Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhiều người ở Quảng Nam bị ngộ độc sau khi ăn cá chép ủ chua

Sau ăn khi cá chép muối chua gia đình tự làm, những người này xuất hiện triệu chứng nôn ói, đau bụng và suy hô hấp.

TS.BS Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, kiểm tra và thăm hỏi tình hình sức khỏe các bệnh nhân. Ảnh: BSCC.

Chiều 18/3, TS.BS Mai Văn Mười, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, thông tin với Zingnews về 5 trường hợp ngộ độc thực phẩm trên địa bàn xã Phước Kim, huyện Phước Sơn.

Trường hợp đầu tiên là ông H.V.Đ. (57 tuổi), xuất hiện đau bụng, nhìn mờ, yếu 2 chi dưới sau khi ăn cá chép muối chua ngày 16/3. Thời điểm nhập viện, ông Đ. nhìn mờ, chóng mặt, yếu 2 chi dưới, khó thở. Sau khi được cấp cứu, bệnh nhân vẫn đang được thở máy, an thần, sinh hiệu ổn.

Người thứ 2 là bà H.T.T. (37 tuổi), có triệu chứng đau bụng quặn từng cơn vùng thượng vị, sau đó nôn mửa nhiều lần sáng 15/3.

Sau khi được cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn, tình trạng bà T. vẫn tiến triển nặng. Đến sáng 18/3, người phụ nữ vẫn còn yếu tứ chi, nhìn mờ, khô miệng, nuốt khó, li bì.

Bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc chưa rõ loại, nghi ngờ botulinum do sống ở vùng dịch tễ có chùm ca bệnh ngộ độc tương tự. Tiên lượng hiện tại của bà T. vẫn còn nặng, phải thở máy.

Bệnh nhân thứ 3, có tình trạng nặng nhất là H.V.Đ. (26 tuổi), cùng ăn cá chép muối chua với ông H.V.Đ. ngày 16/3.

Sau đó, anh H.V.Đ. hoa mắt, xoàng đầu, buồn nôn, nôn mửa. Các bác sĩ nghi ngờ nam thanh niên bị ngộ độc botulium, biến chứng suy hô hấp cấp, yếu hai chi dưới. Hiện tại, tiên lượng bệnh nhân nặng, phải thở máy qua nội khí quản.

Người thứ 4 là H.T.M. (24 tuổi), cùng ăn cá chép ủ chua với ông Đ., có tình trạng ổn định nhất trong gia đình, được chẩn đoán suy hô hấp cấp độ I. Tuy nhiên, chị M. vẫn có tình trạng yếu tứ chi, nôn và đau bụng.

Một trường hợp khác là ông H.T.C. cùng ăn món cá chép ủ chua này và nhập viện ngày 17/3. Thời điểm nhập viện, ông C. đau bụng, nôn mửa, sốt nhẹ, được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía bắc Quảng Nam.

Theo TS Mai Văn Mười, ngay khi tiếp nhận các trường hợp ngộ độc, bệnh viện đã nhanh chóng hội chẩn liên viện và xin ý kiến chỉ đạo từ các chuyên gia Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM.

Hiện tại, các bệnh nhân được hồi sức tích cực, nâng cao thể trạng, thở máy, an thần, kháng sinh khi có chỉ định, xét nghiệm phân, máu...

Đây là chùm ca ngộ độc thứ 2 xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong vòng 10 ngày qua, trong đó, một trường hợp tử vong.

Các bệnh nhân được chẩn đoán nghi ngộ độc botulinum từ các món ăn mang tính truyền thống (cá chép ủ chua) hoặc tập quán của địa phương, đặc biệt là khu vực.

Để giảm thiểu, hạn chế ngộ độc thực phẩm trong thời gian tới, ngành y tế Quảng Nam khuyến cáo người dân không sử dụng các món ăn được chế biến liên quan món cá chép ủ chua và cần có biện pháp chế biến đảm bảo an toàn đối với các sản phẩm mang tính truyền thống hoặc tập quán của địa phương.

Botulinum là protein độc tố thần kinh do vi khuẩn Clostridium botulinum tiết ra. Đây là chất độc gây chết người mạnh nhất từng được biết.

Trung bình 12-36 giờ hoặc có thể vài ngày sau khi ăn các thực phẩm chứa bào tử, con người hay động vật sẽ bị ngộ độc botulinum. Các triệu chứng điển hình của bệnh là đau bụng, đau cơ, mệt mỏi, nhìn mờ hay nhìn đôi, khô miệng, nói khó, nuốt khó, sụp mi mắt, yếu cơ toàn thân.

Cuốn sách bên bờ sự sống

Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.

Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm