Bệnh nhân 21 tuổi chạy thận nhân tạo ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Duy Hiệu. |
Đều đặn 3 ngày/tuần, chị Minh Tâm (40 tuổi, TP.HCM) lật đật từ 3h sáng, bắt xe lên Bệnh viện Chợ Rẫy để chạy thận.
Đúng 4h30, chị Tâm vào ca lọc máu đầu tiên. Khi dòng máu chảy ra vào giữa hai ống truyền cũng là lúc chị mệt nhoài đi vào giấc ngủ. Từ tuổi 13, khi phát hiện mắc bệnh suy thận mạn đến nay, chị Tâm đã bắt đầu ngày mới như thế, đến nay đã 27 năm.
“27 năm qua, bất kể lễ Tết hay ngày bình thường, cứ đến lịch là tôi lại qua viện chạy thận. Cảm xúc lo lắng, chán nản lúc trước cũng đã qua đi vì tôi đã quen rồi”, chị chia sẻ.
Minh Tâm là một trong rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh suy thận từ khi còn rất trẻ đang được điều trị tại khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Chợ Rẫy.
Thực trạng báo động
Theo TS.BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Chợ Rẫy, tính đến ngày 16/1, đơn vị tiếp nhận 389 bệnh nhân lọc máu , chạy thận định kỳ.
Trong đó, có 55 bệnh nhân dưới 35 tuổi, chiếm 14,4%. Những người bệnh này đến khoa hầu như đã vào giai đoạn cuối. Nguyên nhân chủ yếu là viêm cầu thận, thận đa nang hoặc do các bệnh chuyển hóa như đái tháo đường
Theo quan sát của tiến sĩ Tuấn, số bệnh nhân trẻ đến chạy thận tại khoa đang có dấu hiệu tăng lên so với những năm qua.
“Khoảng 10 năm trước, trong 10 bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối được chúng tôi tư vấn chạy thận, chỉ khoảng 2-3 người chấp nhận áp dụng kỹ thuật này. Hiện tại, tỷ lệ bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối quyết định chạy thận đã cao hơn rất nhiều”, tiến sĩ nhận định.
Theo ông, trước đây, nhiều bệnh nhân bị suy thận mạn giai đoạn cuối không chạy thận do lo ngại chi phí tốn kém vì họ không có bảo hiểm y tế. Trong khi đó, ở giai đoạn hiện tại, khoảng 99% người bệnh đều có bảo hiểm y tế, việc chạy thận vì thế cũng trở nên bớt gánh nặng hơn.
Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Chợ Rẫy, hiện có 55 bệnh nhân chạy thận nhân tạo dưới 35 tuổi. Ảnh: Duy Hiệu. |
Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Trang, khoa Nội tiết Thận - Thận nhân tạo, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM), cho biết tổng số bệnh nhân bị bệnh thận mạn đang lọc máu và có nguy cơ lọc máu tại khoa trên 3.500 người. Trong đó, 10-20% là bệnh nhân trẻ.
Nhóm người trẻ bị thận thường ở độ tuổi 30-40. Có một số bệnh nhân trẻ hơn, khoảng hơn 20 tuổi, đến bệnh viện với chẩn đoán sớm hơn, thận chưa suy nặng.
“Tuy không quá nhiều, nhưng số người trẻ bị bệnh thận tăng lên thấy rõ. Điều này phần nhiều vì giới trẻ quan tâm đến sức khỏe hơn, người bệnh được phát hiện sớm nhờ khám tầm soát”, bác sĩ Trang cho hay.
Theo TS.BS Huỳnh Ngọc Phương Thảo, Trưởng khoa Nội Thận - Thận nhân tạo, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, trong năm 2023, khoa tiếp nhận hơn 53.000 người bệnh đến khám, tăng 30% so với 2022. Trong đó, 50% là người trẻ.
Ngoài ra, khoa còn quản lý 100 bệnh nhân chạy thận nhân tạo định kỳ, 200 người bệnh theo dõi sau ghép thận và 90 bệnh nhân lọc màng bụng.
Một nghiên cứu khoa học thực hiện năm 2023 chỉ ra ở những người đi khám sức khỏe tổng quát, có 11,8% người mắc bệnh thận mạn, nhiều người trong số đó phát hiện tình cờ qua khám sức khỏe.
“Bệnh thận ngày càng trẻ hóa và là một thực trạng đáng báo động”, bác sĩ Thảo nói.
Lối sống hiện đại chỉ là một phần nguyên nhân
Theo tiến sĩ Thảo, xã hội hiện đại có nhiều nguyên nhân khiến bệnh suy thận trẻ hoá. Đơn cử, ngày càng có nhiều người mắc đái tháo đường, tăng huyết áp, là những bệnh có yếu tố nguy cơ cao gây suy thận.
