Sau vụ thổi giá kit xét nghiệm SARS-CoV-2 xảy ra tại Công ty CP Công nghệ Việt Á và Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương, dư luận dấy lên làn sóng bức xúc. Đánh giá hành vi của Công ty Việt Á là rất nghiêm trọng, Bộ Y tế nhấn mạnh cần xử lý nghiêm minh.
Cũng vì hành vi cấu kết doanh nghiệp để nâng khống giá vật tư y tế, một số cựu lãnh đạo CDC các địa phương và giám đốc nhiều bệnh viện lớn từng bị khởi tố, truy tố và lĩnh bản án nghiêm khắc.
Cựu giám đốc CDC Hà Nội bị phạt tù
Chiều 22/4/2020, ngành y tế cả nước xôn xao khi Bộ Công an khởi tố bị can Nguyễn Nhật Cảm (cựu Giám đốc CDC Hà Nội) cùng 6 người khác do câu kết, gian lận, thông đồng nâng khống giá gói thầu mua sắm Hệ thống Realtime PCR tự động - xét nghiệm Covid-19 gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 5 tỷ đồng.
Đây là vụ án xảy ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới. Sự việc đã gây ra sự bức xúc lớn.
Bị cáo Nguyễn Nhật Cảm tại phiên tòa phúc thẩm cuối tháng 6. Ảnh: Hoàng Lam. |
Quá trình điều tra, một bị can là nhân viên của doanh nghiệp khai đã trao đổi trích lại cho CDC Hà Nội 15% giá trị của gói thầu hơn 7 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Cảm phủ nhận việc này.
Sau hơn nửa năm điều tra và truy tố, ngày 10/12/2020, TAND Hà Nội xét xử, tuyên ông Cảm 10 năm tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng. Nhóm đồng phạm của cựu Giám đốc CDC Hà Nội lĩnh các mức án từ 3 năm tù treo đến 6 năm 6 tháng tù.
Tại phiên tòa phúc thẩm cuối tháng 6/2021, CDC thuộc 30 tỉnh thành phố cùng hơn 430 bác sĩ ở nhiều bệnh viện, 42 giáo sư, phó giáo sư và tiến sĩ gửi đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho ông Cảm. Tuy nhiên, HĐXX bác đơn và tuyên y án đối với cựu Giám đốc CDC Hà Nội.
3 cựu giám đốc bệnh viện lớn bị bắt giam
Một đại án khác gây xôn xao ngành y tế là vụ thổi giá robot phẫu thuật trái quy định xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và các đơn vị có liên quan, gây thiệt hại cho người bệnh 10,5 tỷ đồng.
Hiện, VKSND Tối cao đã chuyển hồ sơ để TAND Hà Nội lên kế hoạch xét xử ông Nguyễn Quốc Anh (cựu giám đốc bệnh viện này) và 7 bị can khác với khung hình phạt 10-15 năm tù.
Theo cáo buộc, giữa năm 2016, Phạm Đức Tuấn (Giám đốc Công ty BMS) gặp ông Quốc Anh để đề nghị cung cấp robot phẫu thuật với giá 39 tỷ đồng cho bệnh viện. Sau khi thống nhất giá này, Nguyễn Quốc Anh phân công cấp dưới hoàn thiện thủ tục, không thông qua Đảng ủy, ban giám đốc và công đoàn bệnh viện.
Giá robot Rosa nhập khẩu là 7,4 tỷ nhưng các bị can đã thông đồng, nâng khống giá thiết bị lên tới 39 tỷ. Sau đó, bị can Tuấn biếu ông Quốc Anh 400 triệu và 10.000 USD, đưa cho một số cựu lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai 200 triệu.
