Công an Hà Nội cho biết ngày 8/3, kẻ gian giả danh công an, gọi điện cho bà T.T.T. (75 tuổi, hưu trí ở thị xã Sơn Tây) nói đang điều tra vụ án ma túy, rửa tiền rồi yêu cầu bà cung cấp thông tin cá nhân và số tiền tiết kiệm.
Khi bà lão nói mình có 150 triệu đồng gửi ngân hàng, kẻ gian bảo bà T. đi rút tiền, chuyển vào tài khoản do chúng cung cấp để "cơ quan công an" giữ hộ. Khi điều tra xong, nếu chứng minh bà không tham gia vụ án thì họ sẽ hoàn tiền gốc và lãi.
Lo bị mất tài sản, bà T. ra ngân hàng định chuyển tiền. Tuy nhiên, khi sắp thực hiện giao dịch, bà nghi bị kẻ xấu lừa đảo nên báo công an. Nhờ đó, nạn nhân bảo toàn được tài sản.
Nhiều tội phạm giả mạo lệnh bắt của VKSND Tối cao để gửi cho nạn nhân. Ảnh: Hải Nam. |
Công an Hà Nội đánh giá vụ việc trên là một trong nhiều chiêu trò lừa đảo xảy ra gần đây. Để tránh bị mất tài sản, cơ quan công an khuyến cáo người dân:
- Luôn cảnh giác trước những lời đe dọa, mời chào cho vay, mượn, chuyển tiền, các tin nhắn tuyển cộng tác viên làm việc nhẹ lương cao qua điện thoại.
- Thận trọng với việc cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại của mình cho người khác; không truy cập các đường link do người lạ gửi.
- Chia sẻ, trao đổi với người thân, nhất là người cao tuổi biết về thủ đoạn của những kẻ lừa đảo để tránh bị thiệt hại.
- Khi có nghi vấn, người dân trình báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất, gọi điện đến tổng đài 113 hoặc hotline 069.219.4053 để được giải quyết.
Theo trung tướng Tô Ân Xô (Chánh văn phòng Bộ Công an), hành vi giả mạo người của cơ quan công an, VKS hay tòa án để gây sức ép rồi yêu cầu nạn nhân chuyển tiền cũng là một trong những thủ đoạn lừa đảo phổ biến.
Một phụ nữ tại Hà Nội được công an giúp ngăn chặn vụ lừa chuyển 600 triệu đồng hồi tháng 7/2020. |
Tướng Xô khuyến cáo người dân cảnh giác với các cuộc gọi của người tự xưng cán bộ cơ quan tố tụng. Mọi người tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà cho bất kỳ người lạ nào, không chuyển tiền vào các tài khoản do người không quen biết cung cấp.
Đại diện Bộ Công an khẳng định khi làm việc, lực lượng chức năng sẽ gửi giấy mời và làm việc trực tiếp tại trụ sở, không làm việc qua mạng hay điện thoại.
Còn đại diện Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an Hà Nội) nhấn mạnh kẻ lừa đảo thường dùng số điện thoại có đầu số lạ, số giả lập cuộc gọi qua VoIP để liên lạc.
Khi gọi, chúng thường hỏi han chi tiết, cặn kẽ về thông tin cá nhân của nạn nhân bằng cách giả danh nhiều người, làm việc ở nhiều nơi trong một cuộc gọi. Khi nạn nhân mắc bẫy, chúng sẽ yêu cầu chuyển tiền qua ngân hàng. Người dân nếu nhận được những cuộc gọi đòi nợ hay yêu cầu chuyển khoản thì cần hẹn gặp trực tiếp, không làm việc qua điện thoại.