Nhiều người cho rằng thế hệ trẻ Trung Quốc đang bị ảnh hưởng bởi phương Tây nên chọn độc thân, không con cái. Ảnh minh họa: Reuters. |
Judy Chen, phiên dịch viên, người có sức ảnh hưởng tại Trung Quốc, 40 tuổi, độc thân và không có con. Cô ấy hài lòng với cuộc sống của mình, đặc biệt khi nhiều người xung quanh cô cũng có lựa chọn tương tự.
"Tôi không phải là người theo chủ nghĩa độc thân, nhưng có thể tôi sẽ một mình suốt đời vì hôn nhân thậm chí không nằm trong 3 ưu tiên hàng đầu của tôi. Tôi có rất nhiều thứ khác muốn theo đuổi", cô nói.
Đối với các quan chức và nhà nhân khẩu học tại Trung Quốc, những người độc thân như Chen tại đất nước này đang ngày càng gia tăng. Điều này là nguyên nhân đáng báo động góp phần làm giảm tỷ lệ sinh và già hóa dân số ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, theo SCMP.
Đáng lo ngại
Trước tình trạng dân số giảm, một số người đổ lỗi cho sự ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, bao gồm lối sống đa dạng, chủ nghĩa cá nhân. Những người này cũng ra sức kêu gọi thế hệ trẻ quay lại với các giá trị văn hóa truyền thống của Trung Quốc như lập gia đình, sinh con, nuôi dưỡng con cái, chăm lo cho cha mẹ...
Giáo sư Zeng Yi, một chuyên gia về dân số tại Trường Phát triển Quốc gia thuộc Đại học Bắc Kinh, cho biết số người trưởng thành sống một mình ngày càng tăng là "rất đáng lo ngại".
"Các giá trị truyền thống về gia đình đang gặp phải những thách thức to lớn, nhưng việc tôn trọng người già và chăm sóc trẻ em vẫn luôn là gốc rễ đạo đức của con người. Chỉ cần sự hướng dẫn, hỗ trợ đúng đắn từ chính phủ, chúng ta có thể đảo ngược xu thế có hại này", ông nói.
Nhiều người trẻ tại Trung Quốc xem kết hôn là "địa ngục". Ảnh minh họa: Reuters. |
Wang Peian, bí thư đảng của Hiệp hội Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc, đã đưa ra lời kêu gọi tương tự trong một bài báo đăng trên tạp chí Dân số và Sức khỏe.
"Chúng ta nên thúc đẩy mạnh mẽ những đức tính truyền thống của dân tộc Trung Hoa và sự tôn trọng của xã hội đối với việc sinh con đẻ cái, khuyến khích các cặp vợ chồng chia sẻ trách nhiệm nuôi dạy con cái và loại bỏ những phong tục như sính lễ cô dâu quá cao", ông viết.
Nỗ lực cải thiện tỷ lệ sinh
Năm 2022, Trung Quốc ghi nhận sự sụt giảm dân số lần đầu tiên trong 6 thập kỷ. Điều này đã dẫn đến việc khuyến khích các cặp vợ chồng sinh thêm con là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của Bắc Kinh.
Ấn Độ đã vượt Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới với dân số 1.425.782.975 người tính đến ngày 14/4. Trong khi đó, quy mô dân số của Trung Quốc đã giảm xuống 1.425.748.032 người, chỉ còn xếp thứ 2.
Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc bắt đầu cho phép các gia đình có tối đa 3 con từ năm 2021. Các chính quyền địa phương cũng đưa ra một loạt chính sách ưu đãi cho những người sinh nhiều hơn 2 con. Bất chấp những nỗ lực đó, tỷ lệ sinh của quốc gia này đã giảm hàng năm kể từ 2016, đạt mức thấp kỷ lục là 6,77 ca sinh trên 1.000 người vào năm 2022.