Ngoài ra, lối sống công nghiệp hóa, ít vận động, nhiều stress, áp lực khiến người trẻ dễ mắc bệnh hơn.
Bên cạnh đó, thường xuyên dùng thuốc kháng viêm, giảm đau, thực phẩm chức năng, thuốc không rõ nguồn gốc, không theo chỉ định của bác sĩ… cũng là nguyên nhân khiến người trẻ có nguy cơ mắc bệnh thận cao hơn.
Tập luyện thể thao quá sức, không đúng phương pháp, không uống nước bù lại phần nước mất qua mồ hôi, dùng các chế phẩm làm tăng cơ, tăng lực theo truyền miệng, chế độ ăn quá nhiều protein cũng là những nguyên nhân làm chức năng thận suy giảm.
Bổ sung thêm, bác sĩ Nguyễn Thị Minh Trang cho hay nguyên nhân suy thận ở người trẻ thường là mắc các bệnh thận trước đó như viêm cầu thận, hội chứng thận hư… nhiều hơn là do hậu quả của các bệnh lý khác như tăng huyết áp, đái tháo đường.
Theo một số nghiên cứu, ở Việt Nam nói riêng hay vùng Đông Nam Á nói chung, nhóm người trẻ bị bệnh thận nhiều hơn so với các nước châu Âu, châu Mỹ.
Chạy thận ở khoa Nội tiết Thận - Thận nhân tạo, Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Ảnh: BVCC. |
Nguyên nhân dẫn đến kết luận này có thể liên quan đến di truyền, hay ở khu vực nhiệt đới, những bệnh nhiễm trùng ở người trẻ có thể bị nhiều hơn các nước vùng ôn đới. Cùng với đó là tình trạng người dân sử dụng các loại thuốc truyền miệng, nguồn gốc không rõ ràng.
Cũng theo TS.BS Trần Văn Vũ, Phó trưởng khoa Nội thận, Bệnh viện Chợ Rẫy, tại Việt Nam, nguyên nhân gây bệnh thận mạn khoảng 40% bệnh nhân do bệnh cầu thận, 30% do viêm thận bể thận mạn. Đây cũng là căn nguyên gây ra suy thận mạn chủ yếu ở người trẻ.
Ngoài ra, bệnh nhân trẻ tuổi dễ mắc suy thận mạn nói chung thường thuộc nhóm người có chế độ ăn không lành mạnh (nhiều đạm, muối, đường) hoặc nhóm thừa cân béo phì (có chỉ số BMI >25 Kg/m2).
Theo tiến sĩ Vũ, để hạn chế tình trạng suy thận, mọi người nên tuân thủ 7 nguyên tắc vàng bảo vệ thận theo khuyến cáo của Hội Thận học Thế giới, bao gồm:
- Tập thể dục và rèn luyện sức khỏe thường xuyên: Vận động ít nhất 30 phút/ngày, 5 ngày/tuần.
- Tránh thừa cân hoặc béo phì.
- Kiểm soát đường huyết tốt nếu bạn bị đái tháo đường.
- Theo dõi huyết áp thường xuyên, nếu bạn bị tăng huyết áp.
- Không hút thuốc lá.
- Không tự ý sử dụng các thuốc kéo dài mà không có ý kiến của thầy thuốc: thuốc kháng viêm, giảm đau, kháng sinh, một số cây cỏ, thực phẩm chức năng… được chuyển hóa và đào thải qua thận.
- Kiểm tra chức năng thận thường xuyên ở những người nếu có một trong các yếu tố nguy cơ như bệnh nhân đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì, trong gia đình có người mắc bệnh thận.
Hiện nay, cứ mỗi 10 người sẽ có 1 người có bệnh thận mạn và đa số bệnh nhân được phát hiện khi bệnh đã vào giai đoạn cuối, điều trị tốn kém và ảnh hưởng rất xấu cho sức khỏe và cuộc sống của người bệnh.
Bệnh thận mạn không thể điều trị khỏi hoàn toàn, nhưng có thể điều trị làm chậm hoặc thậm chí chặn đứng làm bệnh không diễn tiến nặng thêm nếu được phát hiện sớm và điều trị hợp lý.
Cuốn sách Ăn gì, khi nào của các tác giả Michael Crupain, Michael Roizen, Ted Spiker khám phá điểm giao thoa giữa “ăn cái gì” và “ăn khi nào”, phân tích tỉ mỉ cách thức những thực phẩm lành mạnh nhất tương tác với cơ thể bạn tùy thuộc vào thời điểm bạn ăn chúng, từ đó đưa ra một kế hoạch chi tiết giúp bạn có phương án ăn uống tối ưu mỗi ngày.