Mặt xanh nhợt, cổ tay trái tự cứa dao lam đã được băng bó, nhưng máu vẫn chảy thấm ra ngoài, N.T.T.A. (11 tuổi, đường Trịnh Đình Thảo, Q.Tân Phú, TP.HCM) thút thít: “Mỗi sáng, mẹ bắt đến trường là con… muốn chết. Lần này con chịu không nổi nên lấy dao lam cắt tay trái cho chết luôn”.
T.A. là một trong số nhiều học sinh mắc bệnh tâm lý có liên quan đến việc học, được gia đình đưa đi khám khi mùa tựu trường diễn ra chưa đầy một tháng. Chỉ tính riêng trong tuần lễ vừa qua, tại khoa Tâm lý Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 có 80 học sinh đến khám và điều trị.
Mắc bệnh vì mặc cảm thua sút
Sáng 14/9, bé T.A. không đến trường mà cùng mẹ đến khám tâm lý tại BV Nhi Đồng 1. Ngồi chờ đến lượt khám, bé rầu rĩ: “Con đi gặp bác sĩ (BS) thích hơn đi học. Đi học sợ lắm!”.
Trong những ngày đầu đến lớp, rất cần sự phối hợp giữa phụ huynh và giáo viên để giải tỏa các mối âu lo cho trẻ. Ảnh: Phụ Nữ TP HCM. |
Theo chị T.T.M., mẹ của bé, bé T.A. vốn nhút nhát, sợ gặp người lạ. Những năm học cấp I, trường gần nhà, trong lớp lại có nhiều bạn bè quen từ mẫu giáo hay hàng xóm nên bé ít sợ sệt. Mùa khai giảng năm nay, lên lớp 6, trong lớp có nhiều bạn mới, nên T.A. rất sợ đi học.
Vài ngày trước khi nhập viện, bé lo lắng khi nhắc đến chuyện học. Ba mẹ đưa đến trường, bé tìm cách chống đối. Sau đó, bé dọa tự tử rồi dùng dao lam cứa tay. Trò chuyện với với BS, bé T.A. thủ thỉ : “Nghĩ đến chuyện học, con không có cảm giác đau, dù cắt mạnh, thấy máu chảy nhiều…”.
Cũng trong ngày 14/9, tại BV Nhi Đồng 2, các BS khoa Tâm lý tiếp nhận bé H.H.N. (lớp 4) không thể viết được chữ vì khiếp sợ cô giáo. N. vốn là học sinh giỏi ba năm liền dù tính nhút nhát.
Cô giáo chủ nhiệm lớp 4 là bạn thân với mẹ của N. trấn an: “Yên tâm đi. Bé nhút nhát để tôi trị cho”. Từ dạo đó, mỗi ngày đến lớp, cô chủ nhiệm rất “ưu ái” N., thường gọi N. lên bảng, hoặc phát biểu trước lớp. Lo lắng và sợ hãi kéo dài, N. bỗng rơi vào tình trạng viết chữ nguệch ngoạc, thậm chí run không viết được.
Các BS cho biết, vào đầu năm học này, có khá nhiều trẻ được đưa đến BV điều trị tâm lý. Trong 80 trẻ (phần lớn học cấp I) đến khám, điều trị tại khoa Tâm lý BV Nhi Đồng 1 tuần qua, có không ít trẻ chưa được học chữ trước khi vào lớp 1.
Các bé này rơi vào trạng thái rối loạn lo âu vì nhiều bạn bè trong lớp đã biết chữ trước. Chị Lan - mẹ bé H.K.Q. (sáu tuổi, nhà ở H.Bình Chánh) kể:
“Cô giáo nói cháu hay đánh vần nhầm một số chữ trong bảng chữ cái A, B, C. Trừ cháu ra thì tất cả các bạn trong lớp đều đọc chữ rất nhanh. Cô giáo nghi cháu có dấu hiệu chậm phát triển trí tuệ và khuyên đưa đi khám để xin BS tâm lý giấy chứng nhận cháu gặp khó khăn trong học tập”.
Thế nhưng, sau khi khám tâm lý, thử nghiệm trí tuệ, BS Phạm Minh Triết, Trưởng khoa Tâm lý, BV Nhi Đồng 1 cho biết, chỉ số thông minh của “bệnh nhi” vẫn nằm trong ngưỡng bình thường (85-115).
Được BS hỏi về hoàn cảnh gia đình và quá trình học của bé, chị Lan cho hay, vợ chồng chị làm công nhân, suốt ngày ở công ty nên từ nhỏ, bé Q. ở nhà với bà ngoại.
Đến hè vừa rồi, một số người khuyên cho bé học chữ trước, nhưng vợ chồng chị không có điều kiện gửi cháu học, bà cũng không thể hướng dẫn.
Sau một tuần vui vẻ đến trường, bé Q. có dấu hiệu sợ đi học. Mỗi sáng thức dậy, bé nằm lì, không chịu rời khỏi giường, khi ăn uống thì ngậm rất lâu… BS Phạm Minh Triết chẩn đoán, bé Q. bị rối loạn lo âu. Bé cảm thấy mình thua sút bạn bè vì mình chưa biết chữ.
Ngược lại, tại BV Nhi Đồng 2, chuyên viên tâm lý Trương Quốc Cường ghi nhận, một số phụ huynh đưa con đến khám vì bé lơ là việc học do đã học chữ trước đó.
Điển hình như trường hợp của bé trai L.H.V. (sáu tuổi, nhà ở Q.1), mỗi khi đến giờ tập đánh vần, cả lớp ngồi ngay ngắn thì bé cứ nói chuyện riêng, ảnh hưởng các bạn. Khi cô rầy la thì bé nói “đã biết chữ này rồi mà”. Bị cô giáo nhiều lần nhắc nhở, ba mẹ bé V. cho rằng con mình “có vấn đề về tâm lý”.