Yu Hai, giáo sư trường Chính sách công và Phát triển xã hội của Đại học Phúc Đán, cho biết việc ngày càng nhiều người nói không với hôn nhân và trẻ em là một xu hướng toàn cầu và không thể đảo ngược.
Theo ông, chính sách một con khét tiếng của Trung Quốc, được thực thi từ 1980 đến 2015 đã dẫn đến nhiều vụ phá thai.
"Bạn có thể khiến mọi người không sinh con, nhưng rất khó để buộc họ làm ngược lại. Bên cạnh đó, thật không công bằng khi nói người phương Tây không coi trọng gia đình. Theo như tôi thấy, gia đình có tầm quan trọng cao như nhau dù ở phương Tây hay phương Đông", giáo sư chia sẻ thêm.
Những thanh niên đã kết hôn ở Trung Quốc từ trước đến nay vẫn luôn đau đầu vì chi phí nuôi dạy con quá cao, bao gồm cả áp lực phải cho con đi học ngoại khóa, phát triển tài năng...
Theo báo cáo của Viện nghiên cứu dân số YuWa, trụ sở tại Bắc Kinh, cho thấy chi phí nuôi dạy một đứa trẻ ở Trung Quốc vào năm 2019 gần gấp 7 lần GDP bình quân đầu người của nước này trong năm đó, cao hơn nhiều so với Mỹ.
Chi phí nuôi con tại Trung Quốc đắt đỏ hơn nhiều quốc gia khác. Ảnh minh họa: Reuters. |
Sự thận trọng khi lập gia đình không chỉ là vấn đề ở các thành phố lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh.
Hu Bing, một người cha 68 tuổi, có hai cô con gái ở Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang, cho biết rất lo lắng vì cô con gái út của ông, đã 35 tuổi nhưng không muốn hẹn hò hay kết hôn.
"Tôi rất phiền muộn và liên tục thúc ép con mình lấy chồng, nhưng sau ngần ấy năm vẫn không tiến triển. Tôi dần nhận ra dường như đó là một cách sống mới của thế hệ này. Có lẽ hôn nhân là không cần thiết. Tôi quyết định để con mình như vậy, miễn là con hài lòng với cuộc sống", ông nói.
Chen nhận thấy gia đình và bạn bè của cô cũng có sự thay đổi suy nghĩ tương tự.
"Cha mẹ tôi cũng đã ngừng thúc giục tôi. Họ đã học cách tập trung vào bản thân mình hơn”, cô nói.
Theo Chen, các nhà nhân khẩu học kêu gọi thế hệ trẻ quay trở lại truyền thống đã hoàn toàn bị ngó lơ.
"Trong các mối quan hệ xung quanh tôi, một số người 40 tuổi như tôi vẫn thích độc thân và tất nhiên những người trẻ tuổi sẽ còn thích điều này hơn ai hết. Đó là điều tự nhiên ở các nước phát triển, không chỉ ở các quốc gia phương Tây mà còn ở châu Á. Ví dụ điển hình là tại Nhật Bản, nơi chúng ta có rất nhiều lựa chọn để ngồi ăn một mình mà không cần có chồng hay con cái", cô khẳng định.
Niềm vui và nỗi buồn của công việc
Tập truyện ngắn của nữ tác giả Jang Ryu Jin mang đến cái nhìn khác về cuộc sống của tầng lớp thanh niên ở Hàn Quốc. Chúng ta thường quen với hình ảnh những nam thanh nữ tú, chỉn chu trong bộ trang phục công sở, làm việc trong những cao ốc văn phòng sang trọng. Thực tế, áp lực công việc và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, khiến nhiều người trẻ không còn thiết tha với tình yêu, chuyện kết hôn hay sinh con. Các nhân vật của Jang Ryu Jin đều là những thanh niên bình thường mà người ta có thể gặp ở bất cứ đâu. Mỗi câu chuyện là một mảng màu sáng-tối đan xen, tạo nên bức tranh đa chiều về những khó khăn của người trẻ trong xã hội hiện đại.