Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhiều người xa nhà thêm một cái Tết

Năm ngoái, Hải Anh phải ăn Tết xa nhà vì dịch bệnh. Năm nay, cô xác định tinh thần đón thêm một đêm giao thừa lẻ loi ở đất khách.

Nhìn bạn bè, đồng nghiệp “vò đầu, bứt tai” đặt vé xe Tết, tìm hiểu quy định đón người từ vùng dịch về quê, Tuấn Anh (22 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) phần nào cảm thấy nhẹ nhõm.

Năm nay, anh không trở về Lâm Đồng đón năm mới cùng gia đình. Chia sẻ với Zing, Tuấn Anh cho biết việc mình vắng mặt ở nhà dịp Tết thường diễn ra cách năm một lần.

“Tôi có thói quen này từ năm 2017, khi mới ra Hà Nội học đại học. Nhà xa, đi lại những ngày cuối năm khá cập rập nên gia đình ủng hộ tôi cân nhắc tình hình thực tế để về ăn Tết. Bù lại, tôi sẽ về thăm bố mẹ nhiều lần trong năm”, anh nói.

Tết xa nhà

Trước tình hình dịch bệnh căng thẳng hiện tại, Tuấn Anh chắc chắn quyết định trải qua cái Tết ở Hà Nội là điều đúng đắn.

“Dịch Covid-19 là nguyên nhân chính khiến tôi chọn ở lại Hà Nội năm nay. Thực tế, quy định kiểm dịch ở tỉnh Lâm Đồng khá phức tạp, tôi ngại phải làm giấy tờ, xét nghiệm trước khi lên máy bay. Tôi cũng nghĩ tới tình huống mình có thể tiếp xúc với các ca F0, F1 trên đường về, gây ảnh hưởng đến gia đình”, anh kể.

an tet mot minh anh 1

Tuấn Anh quyết định ăn Tết xa nhà, về thăm gia đình khi tình hình dịch bệnh ổn định.

Ngoài ra, sau một năm bị ảnh hưởng kinh tế vì dịch, Tuấn Anh muốn ở lại Hà Nội làm việc qua Tết để kiếm thêm thu nhập, gửi về gia đình.

“Tôi đang làm nhân viên xử lý nội dung cho một công ty phần mềm, thu nhập và đãi ngộ khá tốt. Năm sau, gia đình tôi dự định mua thêm cây giống cà phê để canh tác nên tôi muốn làm việc, kiếm thu nhập hỗ trợ cho gia đình. Giờ về ngày Tết, tôi lại phải đổi ca làm khá phức tạp”.

Thay vì về nhà dịp cuối năm, Tuấn Anh dự định sẽ thăm gia đình vào cuối tháng 2, đầu tháng 3/2022. Khi đó, anh có thể xin nghỉ phép dài hơn, chờ tình hình dịch ổn định để yên tâm tụ họp cùng người thân.

“Tôi thuộc tuýp người tự lập, lại quen việc đón Tết ở nơi xa nên năm nay không còn quá buồn nữa. Tôi vẫn sẽ sinh hoạt bình thường, dành thời gian gọi điện về nhà để bớt cô đơn”, anh trải lòng.

Hơn một tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán, nhưng Hải Anh (27 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) đã sẵn sàng cho cái Tết thứ 2 xa nhà.

Tết năm 2021, Hải Anh không thể trở về quê nhà ở tỉnh Quảng Ninh vì dịch bệnh bùng phát nghiêm trọng, tỉnh áp dụng quy định không tiếp nhận người từ vùng dịch về.

Khi đó, Hải Anh chọn ở lại Hà Nội trong tâm trạng buồn bã, nhớ nhà.

“Thời điểm ấy, quy định ở quê tôi thay đổi liên tục để sát với tình hình dịch, tôi không chắc chắn mình có thể về nhà nên đành ở lại thành phố. Gia đình tôi rất buồn khi phải đón Tết từ hai ‘điểm cầu’ như vậy, nhưng đành phải chấp nhận và dặn dò tôi giữ gìn sức khỏe cẩn thận, hạn chế ra ngoài”, cô kể.

Năm nay, Hải Anh đã khá chắc chắn với phương án không về nhà. Nghĩ đến đêm giao thừa sắp tới, cô lại tủi thân bởi chỉ có một mình nơi đất khách.

