Sáng 5/3, xe container chở 2 cuộn thép trên đường Nguyễn Văn Linh, hướng quận 7 (TP.HCM) về quốc lộ 1. Khi gần đến giao lộ Nguyễn Văn Linh - Trịnh Quang Nghị, huyện Bình Chánh, phương tiện này phanh gấp để tránh một người đi bộ.
Lúc này, 2 cuộn thép trên xe đứt xích lăn xuống đường, va vào một người đàn ông bán vé số bên lề đường khiến người này bị thương, phải đi cấp cứu. Chiếc xe máy của nạn nhân cũng bị cuộn thép đè hư hỏng.
Trường hợp này, lái xe container có thể phải chịu trách nhiệm ra sao?
Luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật Pháp trị
Trường hợp này, cơ quan chức năng cần điều tra, xác định rõ yếu tố lỗi của những người liên quan trong vụ việc cũng như mức độ thương tật của người lái vé số. Đây là yếu tố quyết định, xác định trách nhiệm của tài xế container.
Hiện trường cuộn thép bị đứt xích rơi xuống đường đè trúng người bán vé số. Ảnh: A.K. |
Nếu lái xe vi phạm các quy định về an toàn giao thông như thiếu quan sát; không đảm bảo tốc độ trên đoạn đường; xử lý chủ quan, cẩu thả khi phát hiện người đi đường hay chằng giữ thiếu cẩn thận các cuộn thép... và khiến người lái vé số bị thương tật từ 61% trở lên, tài xế này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015.
Với hậu quả làm nạn nhân bị thương tật từ 61% trở lên, người phạm tội sẽ bị phạt tiền 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 1-5 năm theo quy định tại Khoản 1 Điều 260.
Trường hợp được xác định không vi phạm các quy tắc giao thông đường bộ, không có lỗi dẫn tới việc phải đánh lái, phanh gấp gây trượt, khiến các khối bê tông rơi xuống đường mà lỗi thuộc về phía người đi bộ hoặc thương tật của nạn nhân chưa đủ 61% thì lái xe sẽ không bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, trường hợp không bị xử lý hình sự, lái xe này vẫn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về sức khỏe do việc vận hành nguồn nguy hiểm cao độ là phương tiện giao thông gây ra.
Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 quy định nguồn nguy hiểm cao độ gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới; hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm khác do pháp luật quy định.
Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật. Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại hoặc trong trường hợp bất khả kháng, tình thế cấp thiết.
Điều 171 Bộ luật Dân sự 2015 quy định tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa trực tiếp lợi ích công cộng, quyền lợi hợp pháp của mình hoặc người khác mà không còn cách nào khác là phải có một hành động gây thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn chặn.
Trường hợp này, có thể thấy thiệt hại do hành vi phanh gấp của lái xe container là thiệt hại về sức khỏe của người bán vé số. Ngoài ra, cần xác định thiệt hại đã xảy ra có nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn chặn, từ đó xác định đây có phải tình thế cấp thiết hay không.
Nếu đây là tình thế cấp thiết hoặc lỗi trong vụ việc hoàn toàn thuộc về người bán vé số, tài xế này sẽ không phải chịu trách nhiệm dân sự đối với nạn nhân. Nếu không, người này có trách nhiệm bồi thường tổn thất cho nạn nhân theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.