấm mình chiếm đến trên 35% ở mức nhiều và rất nhiều. Đập đầu vào một vật gì đó cũng chiếm gần 20%.
Nghiên cứu của ĐH Sư phạm TP.HCM cũng cho thấy những em có dấu hiệu tự hủy hoại bản thân có xu hướng tập trung ở học sinh khá, giỏi và trung bình. Cụ thể, trong nhóm nghiên cứu là 99 học sinh giỏi, 110 học sinh khá, 51 học sinh trung bình.