Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhiều người trẻ Nhật nghèo khó, kiếm sống qua ngày

Áp lực tiền bạc và không có nơi nương tựa khiến nhiều thanh niên sống tự lập ở Nhật phải tìm đến các trung tâm hỗ trợ để xin thức ăn, chi phí sinh hoạt.

Dưới ảnh hưởng từ Covid-19, nhiều thanh niên xứ hoa anh đào sống tự lập rơi vào cảnh nghèo đói do cắt giảm lương, mất việc và thiếu tiền sinh hoạt, theo Mainichi.

Đa số đều trên 18 tuổi, vừa rời khỏi trung tâm chăm sóc trẻ vị thành niên - nơi nuôi dưỡng thanh thiếu niên bị gia đình ruồng bỏ, phải làm công nhân hoặc nhân viên bán thời gian để kiếm sống.

"Chỉ đủ tiền ăn một cốc mỳ mỗi ngày", "lương bị giảm một nửa", "cha mất sớm, mẹ bỏ rơi nên không được gia đình chu cấp" là những lời kêu cứu được gửi về hiệp hội hỗ trợ Masterpiece giữa Covid-19.

"Khi tình trạng khẩn cấp thứ 2 được ban hành vào đầu năm nay, cuộc sống của nhiều thiếu niên bị ảnh hưởng trầm trọng: thu nhập giảm, mất việc,... Họ nói rằng lần này còn tệ hơn trước kia rất nhiều", Marika Kikuchi (33 tuổi), người đứng đầu hiệp hội, nói với Mainichi.

Cô Kikuchi cho biết không ít người trẻ xứ hoa anh đào phải tìm tới Masterpiece để xin trợ giúp về lương thực và chi phí sinh hoạt.

nguoi tre nhat song ngheo kho anh 1

Nhiều người trẻ xứ hoa anh đào phải tự lực cánh sinh do mất việc làm, giảm thu nhập giữa Covid-19. Ảnh: Guardian.

Theo Mainichi, một nữ sinh 19 tuổi sống tại Tokyo được nhận vào trung tâm chăm sóc trẻ vị thành niên từ năm 17 tuổi sau khi bị mẹ ruột bạo hành, lạm dụng.

Tháng 3 năm ngoái, dù trở về sống cùng cha và các em trai, cô vẫn không được gia đình quan tâm, chăm sóc và hỗ trợ tài chính. Nữ sinh phải vừa làm bán thời gian tại hiệu thuốc, vừa theo học trường nghề, vừa chăm sóc các em.

Đáng nói, cô không hề biết tới gói cứu trợ Covid-19 trị giá 100.000 yen (gần 920 USD) do chính phủ cung cấp cho mỗi thành viên trong hộ gia đình. Cha cô đã lén giấu khoản tiền đó cho bản thân tiêu xài.

Thiếu sự quan tâm từ cha, cô phải dùng tiền lương ít ỏi từ công việc bán thời gian để trang trải tiền sinh hoạt cho mấy chị em. Tuy nhiên, do thù lao giảm còn 30.000 yen (275 USD) một tháng, có những ngày họ không được ăn uống đầy đủ.

Thực tế, rất nhiều người trẻ sống độc lập khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Dữ liệu từ Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi chỉ ra có khoảng 27.000 trẻ em Nhật Bản sống trong các trung tâm nuôi dưỡng do bị cha mẹ ngược đãi và các lý do khác.

Khi đủ 18 tuổi, họ rời "mái ấm chung" mà không có bất kỳ ai để dựa vào về mặt tài chính và tinh thần.

Theo khảo sát từ Trung tâm Hành động Tình nguyện Tokyo (TVAC) thực hiện trong tháng 5-8/2020 trên 1.851 thiếu niên bước ra từ các trung tâm nuôi dưỡng, đa số nói rằng điều kiện sống của họ tồi tệ hơn vì Covid-19.

Bên cạnh áp lực tài chính, 60% người được hỏi khẳng định cảm giác cô đơn, không có ai để nương tựa vào cũng khiến họ cảm thấy mệt mỏi, tuyệt vọng.

Trước tình trạng trên, chính phủ Nhật Bản tuyên bố sẽ bố trí các chuyên gia tư vấn, hỗ trợ trẻ em sống tự lập sau khi rời khỏi các trung tâm nuôi dưỡng trên toàn quốc kể từ năm tài chính tới.

Người Nhật tích trữ tiền nhiều hơn vì Covid-19

Theo chủ trương cắt giảm chi tiêu và ít ra ngoài trong đại dịch, các hộ gia đình Nhật Bản tích trữ tài sản nhiều hơn, đặc biệt là tiền mặt.

Ngọc Linh

Bạn có thể quan tâm