Vợ chồng cô Hà Thị Sơn (53 tuổi, Hà Nội) và chú Phan Văn Thịnh (54 tuổi) gắn bó với nghề lao công đã hơn 20 năm nay. Cũng như mọi năm, hai người không được đón giao thừa bên nhau vì phải làm việc đến 2h sáng.
Đều đặn mỗi ngày, ca làm việc tối của cô Sơn, chú Thịnh thường bắt đầu lúc 14h30 và kết thúc vào 2h30 sáng hôm sau. Dù là ngày bình thường hay dịp Tết, giờ làm việc vẫn không có gì thay đổi.
Chưa bao giờ mặc cảm vì nghề
Chia sẻ với Zing, cô Sơn tâm sự công việc của công nhân vệ sinh rất vất vả, khiến cô nhiều lúc tưởng phải từ bỏ. Nhờ lòng yêu nghề, cô đã bám trụ được ngót nghét 20 năm nay.
Với đặc thù công việc làm xuyên đêm, sức khỏe và cuộc sống của cô Sơn ít nhiều bị ảnh hưởng. Lúc mới vào nghề, phải mất khoảng nửa năm cô mới quen dần với nhịp độ lao động “ngủ ngày cày đêm” này.
Cô Sơn bắt đầu công việc từ lúc 14h30 chiều. |
Thời gian đầu, có lúc cô Sơn phải ngồi tạm bên đường để tranh thủ chợp mắt 15 phút vì quá mệt. Vào những dịp lễ, Tết, khi mọi người xuống đường vui chơi, cô cùng các đồng nghiệp phải làm việc hết công suất.
“Mấy năm nay, vợ chồng tôi không được đón giao thừa bên nhau. Tết này, TP.HCM quyết định không bắn pháo hoa, vì thế cũng ít người ra đường vui chơi, lượng rác thải cũng giảm đi đáng kể. Đêm 30 Tết năm trước, tôi phải quét dọn đến 3-4h sáng mới xong. Ai cũng mệt, nhưng nghĩ đến quang cảnh thành phố được sạch đẹp vào sáng ngày đầu năm, mọi người đều vui vẻ”, cô Sơn nói.
Tuy vất vả, cô Sơn hài lòng với công việc hiện tại. Cô tâm niệm nghề nào cũng đáng quý. Hơn 20 năm làm việc, cô luôn giữ suy nghĩ lạc quan và vui vẻ, chưa bao giờ mặc cảm về nghề nghiệp.
Cô Sơn chuẩn bị sẵn cơm từ nhà để tranh thủ ăn lúc nghỉ mệt. |
Bám trụ với nghề dù nguy hiểm
Ngoài việc phải thức khuya, nghề lao công tiềm ẩn nhiều khó khăn ít ai biết. Việc bị xe đụng ngã, xây xát nhẹ là chuyện bình thường đối với cô Sơn và chú Thịnh.
Mới nửa tháng trước, cô Sơn bị một người đàn ông say xỉn lái xe đụng phải. May mắn, cô chỉ bị xây xước nhẹ, nhưng vẫn phải nghỉ việc 10 ngày để dưỡng thương. Vừa khỏe lại, cô tiếp tục công việc vì đây là thời gian cao điểm của cả nước.
Dù công việc vất vả và nguy hiểm, chú Thịnh vẫn cố gắng bám trụ. |
Cô Sơn còn nhớ kỷ niệm khó quên nhất khi bước chân vào nghề được 1 năm. Khi đang quét dọn trên một con đường vắng, cô bất ngờ bị một thanh niên có dấu hiệu say xỉn tông xe máy thẳng vào người.
Dù đã phản xạ né tránh, cô Sơn vẫn bị ngã ra đường. Được đồng nghiệp đưa vào bệnh viện, cô được chẩn đoán gãy chân phải và tưởng mình sẽ không còn cơ hội tiếp tục công việc. May mắn, sau thời gian nghỉ ngơi, sức khỏe cô dần hồi phục.
Đến giờ, vết thương cũ vẫn thỉnh thoảng đau nhức, nhất là khi cô phải làm việc liên tục 10 tiếng. Tuy vậy, cô vẫn cố gắng hoàn thành công việc mỗi đêm là giữ gìn thành phố sạch đẹp.
Khi xếp gọn gàng thùng rác lại cũng là lúc một ngày làm việc của cô Sơn - chú Thịnh kết thúc. |
Chia sẻ với Zing, chú Thịnh nói nhiều người đi xe rất chủ quan vì cứ nghĩ đường phố về đêm không có ai. Chú và các đồng nghiệp hầu như ai cũng từng bị thương vì xe cộ va chạm.
"Nhiều lúc sự việc diễn ra bất ngờ lắm, mình không biết trước được. Vì vậy, mỗi lần làm việc, tôi đều mặc đồ bảo hộ phát quang và đội mũ bảo hiểm để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của bản thân”.
Bên cạnh đó, thỉnh thoảng quét rác tại những con đường vắng, cô Sơn vẫn hay bị những gã thanh niên nghiện ngập chặn đường “xin đểu”. Dù rất sợ, cô vẫn cố gắng bình tĩnh tiếp tục cùng đồng nghiệp làm công việc của mình.
“Nghề chọn mình chứ mấy ai chọn được nghề đâu! Niềm vui lớn nhất mà công việc mang lại cho tôi là giữ được thành phố luôn sạch đẹp. Mỗi người đều có công việc riêng, quan trọng là phải biết cống hiến hết sức mình”, cô Sơn chia sẻ thêm.