Tại Hội nghị triển khai các hoạt động trọng tâm của ngành y tế năm 2022 do Sở Y tế TP.HCM tổ chức chiều 12/1, TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, trình bày chuyên đề việc triển khai hoạt động chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Trong báo cáo này, TS Anh Dũng đưa ra các thống kê về di chứng ở người hậu Covid-19 và các giải pháp của ngành y tế TP.HCM.
Bị di chứng phổi vĩnh viễn hậu Covid-19
Mở đầu báo cáo, TS Nguyễn Anh Dũng chia sẻ 2 trường hợp bị tổn thương cấu trúc phổi gặp ở người bệnh hậu Covid-19.
Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân nữ, 30 tuổi, từng mắc Covid-19 có triệu chứng nặng, phải thở oxy dòng cao (HFNC) giai đoạn cấp. Tuy nhiên, 6 tuần sau khi khỏi Covid-19, bệnh nhân này vẫn gặp triệu chứng khó thở.
Bệnh nhân chỉ đi bộ khoảng 10 bước chân, chỉ số SpO2 đã giảm từ 96% xuống 90%, thậm chí thấp hơn. Phim CT phổi cho thấy phổi của bệnh nhân bị tổn thương dạng kính mờ. Bệnh nhân phải đi khám và điều trị hậu Covid-19 ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM).
Hình ảnh chụp phổi của 2 bệnh nhân hậu Covid-19. |
Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân nam, 48 tuổi, từng nhập viện vì viêm phổi Covid-19. Sau 8 tuần xuất viện, bệnh nhân vẫn bị khó thở dai dẳng và mệt mỏi.
Trên phim chụp phổi cắt lớp vi tính với độ phân giải cao (HRCT), các bác sĩ phát hiện người đàn ông bị tổn thương phổi dạng kính mờ ngoại vi 2 bên, giãn phế quản co kéo thùy giữa và thùy dưới bên phải.
"Bệnh nhân bị tổn thương phổi dạng xơ hóa, giãn phế quản, đây là di chứng vĩnh viễn, dù điều trị nhưng khó trở về bình thường", TS Dũng nói.
Theo thống kê của Bệnh viện Nhân dân Gia Định về vấn đề sức khỏe sau Covid-19 trong giai đoạn từ 1/12/2021 đến ngày 10/1, 510 người đến khám hô hấp, 182 người đến khám thần kinh và 134 người khám tim mạch. Các vấn đề còn lại liên quan nội tiết, tiêu hóa, cơ xương khớp.
Bệnh nhân hậu Covid-19 có vấn đề sức khỏe | Bệnh viện Nhân dân Gia định (từ 1/12/2021 đến ngày 10/1) |
Hô hấp | 510 |
Thần kinh | 182 |
Tim mạch | 134 |
Nội tiết | 80 |
Tiêu hóa | 66 |
Cơ xương khớp | 49 |
Tổng cộng | 1.021 |
Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhấn mạnh tại Việt Nam, số lượng ca mắc Covid-19 vẫn tiếp tục tăng với gần 2% dân số bị lây nhiễm. Riêng tại TP.HCM, hơn nửa triệu người bị nhiễm. Trong số đó, hơn 300.000 người đã xuất viện.
"Con số 300.000 người khỏi Covid-19 bao gồm bệnh nhân nằm viện có triệu chứng từ nhẹ, trung bình, nặng đến nguy kịch. Vấn đề chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19 là vấn đề nóng và rất đáng quan tâm", TS Dũng nói.
Một người ở TP.HCM than phiền tình trạng rụng tóc sau khi khỏi Covid-19. Ảnh: NVCC. |
Từ năm 2021, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức đưa hậu Covid-19 vào mã bệnh tật quốc tế (U09.9).
Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy có khoảng 33-76% người bệnh có thể gặp triệu chứng hậu Covid-19 ít nhất 6 tháng sau đợt cấp tính; 20% người bệnh phải tái nhập viện; 70-80% người bệnh phải theo dõi, chăm sóc sức khỏe ban đầu trong vòng 2 tháng sau xuất viện.
Các bằng chứng hiện tại cho thấy hội chứng hậu Covid-19 không chỉ xảy ra ở bệnh nhân nặng cần nhập viện hoặc lớn tuổi, có bệnh đồng mắc, mà còn gặp ở người trẻ tuổi, khỏe mạnh và mắc bệnh nhẹ.
Mặc dù các dữ liệu liên quan gánh nặng bệnh tật của hậu Covid-19 vẫn chưa có báo cáo đầy đủ, một số quốc gia đã biên soạn, hướng dẫn, lập phòng khám, mạng lưới hỗ trợ bệnh nhân bị ảnh hưởng.
Chiến lược chăm sóc hậu Covid-19 của TP.HCM
Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM giới thiệu mô hình 3 tầng trong quản lý, chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19, gồm:
Tầng 3 - bệnh viện chuyên khoa, đa khoa tuyến cuối: Có nhiệm vụ tiếp nhận nhóm người bệnh Covid-19 mức độ nặng và truyền thông vấn đề sức khỏe hậu Covid-19; khám và điều trị chuyên khoa sâu (hô hấp, tim mạch, tâm thần kinh, phục hồi chức năng); nghiên cứu khoa học, xây dựng phác đồ điều trị, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chăm sóc đối tượng này.
Tầng 2 - bệnh viện tuyến quận, huyện: Tiếp nhận nhóm người bệnh Covid-19 mức độ trung bình, truyền thông vấn đề sức khỏe hậu Covid-19; khám lâm sàng, xét nghiệm cận lâm sàng, quản lý và chăm sóc điều trị bằng thuốc; nghiên cứu khoa học, xây dựng phác đồ điều trị, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chăm sóc đối tượng này.
Một bệnh nhân Covid-19 thở oxy trên đường chuyển viện hồi tháng 8/2021 ở TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu. |
Tầng 1 - y tế cơ sở: Nhóm người bệnh hậu Covid-19 mức độ nhẹ, truyền thông sức khỏe hậu Covid-19, cách phát hiện sớm và biện pháp phòng ngừa; tiếp cận và phát hiện các vấn đề sức khỏe, quản lý chăm sóc, tư vấn từ xa, điều trị bằng phương pháp thực dưỡng, phương pháp điều trị không dùng thuốc, kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền.
TS.BS Nguyễn Anh Dũng cũng cho biết thế giới ghi nhận tình trạng hậu Covid-19 tác động nhiều đến sức khỏe, công việc và xã hội - kinh tế của người bệnh.
"Tôi từng nghe tâm sự của một người có triệu chứng hậu Covid-19. Nhìn bên ngoài, họ vẫn khỏe. Nhưng họ thường than mệt, công suất làm việc cũng giảm hơn, không thức khuya được trong khi trước đây có thể thức đến 1-2h", TS Dũng kể.
Chiến lược của Sở Y tế TP.HCM trong chăm sóc sức khỏe hậu Covid-19 nhằm mục tiêu xác định mô hình bệnh tật của người dân hậu Covid-19 theo y văn thế giới và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý trường hợp này.
"Chỉ công nghệ thông tin mới giúp chúng ta theo sát và không bỏ sót người bệnh", ông nói.
Bên cạnh đó, ngành y tế TP.HCM cũng lên kế hoạch xây dựng hướng dẫn điều trị hậu Covid-19 theo các phân tuyến điều trị (trong thời gian chờ ban hành chính thức từ Bộ Y tế).
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.