Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Nhiều người trẻ Việt đang sống trong chiếc lồng vàng'

Bà Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng xã hội hiện nay vẫn tồn tại “tư duy đại gia” và hiện tượng “con ông cháu cha”. Nhiều người trẻ lớn lên trong sự bảo hộ của gia đình.

“Con người đích thực thì không thể lệ thuộc mà phải đứng trên đôi chân của mình, tư duy bằng cái đầu và lắng nghe mách bảo của trái tim mình để hành động”, bà Tôn Nữ Thị Ninh nói trong chương trình "Đối thoại trẻ: Tự chủ và tự lập", diễn ra chiều 9/6 tại TP.HCM.

"Tư duy đại gia" và "con ông cháu cha"

Mở đầu chương trình, diễn giả Tôn Nữ Thị Ninh đề cập thực trạng xã hội mà nhiều người vẫn "tư duy đại gia” và hiện tượng “con ông cháu cha”. Bà lấy ví dụ về cách đối xử với con cái trong gia đình Việt và Tây khi chúng đến tuổi trưởng thành.

nguoi tre tu lap anh 1
Diễn giả Tôn Nữ Thị Ninh đề cao mối quan hệ giữ tự lập, tự chủ và bản sắc dân tộc. Ảnh: Nguyễn Hằng.

Trong khi cha mẹ phương Tây ngừng trợ cấp cho con khi 16-18 tuổi, nhiều phụ huynh Việt lại đưa con ra nước ngoài học với sự bảo trợ hoàn toàn về chi phí, ăn ở và thậm chí đưa cả người giúp việc theo.

Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, đây là lối tư duy cần cảnh giác vì tâm thế tự chủ, tự lập của người trẻ có thể bị dập tắt trong chính những “chiếc lồng vàng” của gia đình mình.

Nữ diễn giả cho rằng để trở thành công dân tự chủ và tự lập khi sống ở bất cứ đâu, người trẻ cần chú trọng bản sắc của bản thân và dân tộc. Câu hỏi cốt lõi là: "Mình là ai? Mình đến từ đâu và đang tìm kiếm những giá trị gì?".

“Bản sắc chính là kim chỉ nam để bạn tự chủ. Vì tự chủ phải dựa trên một nền tảng giá trị. Theo tôi, thang giá trị đó phải có một chỗ cho bản sắc - bản sắc dân tộc Việt Nam. Giữa bạn trẻ trong nước nhưng đầu óc lúc nào cũng nghĩ về những thứ đâu đâu và thanh niên ở nước ngoài mà trái tim luôn canh cánh về quê hương Việt Nam, tôi chọn thanh niên ở nước ngoài. Tự chủ là khi biết mình là ai, nguồn gốc mình ở đâu và mình phải làm gì”, bà Ninh nói.

Nhà nữ ngoại giao kể rằng trong đàm phán với nước ngoài bà luôn tự tin mình là người Việt Nam. Bên cạnh tinh thần học tập những giá trị tiến bộ, bà cũng không quên giới thiệu bản sắc của mình để thiết lập thế cân bằng trong ngoại giao.

Diễn giả này chia sẻ thêm ở tuổi 70, nhiều người hỏi bà vì sao không trở lại Pháp hay Mỹ để có cuộc sống tốt hơn. Với sự tự chủ của một nhà ngoại giao, bà cho rằng mình có những mục đích khác muốn đạt được ở giai đoạn này của cuộc đời và không có nhu cầu phải theo cảm nhận số đông. Nhiều bạn trẻ tại chương trình cho rằng, đây chính là ví dụ cụ thể nhất giúp họ có thể hiểu bản chất của tự chủ và tự lập.

nguoi tre tu lap anh 2
Bạn trẻ tham dự dành nhiều quan tâm cho chủ đề tự chủ trong giao tiếp quốc tế. Ảnh: Hiếu Tiên.

Nói về bản sắc dân tộc trong tự chủ khi hội nhập quốc tế, nhạc sĩ Dương Thụ hoan nghênh sự “xấu hổ” của nhiều bạn trẻ khi họ nhạy cảm với những tiêu cực của dân tộc mình.

“Người hô hào chưa hẳn yêu nước, nhưng kẻ đau đớn khi thấy những mặt hạn chế của dân tộc mới thật là người yêu nước”, nhạc sĩ Dương Thụ nêu quan điểm.

