Thời gian qua, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Hà Nội phát hiện và tiếp nhận nhiều tin báo tố giác tội phạm từ các cá nhân, tổ chức bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Qua xác minh, cơ quan chức năng nhận định thủ đoạn lừa đảo của tội hiện rất tinh vi. Người dân cần cảnh giác để không bị tội phạm công nghệ cao chiếm đoạt tài sản.
Mất tiền tỷ khi vay tiền online
Chị H. (ở phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết đã bị lừa mất hơn 500 triệu đồng. Trình báo với cơ quan chức năng, chị H. kể đã nhận được điện thoại quảng cáo hỗ trợ cho vay 400 triệu đồng thông qua ứng dụng Fiin Finance.
Theo hướng dẫn, chị H. nhập thông tin cá nhân rồi nhận thông báo được duyệt giải ngân. Người phụ nữ lúc này được yêu cầu chuyển trước một số tiền để làm thủ tục.
Sau khi có thông tin từ chị H., nhóm này đe dọa, buộc người phụ nữ này chuyển tiền. Theo trình báo, nạn nhân chuyển 530 triệu đồng vào tài khoản của tội phạm rồi bị chiếm đoạt.
Quảng cáo lừa đảo trên mạng xã hội. Ảnh: Minh Ánh. |
Cũng sập bẫy lừa đảo khi có nhu cầu vay vốn, anh D. (ở quận Long Biên, Hà Nội) cho biết được đề nghị cài đặt ứng dụng "Tín Việt".
Sau khi làm theo hướng dẫn, anh D. nhận điện thoại từ một người xưng là nhân viên ngân hàng thẩm định khoản vay 1,3 tỷ đồng, lãi suất 0,5%/tháng.
Tưởng chừng tiền đã về tay, anh D. lại nhận thông báo không rút được tiền từ ứng dụng "Tín Việt" và phải nộp tiền để tăng mức tín dụng. Cả tin, nạn nhân chuyển 1,2 tỷ đồng vào tài khoản ngân hàng của tội phạm.
Công an TP Hà Nội cho biết người dân dễ bị tội phạm dụ dỗ bằng những quảng cáo trên mạng xã hội về việc cho vay tiền nhanh, giải ngân trong 10 phút thủ tục đơn giản, lãi suất thấp, hoặc gửi đường link cài ứng dụng cho vay tiền online, mời tham gia trò chơi và các ứng dụng kiếm tiền online.
Lừa đảo bằng tin nhắn giả mạo ngân hàng
Ngoài các thủ đoạn kể trên, Công an Hà Nội cảnh báo người dân cần tỉnh táo, nâng cao nhận biết đối với một số tin nhắn có thể bị giả mạo thương hiệu để lừa đảo.
Theo đó, tội phạm sẽ gửi tin nhắn SMS Brandname trùng với tên các ngân hàng với nội dung mang tính chất cảnh báo (trừ tiền, cảnh báo mất tiền, đóng tài khoản...) để khách hàng truy cập vào các đường link lạ.
Khi người dân truy cập đường link và nhập các thông tin cá nhân, tài khoản, mã OTP, tội phạm sẽ lập tức chiếm quyền kiểm soát tài khoản và chiếm đoạt tiền.
Cách phân biệt tin nhắn giả mạo và tin nhắn từ ngân hàng. |
Một thủ đoạn khác mà công an phát hiện ra là mời tham gia trò chơi, các ứng dụng kiếm tiền online. Cụ thể, tội phạm sẽ quảng cáo trên mạng xã hội: “Việc làm tại nhà ổn định, ngày làm chỉ 2-3 tiếng là nhận được từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng..." hay "chỉ cần ít vốn tải app về và ngồi đếm tiền".
Sau khi tải ứng dụng, chúng sẽ cho nạn nhân hưởng một số tiền lời nhỏ rồi dụ nạp thêm tiền để nhận hoa hồng lớn hơn. Sa đà vào bẫy, nạn nhân chỉ nhận ra bị lừa khi đã chuyển số tiền lớn mà không nhận lại được tiền lãi.
Theo Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Hà Nội, tình trạng lừa đảo bằng những thủ đoạn trên có xu hướng gia tăng, tội phạm ngày càng tinh vi, sử dụng đan xen nhiều thủ đoạn lừa đảo. Công an khuyến cáo người dân khi nhận các tin nhắn nghi vấn, không rõ ràng... thì không vội trả lời hay nghe theo nội dung, hướng dẫn. Người dân có thể gọi điện trực tiếp lên tổng đài chăm sóc khách hàng của các ngân hàng để kiểm tra thông tin nhận được.
Ngoài ra, người dân tuyệt đối không truy cập vào các website, đường link lạ chưa được xác thực, không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã OTP hay mã xác nhận cho bất kỳ ai hoặc chia sẻ lên mạng xã hội.
Để đảm bảo an toàn, người dân cần thường xuyên thay đổi mật khẩu các tài khoản Internet Banking, SmartBanking... Khi nghi ngờ bản thân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần liên hệ ngay với ngân hàng để phong tỏa tài khoản, sau đó nhanh chóng trình báo cơ quan công an gần nhất để được giải quyết.