Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhiều người Việt có thể mắc viêm gan C mà không biết

Nhiều người không biết bản thân mắc viêm gan C do chúng âm thầm tiến triển mà chưa có triệu chứng rõ ràng trong giai đoạn đầu.

Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 3 triệu người mang virus HCV, chiếm khoảng 3,6% dân số. Ảnh: Freepik.

Bác sĩ Trương Ngọc Nam, khoa Bệnh lây đường máu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, viêm gan C là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus viêm gan C (Hepatitis C Virus - HCV) gây ra. Bệnh ảnh hưởng chủ yếu đến gan và có thể dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng như xơ gan, suy gan hay ung thư gan nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2024, hiện có khoảng 58 triệu người trên toàn cầu đang sống chung với viêm gan C mạn tính, với khoảng 1,5 triệu ca nhiễm mới mỗi năm. Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 3 triệu người mang virus này, chiếm khoảng 3,6% dân số.

Điều đáng lo ngại là phần lớn người bệnh không biết mình đang mắc viêm gan C. Nguyên nhân là bệnh thường âm thầm tiến triển mà không có triệu chứng rõ ràng trong giai đoạn đầu.

Viêm gan C có thể tồn tại ở hai thể: cấp tính và mạn tính. Giai đoạn cấp tính xảy ra trong vòng 6 tháng sau khi nhiễm virus và khoảng 15-45% trường hợp có thể tự khỏi hoàn toàn mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu virus tiếp tục tồn tại trong cơ thể sau 6 tháng, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mạn tính.

"Trong số những người nhiễm HCV, khoảng 55-85% sẽ tiến triển thành viêm gan C mạn tính nếu không được can thiệp. Đây cũng chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các biến chứng nặng nề như xơ gan, suy gan và ung thư gan", bác sĩ Nam cho hay.

Những trường hợp có nguy cơ cao mắc viêm gan C bao gồm người từng truyền máu hoặc ghép tạng, người sử dụng ma túy bằng đường tiêm, người có quan hệ tình dục không an toàn, nhân viên y tế, trẻ sơ sinh có mẹ nhiễm HCV và những ai từng xăm hình hoặc xỏ khuyên tại các cơ sở không đảm bảo vệ sinh vô khuẩn.

Theo bác sĩ Nam, hiện nay viêm gan C có thể điều trị khỏi hoàn toàn nhờ vào thuốc kháng virus trực tiếp (DAA), với hiệu quả từ 95 đến 99% và thời gian điều trị ngắn chỉ từ 8 đến 12 tuần. Tuy nhiên, việc điều trị phải được bác sĩ chuyên khoa chỉ định và theo dõi chặt chẽ. Người bệnh tuyệt đối không được tự ý bỏ thuốc hoặc sử dụng thuốc ngoài hướng dẫn y tế.

Hiện chưa có vaccine phòng ngừa viêm gan C. Vì vậy, phòng bệnh vẫn là ưu tiên hàng đầu.

Trong cuốn sách Sống khỏe mạnh không phụ thuộc vào thuốc, giáo sư Ryoko Chiba cho rằng nguyên tắc cơ bản khi sử dụng thuốc trong cuộc sống thường ngày chính là “ngắn và cụ thể”. Khi nào bị bệnh thì uống thuốc. Hết bệnh thì nhanh chóng ngừng thuốc. Tuy nhiên, nếu chỉ thay đổi mỗi cách sử dụng thuốc thì chúng ta không thể khỏe mạnh lên. Để thật sự khỏe mạnh, mỗi chúng ta cũng cần thay đổi cả thói quen sống và cách suy nghĩ của mình.

Cách phân biệt phát ban do sởi và phát ban thông thường

Sốt phát ban và sởi là hai bệnh lý rất dễ bị nhầm lẫn do có nhiều triệu chứng tương đồng khi khởi phát bệnh.

Lý do ngộ độc thực phẩm phổ biến vào mùa hè

Thời tiết nắng nóng kéo dài, độ ẩm cao là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, người dân tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tiêu hoá, đặc biệt là ngộ độc thực phẩm.

Những dấu hiệu âm thầm của mỡ máu cao không nên bỏ qua

Theo bác sĩ Hoa, điều đặc biệt ở rối loạn lipid máu là bệnh có thể âm thầm diễn tiến trong nhiều năm mà không có triệu chứng rõ ràng.

Phương Anh

Bạn có thể quan tâm