Nhiều người hưởng ứng việc phá hủy đồ của Balenciaga. Ảnh: Sportskeeda. |
Sau chiến dịch gây tranh cãi của Balenciaga có hình ảnh đứa trẻ tạo dáng với gấu bông bị xích, trói tay chân, nhiều người đang hướng đến việc “tẩy chay” thương hiệu, theo Dazed. Nhà mốt xa xỉ đã xin lỗi và xóa những hình ảnh khỏi chiến dịch. Họ cũng kiện công ty sản xuất với số tiền 25 triệu USD để bồi thường thiệt hại về mặt uy tín.
Tuy nhiên, cộng đồng mạng không dễ dàng tha thứ cho thương hiệu này. Nhiều người cho biết họ sẽ không bao giờ mua hàng của thương hiệu nữa. Thậm chí, nghệ sĩ Bryson Grey đã sáng tác bài hát Burn Balenciaga (đốt cháy Balenciaga).
Đốt, cắt đồ của Balenciaga
Lời bài hát của Grey đã kích động người nghe từ bỏ thương hiệu và đốt tất cả sản phẩm Balenciaga họ đã mua như cách anh đốt đôi giày. Bài hát đã khiến hashtag #burnbalenciaga được lan truyền rộng trên mạng xã hội.
Chia sẻ với Tyla, Chloe Hennessey (27 tuổi) cho biết cô đã quyết định tự quay cảnh phá hủy loạt đồ trị giá khoảng 2.700 USD bao gồm hoodie, áo phông, kính râm và đôi giày thể thao.
Nhiều người chọn cách phá hủy đồ thay vì đi quyên góp vì không muốn ai khác tiếp tục quảng bá cho thương hiệu. |
“Balenciaga từng là thương hiệu yêu thích của tôi. Sau khi xem chiến dịch, tôi cảm thấy buồn nôn. Mọi người đã hỏi tại sao tôi không quyên tặng đồ của mình. Thực tế, nếu tôi làm vậy, người khác sẽ mặc và quảng cáo cho chúng”, Chloe nói.
Cô cho biết mình không giàu có nên phần nào cũng thấy khó chịu khi phải phá hủy đồ. Tuy nhiên, cô nói việc thể hiện lập trường quan trọng hơn.
Tranh cãi chồng chất
Những lùm xùm xoay quanh chiến dịch Giáng sinh 2022 của Balenciaga do nhiếp ảnh gia Gabriele Galimberti chụp chưa lắng xuống, chiến dịch mùa xuân 2023 do Chris Maggio chụp lại tiếp tục “châm lửa” cho cuộc tranh cãi.
#burnbalenciaga đang tạo nên làn sóng mới trên mạng xã hội. Ảnh: illinois_property_dealers. |
Chiến dịch mùa xuân là sự hợp tác của Balenciaga với adidas - hai thương hiệu gần đây chấm dứt mối quan hệ với Kanye West vì loạt tranh cãi khác. Thông qua hình ảnh được đăng tải, nhiều người phát hiện ra những giấy tờ liên quan đến vụ án "United States v. Williams" năm 2008. Vào năm 2007, Michael Williams đã bị kết án vì quảng bá nội dung khiêu dâm trẻ em.
Từ đó, cơn thịnh nộ càng lan rộng trên các diễn đàn. Các nhà bình luận trong ngành thời trang như Diet Prada đã nhanh chóng hưởng ứng. Vấn đề được quan tâm hơn khi người dẫn chương trình của Fox News Tucker Carlson đưa tin về sự việc. Balenciaga rút cả hai chiến dịch quảng cáo khỏi mạng xã hội.
Kim Kardashian - đại sứ lâu năm của thương hiệu - đã tuyên bố trên các tài khoản mạng rằng cô sẽ “đánh giá lại mối quan hệ với thương hiệu”.
Giám đốc sáng tạo của Balenciaga - Demna Gvasalia - sẽ nhận được giải thưởng Tiếng nói Toàn cầu của Business of Fashion vào tuần tới. Anh đã sử dụng nền tảng của mình để nói về các vấn đề chính trị xã hội và hỗ trợ những người bị thiệt thòi. Tuy nhiên, giữa loạt lùm xùm, giải thưởng có thể bị hủy bỏ.