Ông cũng cho rằng các bạn trẻ không nên sợ hãi mà hãy vui vì mình đã biết xấu hổ và càng như vậy các bạn càng có động lực để xây dựng đất nước đẹp hơn như mong muốn.

Sống thật và cảnh giác với mạng xã hội

“Tôi nói dối trước mắt anh khó hơn nói dối trước màn hình. Mạng xã hội có những điều tuyệt vời của nó nhưng cũng dễ phá vỡ cuộc sống bản lĩnh của chúng ta”, bà Tôn Nữ Thị Ninh đặt vấn đề về thái độ với mạng xã hội trong đời sống trẻ.

Phải thật giỏi trong lĩnh vực của mình; luôn luôn tĩnh, đồng thời hồn nhiên, yêu đời và lắng nghe trái tim; biết quan sát, suy ngẫm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm và biết lắng nghe; đặc biệt, người trẻ phải lãnh đạo được bản thân trước khi muốn lãnh đạo người khác.

Diễn giả Tôn Nữ Thị Ninh

Cùng với dòng chảy của đời sống ảo, người trẻ khi muốn sống tự lập và tự chủ còn phải đối mặt dòng chảy của số đông. Theo nhạc sĩ Dương Thụ, người cá tính khi thể hiện trước đám đông có hai xu hướng chính: Rất thu hút và được đón nhận hoặc bị bài trừ ngay lập tức. Từ đó, vấn đề lớn được đặt ra là người trẻ phải lựa chọn thế nào giữa việc hòa vào chủ lưu và chọn cho mình chỗ đứng riêng.

Từ kinh nghiệm làm ngoại giao của mình, bà Tôn Nữ Thị Ninh cho hay người trẻ phải luôn tỉnh táo, biết lắng nghe chính mình để biết khi nào cần ủng hộ của số đông, khi nào cần đứng độc lập. Đặc biệt, bà nhấn mạnh vai trò của việc xây dựng cho bản thân một phong thái.

“Mỗi chúng ta cần có cho mình một phong thái tự tin, thư thái và nội tâm phong phú với nền tảng vững chắc về văn hóa, giá trị sống. Một phong thái tốt tạo thuận lợi và giúp ta giành lấy sự bình đẳng trong giao tiếp xã hội. Như vậy ta mới có thể tự tin nói chuyện với những người giàu có hay quyền quý hơn mình một cách tự tin và tự trọng”, diễn giả Tôn Nữ Thị Ninh nói.

nguoi tre tu lap anh 3
"Đối thoại trẻ: Tự chủ và tự lập" năm trong chuỗi sự kiện của chương trình "Cà phê thứ bảy trẻ", diễn ra cuối tuần ở TP.HCM, luôn thu hút sự quan tâm của nhiều sinh viên. Ảnh: Hiếu Tiên.

Để tự chủ và tự lập tốt, bà Tôn Nữ Thị Ninh đưa ra bốn lời khuyên cho bạn trẻ: Phải thật giỏi trong lĩnh vực của mình; luôn luôn tĩnh, đồng thời hồn nhiên, yêu đời và lắng nghe trái tim; luôn quan sát, suy ngẫm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm và biết lắng nghe; đặc biệt, người trẻ phải lãnh đạo được bản thân trước khi muốn lãnh đạo người khác.

Khi được hỏi về cái nhìn đối với lối sống tự chủ ở sinh viên Việt Nam hiện nay, bà Ninh cho rằng: “Có người do những yếu tố hoàn cảnh, điều kiện khách quan mà buộc phải tự chủ. Nhưng cũng có người may mắn được trời thương, tự có thể ý thức mà sống tự chủ. Vấn đề mà nhiều sinh viên đợi lên đại học mới bắt đầu tự lập, tự chủ là điều rất bình thường. Tây cũng có mà ta cũng có. Quan trọng là do bản thân mỗi người mà thôi”.

Phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam được phong giáo sư ĐH Johns Hopkins

TS Trần Xuân Bách, 35 tuổi - phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam - vừa được ĐH Johns Hopkins (Mỹ) bổ nhiệm chức danh giáo sư kiêm nhiệm.

Hiếu Tiên - Nguyễn Hằng

Bạn có thể quan tâm