Các bị can Nguyễn Quốc Anh (trái) và Nguyễn Quang Tuấn. Ảnh: Bộ Công an. |
Sau vụ án trên, người kế nhiệm ông Quốc Anh là ông Nguyễn Quang Tuấn cũng bị Bộ Công an khởi tố ngày 21/10 cùng 8 bị can khác do liên quan những sai phạm về đấu thầu mua sắm vật tư, thiết bị y tế năm 2015, khi ông Tuấn làm Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội.
Trong giai đoạn điều tra ban đầu, Bộ Công an xác định một số lãnh đạo, cán bộ Bệnh viện Tim Hà Nội và nhân viên doanh nghiệp đã vi phạm hoạt động đấu thầu, làm tăng chi phí, gây thiệt hại hơn 40 tỷ đồng cho tài sản Nhà nước và người bệnh. Trong vụ án, ông Nguyễn Quang Tuấn ký một số văn bản có liên quan.
Còn tại Bệnh viện Mắt TP.HCM, trong năm 2021, Bộ Công an đã khởi tố ông Nguyễn Minh Khải, giám đốc bệnh viện, cùng 7 cựu lãnh đạo cơ sở y tế này. Cơ quan điều tra xác định năm 2018, Bệnh viện Mắt TP.HCM thực hiện gói thầu mua sắm thủy tinh thể nhân tạo phục vụ điều trị, khám chữa bệnh.
Sau đó, ông Khải và các bị can đã loại mặt hàng thủy tinh thể nhân tạo đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật và có giá dự thầu thấp nhất, mua các mặt hàng thủy tinh thể có giá dự thầu cao để thay thế. Hậu quả gây thiệt hại hơn 14,2 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại cho quỹ bảo hiểm y tế trên 5,2 tỷ, người bệnh có bảo hiểm y tế phải chi trả hơn 7 tỷ, còn người bệnh không có bảo hiểm y tế bị thiệt hại trên 1,8 tỷ.
Giám đốc CDC Hải Dương đút túi gần 30 tỷ
Trong vụ án ở Công ty Việt Á, Bộ Công an làm rõ tháng 4/2020, Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành cho sản phẩm test Covid-19 của Công ty Việt Á. Sau đó, doanh nghiệp đã bán sản phẩm đến 62 tỉnh, thành phố với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng.
Để bán được hàng, Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty này) thông đồng với lãnh đạo các cơ sở y tế hợp thức hồ sơ chỉ định thầu. Việt Á còn lấy công ty liên danh, công ty con lập hồ sơ chào hàng, xác nhận khống báo giá, đưa giá cao hơn nhiều so với giá sản xuất.
Ông Phạm Duy Tuyến (trái) và Phan Quốc Việt. Ảnh: Bộ Công an. |
Ngoài ra, cơ quan điều tra xác định để được cung ứng số lượng lớn sản phẩm nhằm tăng doanh thu và tạo điều kiện hoàn thiện hồ sơ thầu, Phan Quốc Việt đã chi "hoa hồng" với số tiền rất lớn cho lãnh đạo, cán bộ các đơn vị mua hàng của Việt Á.
Tại Hải Dương, kết quả điều tra cho thấy sau khi ký 5 hợp đồng cung ứng kit xét nghiệm với tổng trị giá 151 tỷ đồng, Phan Quốc Việt đã chi "lại quả" ngoài hợp đồng cho ông Phạm Duy Tuyến (Giám đốc CDC Hải Dương) gần 30 tỷ đồng.
Trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 10/11, Bộ trưởng Công an Tô Lâm khẳng định đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương chủ động nắm tình hình, kiên quyết đấu tranh, xử lý triệt để vi phạm liên quan đến đầu thầu thiết bị y tế. Bộ trưởng nhấn mạnh các vụ việc đều do lợi dụng tình hình khó khăn, lách luật để vi phạm.
Trong các vụ án, cơ quan điều tra đã cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, chứng minh rõ yếu tố tư lợi, tham nhũng và làm rõ việc thông đồng với nhà thầu cung cấp thiết bị để đẩy giá lên, trích phần trăm ăn chia.