“Năm ngoái, lúc nhà nhà quây quần ăn bánh chưng, tôi chỉ lủi thủi ở phòng trọ với chú mèo cưng. Hàng xóm thấy tôi ở một mình nên gọi sang xem Táo Quân, bố mẹ tôi từ quê cũng gọi điện hỏi han liên tục nên tôi thấy bớt cô đơn phần nào”.

an tet mot minh anh 2

Nhiều người đang làm việc tại Hà Nội và TP.HCM lo lắng dịch bệnh bùng phát cận Tết sẽ ảnh hưởng đến lịch trình về quê.

Vẫn chờ cơ hội đoàn viên

Theo Hải Anh, cô đang sinh sống ở quận là vùng cam tại Hà Nội. Trong khi đó, tỉnh Quảng Ninh lại chưa có quy định chính thức về việc tiếp nhận người dân trở về ăn Tết, đặc biệt là người từ vùng cam, vùng đỏ.

Hải Anh một mặt động viên gia đình về việc đón năm mới từ xa, nhưng mặt khác vẫn cố chờ đợi các chính sách tiếp theo của địa phương, mong cơ hội đoàn viên.

“Nếu dịch bệnh thuyên giảm, tôi sẽ sắp xếp về nhà đón Tết cùng gia đình. Nhưng nếu tình hình căng thẳng, tôi đành ở lại Hà Nội để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và mọi người. Trong tình huống đó, tôi sẽ sắm sửa thêm bánh chưng để ăn trong mấy ngày Tết cho có không khí”, Hải Anh cười, nói.

Bùi Ngọc Anh (24 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) cũng trong tâm trạng tương tự. Cô vẫn chưa dám đặt vé máy bay, vé xe để về Sơn La vào dịp Tết Nguyên đán. Nếu năm nay không thể về quê, đây sẽ là cái Tết thứ hai liên tiếp Ngọc Anh xa nhà do dịch bệnh.

“Tôi vẫn đang theo dõi các quy định phòng dịch tại địa phương, cảm thấy lo lắng khi việc tôi ở vùng xanh, cam hay đỏ đều có thể thay đổi trong tích tắc nếu phát hiện ca bệnh. Cũng như tôi, bố mẹ tôi ở quê cũng đang cập nhật tình hình dịch bệnh tại TP.HCM mỗi ngày. Năm nay, vì dịch, tôi đã không thể về thăm nhà nhiều như trước đây”, Ngọc Anh chia sẻ.

Ngọc Anh nhớ như in cảm giác lần đầu tiên đón Tết một mình tại TP.HCM vào đầu năm 2021. Mặc dù đã quen cuộc sống xa gia đình, cô vẫn không tránh khỏi cô đơn.

Đặc biệt, khi đó, rất nhiều cửa hàng, quán ăn trong thành phố đều đóng cửa nghỉ Tết. Mỗi ngày, cô đều phải tự nấu ăn hoặc tìm kiếm một nhà hàng nước ngoài để dùng bữa một mình.

“Tôi từng nghĩ Tết ở lại thành phố sẽ ổn thôi, nhưng thật ra cảm giác rất buồn bã. Mùng 1, mùng 2 Tết, đường sá TP.HCM vắng vẻ do mọi người đều ở nhà quây quần. Phố đi bộ Nguyễn Huệ khi đó chỉ lác đác vài người qua lại, hàng quán cũng đóng cửa im lìm. Hầu hết thời gian tôi chỉ ở nhà tự giải trí bằng việc đọc sách”, cô kể lại.

“Năm nay, tôi thực sự muốn về nhà rồi. Tuy vậy, tình hình dịch bệnh vẫn rất căng thẳng, tôi đành chuẩn bị tinh thần cho việc xa nhà thêm một cái Tết nữa”, cô tâm sự thêm.

Thuê xe đạp công cộng để dạo chơi khu trung tâm tại TP.HCM

Yến Nhi đi hơn 15 km từ TP Thủ Đức sang quận 1 để trải nghiệm xe đạp công cộng. Cô tỏ ra hào hứng khi được vui chơi với bạn bè cùng phương tiện mới.

Thục Hạnh - Trang Minh

Bạn có thể quan tâm