Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Nhiều người nói rất to nhưng viết sách không dùng được'

Giải trình tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội về nội dung đề án đổi mới chương trình SGK, Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã có bài phát biểu mà ông khẳng định rất thành tâm.

Ông Luận nói: "Đề án này không thể nói hết được những vấn đề mà đại biểu quan tâm. Chúng tôi chỉ tính toán những nội dung rất lớn cần bàn, thuộc thẩm quyền của Quốc hội để Quốc hội cho chủ trương. Chứ nếu là một đề án tỉ mỉ thì chúng tôi sẽ triển khai kịch bản, nội dung rất chi tiết".

Thay đổi cách tiếp cận

Đề cập đến việc tới đây sẽ có một chương trình, nhiều sách giáo khoa (SGK), bộ trưởng nói: “Sẽ có bao nhiêu bộ sách? Cũng không thể khẳng định được bao nhiêu bộ. Chúng tôi tính toán dựa trên thực tiễn, số lượng người có thể giam gia, viết được thì lạc quan nhất là có thể được bốn bộ”.

“Qua ba, bốn lần viết sách giáo khoa trước đây cho thấy lực lượng tham gia vào viết SGK là không nhiều.

Trong số những người có thể, có kinh nghiệm viết SGK thì không phải ai cũng sẵn sàng tham gia vì nhiều lý do khác nhau như có người điều kiện công tác, vì đã làm là phải bỏ thời gian tập trung rất lớn. Thứ hai là chính sách đãi ngộ viết SGK rất thấp, thấp lắm nên không khuyến khích được về vật chất”.

“Nhưng lần làm sách này không phải viết như thời xưa mà viết theo phương pháp mới, tiếp cận mới. Những lần trước chúng ta viết sách, chúng ta dạy các cháu đều theo cách thầy truyền đạt kiến thức cho trò, trò tiếp nhận kiến thức học thuộc để thi trở lại, theo lối truyền thụ kiến thức môt chiều.

Điều thầy nói ra là chân lý, học trò chỉ công nhận, viết càng đầy đủ đúng lời thầy, giống với sách thì điểm càng cao”.

“Bây giờ ta sẽ chuyển sang cách viết khác, trong đó chú trọng phát triển phẩm chất và năng lực của người học. Chúng tôi đang tập huấn cho rất nhiều thầy cô giáo, chuyên gia giáo dục có thể tham gia làm sách để làm quen, tiếp cận với những bộ sách mà thế giới người ta làm”.

Muốn có nhiều bộ sách

“Chúng tôi thành tâm và mong muốn có nhiều bộ sách, chứ không phải lo rằng viết sách ra rồi Bộ GD-ĐT không dùng, mà chỉ lo là có ai viết không, viết có bảo đảm chất lượng không.

Từ trước đến nay Bộ GD-ĐT chưa bao giờ trực tiếp viết SGK mà chỉ tổ chức viết SGK. Có nghĩa là chúng tôi tập hợp con người để viết và giao cho nhà xuất bản để triển khai chứ bộ không làm”.

“Chúng tôi đã nêu hai phương án, trong đó có phương án Bộ GD-ĐT chủ động tổ chức biên soạn một bộ.

Vì sao lại như thế? Vì khi Quốc hội ra nghị quết thì sẽ quy định rõ triển khai từ khi nào, cấp nào làm, nên chúng tôi phải chủ động. Nói thực vừa rồi có nhiều người nói rất là to, bây giờ cũng đang nói rất là to nhưng mấy lần viết sách vừa rồi đều không dùng được”.

“Phương án hai là xã hộ hóa toàn bộ. Lúc đầu khi Chính phủ trình cho cơ quan thẩm định chúng tôi trình hai phương án. Nhưng sau đó Ủy ban Văn hóa giáo dục đề nghị trình một phương án thôi có nghĩa là Bộ GD-ĐT chủ động xây dựng một bộ SGK; đồng thời khuyến khích các lực lượng xã hội biên soạn bộ sách khác.

Chúng tôi cũng báo cáo Thủ tướng thì Thủ tướng nói rằng việc đổi mới là dứt khoát, nhưng nếu buông hết mà tốt thì không sao, nhưng không triển khai, không chủ động được thì sẽ có lỗi với nhân dân, chứ không phải chúng tôi muốn ôm việc này đâu”.

Hội đồng thẩm định không phụ thuộc bộ

“Mọi người băn khoăn bây giờ bộ tổ chức soạn sách, thẩm định rồi lại thẩm định sách của các đơn vị khác biên soạn thì anh vừa đá bóng, vừa thổi còi, anh dành hết các chỗ, không còn chỗ cho các nhóm tác giả viết sách nữa.

Tuy nhiên, hiện chúng ta đang tính toán một chương trình nhiều SGK rất là nghiêm túc, cẩn thận. Bộ GD-ĐT biên soạn một bộ sách hay không biên soạn thì cũng không ảnh hưởng gì đến các bộ sách khác nó tồn tại và xuất hiện”.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận.

“Bộ không thẩm định mà do hội đồng thẩm định bao gồm các nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia… do nhiều tổ chức, đơn vị giới thiệu. Đây là hội đồng thẩm định độc lập không phụ thuộc vào Bô GD-ĐT.

Chúng tôi dựa trên kết quả thẩm định và các văn bản khác để quyết định chứ không có chuyện vừa thổi còi, vừa đá bóng.

Các bộ SGK khác cũng được thẩm định khách quan như thế và bộ SGK nào được công nhận đạt tiêu chuẩn, được lưu hành thì chúng tôi sẽ ra văn bản SGK được lưu hành hợp pháp. Còn việc anh chọn bộ sách nào là phụ thuộc vào vùng, miền và các địa phương”.

“Tuy nhiên, chúng ta cũng phải có quy chế để về việc lựa chọn để tránh tình trạng nhà in sách tác động vào nhà trường để lựa chọn bộ sách này, bộ sách kia qua đó được hưởng phần trăm.

Nó đều là tốt cả, nhưng có thể nó lại là bộ không phù hợp với địa phương nên cái này cần phải có quy chế, chứ không có chuyện vừa đá bóng, vừa thổi còi đâu”.

http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20141111/nhieu-nguoi-noi-rat-to-nhung-viet-sach-khong-dung-duoc/670473.html

Theo Lê Kiên/Báo Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm