N
gày 3/4, đại úy Nguyễn Mạnh Hưng, Trưởng công an xã Cư Suê, huyện Cư M'Gar (Đắk Lắk), cho biết đơn vị vừa tiếp nhận hàng loạt đơn tố cáo bà Trần Thị Vân (29 tuổi, ngụ thôn 2 xã Cư Suê).
Theo ông Hưng, tính đến nay đã gần 10 đơn tố cáo bà Vân có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền lên đến hơn 27 tỷ đồng.
Bẫy lãi suất cao
Theo đơn tố cáo, tháng 9/2017, bà Vân tìm đến một số người dân để vay tiền đáo hạn ngân hàng. Do chỗ quen biết, cộng với việc hứa hẹn trả lãi suất cao (mỗi triệu lãi 3.000 đồng/ngày) nên nhiều người tại xã Cư Suê và Cư M'Nang đã gom tiền cho bà Vân vay.
Ban đầu, bà Vân trả lãi đúng hẹn nhưng đến khoảng tháng 11/2017 người này không thanh toán nữa mà tìm cách trì hoãn. Đến khoảng 10 ngày trước, bà Vân bất ngờ "biệt tích".
Theo tìm hiểu của phóng viên, không chỉ những người đã làm đơn gửi công an xã mà nhiều trường hợp khác cũng là nạn nhân của bà Vân. Đặc biệt có người đã cho bà Vân vay đến 22 tỷ đồng.
Người dân đến công an tố cáo bà Vân. Ảnh: Minh Quý. |
Bà Nguyễn Thị Kim Dung (ngụ thôn 4, xã Cư Suê) cho biết do tin tưởng nên ban đầu gia đình đưa cho bà Vân vay 500 triệu đồng, mỗi triệu lãi 3.000 đồng/ngày
“Thấy bà Vân giữ đúng lời hứa nên gia đình đã gom thêm của người thân, bạn bè đưa cho bà Vân hơn 3,5 tỷ đồng nữa. Giờ bà Vân bỏ đi không rõ tung tích”, bà Dung lo lắng.
Tương tự, bà N.T.B (trú xã Ea M'Nang, huyện Cư M'Gar) đã cho bà Vân vay đến 22 tỷ đồng. Theo bà B., số tiền này đa phần do bà vay lại của người dân với lãi suất 2.000 đồng/ngày.
Vay 'nóng'
Không chỉ hai trường hợp trên, nhiều người dân tin tưởng đã vay "nóng" để cho bà Vân mượn. Theo một số người dân, bà Vân còn giúp họ làm thủ tục để vay tiền ngân hàng, sau đó đưa cho bà Vân vay.
Ông Đặng Văn Minh (thôn 4, xã Cư Suê) cho biết gia đình đã lấy sổ đỏ đang vay tại một ngân hàng trên địa bàn đưa cho bà Vân. Sau 3 ngày, bà Vân đã giúp ông vay được số tiền cao gấp đôi so với mức vay hiện tại. Toàn bộ số tiền vay ông Minh chưa kịp cầm trong tay thì đã được bà Vân mượn lại hết.
Không chỉ ba trường hợp trên, nhiều người thấy "miếng mồi" lãi suất cao của bà Vân nên đưa tiền cho người này vay đang đứng trước nguy cơ mất nhà, mất tài sản. Nhiều người đã cắm hầu hết sổ đỏ, nhà cửa của mình ở ngân hàng để vay tiền cho bà Vân.
Đặc biệt, đối với những người dân đi vay "nóng" của người khác để cho bà Vân vay lại đang khốn đốn vì đang trở thành con nợ.
Nhiều người bỗng nhiên thành con nợ khi cho bà Vân vay tiền. Ảnh: Minh Quý. |
Theo đại úy Nguyễn Mạnh Hưng, vợ chồng bà Vân không có mặt tại địa phương một tuần qua, có dấu hiệu đã bỏ trốn.
“Cơ quan đang cho cán bộ xác minh tất cả những trường hợp cho bà Vân vay. Sau khi có số lượng nạn nhân sẽ báo cáo cấp trên giải quyết theo thẩm quyền. Những trường hợp cho bà Vân vay tiền đều ham lãi suất cao nên mới rơi vào hoàn cảnh này”, đại úy Hưng nói.
Trao đổi với phóng viên, luật sư Tạ Quang Tòng, Phó chủ nhiệm đoàn luật sư Đắk Lắk, cho rằng việc người dân vay mượn rồi đưa tiền cho người khác vay với lãi suất cao hơn là hành vi dân sự.
Tuy nhiên, nếu xác định người nợ tiền có tài sản nhưng không trả hoặc bỏ trốn thì có thể tố cáo đến cơ quan công an hoặc khởi kiện theo quy định.
“Trong trường hợp này bà Vân có dấu hiệu lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra cơ quan chức năng cần xác định xem bà Vân có chủ mưu chiếm đoạt tiền ngay từ đầu hay không. Nếu có thì phạm vào tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, luật sư Tòng thông tin.