Thay vào đó, BoF cho biết họ sẽ mời đại diện từ Balenciaga tham dự sự kiện để giải thích những gì đã xảy ra. Balenciaga đã từ chối.
Thương hiệu đã khởi kiện công ty sản xuất North Six và yêu cầu bồi thường 25 triệu USD. Balenciaga gọi việc đưa tài liệu này vào quảng cáo là “ác ý và cực kỳ liều lĩnh”. Trong khi đó, một đại diện của North Six nói với New York Post rằng công ty không có quyền kiểm soát sáng tạo đối với nội dung của quảng cáo. Nhiếp ảnh gia Chris Maggio cũng chưa lên tiếng.
Gabriele Galimberti - nhiếp ảnh gia chụp quảng cáo gấu bông - cho biết anh cũng không được kiểm soát nội dung sáng tạo trong buổi chụp. Anh chỉ chịu trách nhiệm về phần ánh sáng và khung hình. Anh nói quyết định ghép các người mẫu nhí với chiếc túi gấu bông đã có trước khi mình được thuê.
Glossy nhận định: “Về cơ bản, Balenciaga, North Six và các nhiếp ảnh gia đều đổ lỗi cho nhau”.
Rania Sedhom - luật sư chuyên làm việc với các thương hiệu thời trang - cho rằng: "Vụ kiện này có nhiều điểm kỳ lạ. Có nhiều câu hỏi được đặt ra như ai đã tạo moodboard (bảng tâm trạng) cho buổi chụp hình? Có đại diện của Balenciaga trong buổi chụp hình? Có bao nhiêu nhân viên Balenciaga đã phê duyệt quảng cáo?”.
Theo đó, vị luật sư này cho rằng thương hiệu sẽ phải chỉ ra một người chịu trách nhiệm.
Tương lai của Balenciaga
Balenciaga được xem là một trong những viên ngọc quý của công ty mẹ Kering. Thương hiệu không ngừng tạo ra những tranh cãi trong vòng 12 tháng qua như việc bán đôi giày thể thao như bị phá hỏng trị giá 2.000 USD và chiếc quần shorts được coi là chiếm đoạt văn hóa. Dù vậy, nhà mốt này vẫn “trụ vững”.
Chiến dịch trẻ em ôm gấu bông gây tranh cãi. Ảnh: balenciaga. |
Thực tế, Dolce & Gabbana cũng là ví dụ điển hình về việc thương hiệu thời trang cao cấp vướng vào lùm xùm nhưng vẫn có thể “sinh lời”. Hãng nổi lên từ những vụ bê bối. Thương hiệu Italy đã bị chỉ trích vì nhiều trường hợp phân biệt chủng tộc, ủng hộ quảng cáo có hình ảnh phụ nữ Trung Quốc không thể ăn pizza.
Dù vậy, Dolce & Gabbana không bị ảnh hưởng nhiều và tiếp tục có mối liên hệ tích cực với những người nổi tiếng như Kim Kardashian. Ngôi sao này đã công bố hợp tác với thương hiệu vào tháng 9.
“Mất Kim Kardashian sẽ là một cú sốc lớn nhưng Balenciaga vẫn là một thương hiệu tỷ USD. Và các thương hiệu tỷ USD rất khó bị phá hủy”, cây bút Danny Parisi của Glossy kết luận.
Sách hay dành cho các tín đồ thời trang
Thanh lịch kiểu Pháp là một trong ba tác phẩm đình đám về chủ đề phong cách Pháp - Parisian Chic. Quỷ cái vận đồ Prada mang lại cái nhìn cận cảnh vào thế giới của tạp chí và thời trang. Dress Code đưa ra những cách kết hợp thường ngày cho những bộ trang phục bình dị.
Thời trang là thế giúp độc giả tìm hiểu lịch sử của ngành thời trang kể từ đầu thế kỷ 20 cho đến nay. 20 bí mật sành điệu từ Madame Chic giúp bạn đọc khám phá thêm phong cách thanh lịch và sành điệu của thời trang Pháp.