Hồ Văn Thắng (trái), Hồ Văn Nhơ (phải) cùng học lớp 7 và đều không biết chữ. Ảnh: Pháp Luật TP HCM. |
Sau khi báo chí phản ánh, đoàn công tác làm việc trực tiếp với trường tiểu học A Túc và tiểu học - THCS A Dơi (Hướng Hóa, Quảng Trị), Bộ GD&ĐT khẳng định, nhiều em bảy năm đi học không viết nổi tên mình.
Tại trường tiểu học A Túc, ba em Hồ Văn Thế, Hồ Văn Quyền (lớp 5) và Hồ Văn Thùy (lớp 4) không biết đọc, chỉ viết được một vài chữ đơn giản. Bệnh viện Đa khoa Hướng Hóa xác định, đây là 3 học sinh khuyết tật.
Em Hồ Văn Thùy và Hồ Văn Thế có vấn đề thần kinh. Em Hồ Văn Quyền bị điếc bẩm sinh. Ngoài ra, em Hồ Xuân Luật được xác minh không thường xuyên đến trường, nhưng vẫn được giấy khen học sinh tiên tiến.
Tại trường tiểu học và THCS A Dơi, ba em Hồ Văn Thắng, Hồ Văn Nhơ và Hồ Văn Hơm (lớp 7) hạn chế khả năng đọc, tính toán chỉ làm được bài cộng, trừ đơn giản.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, hiện trạng học sinh ngồi nhầm lớp tồn tại do kết quả học tập không được đánh giá đúng sự thật. Cụ thể, Ban giám hiệu nhà trường không thực hiện đầy đủ các quy định về quản lý chất lượng.
Học sinh khuyết tật không có giải pháp riêng phù hợp đặc điểm sức khỏe. Phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa và Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị không chỉ đạo nghiêm túc công tác quản lý dạy và học.
Buộc phải lên lớp vì thành tích
Tháng 10/2014, chị Hoàng Thị Thu (trú xóm Hồng Tiến, xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) không đồng ý con trai mình là Bảo Quân bị nhà trường “bắt ép” lên lớp 2. Phụ huynh này đã xin cho con học lại lớp 1, vì cháu chưa thuộc hết bảng chữ cái. Các chữ O, A…, em cũng không biết.
Tuy nhiên, yêu cầu cho con học lại lớp 1 của chị Thu không được giáo viên chủ nhiệm chấp thuận, vì ảnh hưởng thành tích phổ cập giáo dục của nhà trường. Đến gặp ban giám hiệu, chị cũng nhận được cái lắc đầu vì lý do tương tự.
“Bắt đền” trường vì lớp 5 không biết đọc
Tháng 10/2014, chị Nguyễn Thị Vinh (huyện Lục Nam, Bắc Giang) cho biết, muốn “bắt đền” nhà trường vì con mình học đến lớp 5 vẫn không đọc thông viết thạo.
Chị Vinh còn cho biết, một số học sinh trong thôn học chung lớp với con mình cũng không biết đọc, viết. Nhiều em đọc, viết rất kém nhưng vẫn lên lớp. Thậm chí, có em không biết viết gì khác ngoài… tên mình.
“Gia đình tôi định bắt đền nhà trường theo hai hướng: Dạy cháu biết đọc, viết, nếu không phải trả 50 triệu đồng. Trong đó, 2 triệu đồng tiền đóng học trong 4 năm và 48 triệu đồng nuôi dạy cháu”, chị Vinh nói với báo chí.
Tuy nhiên, nhiều người cùng thôn cho rằng, việc đổ hết lỗi cho nhà trường là thiếu khách quan. Gia đình cũng cần phải chịu trách nhiệm một phần vì cha mẹ mải làm ăn, không theo dõi việc học tập của con sát sao.
Cô dạy học sinh lớp 4... đánh vần
Đó là trường hợp em Quang Minh - học sinh lớp 4/2 ở quận 6, TP HCM. Cô giáo chủ nhiệm của Minh thừa nhận, sức học của em kém nhiều so với học sinh cùng tuổi. Cô giáo vẫn đang phải dạy em cách đánh vần và Minh vẫn chưa thể làm được các bài toán đố có lời giải.
Thế nhưng, em Minh vẫn… đều đặn lên lớp, do “điểm thi trên trung bình, đủ điều kiện”.
Theo cô giáo trường này, gia đình muốn cho em học lại, phải có đơn đề nghị và trường cũng chỉ có thể cho em học lại lớp 4 chứ không thể cho học xuống các lớp học thấp hơn.
Học lớp 3 không thể làm toán dưới phạm vi 10
Đầu năm 2015, chương trình Cuộc sống thường ngày của Đài Truyền hình Việt Nam phản ánh, em Đinh Trọng Tường, học sinh lớp 3E (huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định) gần như không thể đánh vần được chữ nào trong cuốn sách giáo khoa đang học. Khi được người chú ra đề toán dưới phạm vi 10, em cũng không làm được.
Trường hợp em Tường không phải cá biệt. Một số học sinh lớp 3, lớp 4 khác ở các thôn đồng bào dân tộc thiểu số trong xã Canh Thuận (huyện Vân Canh) cũng trong tình trạng tương tự.
Năm 2013, ngành giáo dục huyện An Lão (tỉnh Bình Định,) xác nhận, 78 học sinh tiểu học và THCS đang ngồi nhầm lớp.