Trong thế giới hậu đại dịch, nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có. Hàng triệu người lao động quyết định nghỉ những công việc không đem lại niềm vui cho họ, trong khi doanh nghiệp chịu áp lực phục hồi sau dịch.
Việc quản thúc người lao động giờ đã trở nên lỗi thời. Sự đồng sáng tạo sẽ giúp doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ trong việc đáp ứng nhu cầu thay đổi của các bên liên quan.
Trao quyền
Cuộc khủng hoảng về sự bất mãn của nhân viên đã xảy ra từ trước đại dịch. Thế hệ Millennials, chiếm phần lớn lực lượng lao động, cảm thấy mục tiêu của doanh nghiệp không đồng nhất với ưu tiên của họ.
Các doanh nghiệp cần cam kết thực hiện những mục tiêu xã hội sâu rộng hơn. Nếu không, nhân viên của họ sẽ cảm thấy mất động lực và thiếu kết nối với công việc.
Cảm giác kết nối là điều rất quan trọng, bởi sự hợp tác đôi khi không đến từ tính toán sâu xa mà dựa trên trực giác và cảm nhận. Tuy nhiên, khi nói đến sự hợp tác, các chuyên gia về quản lý thường mang hàm ý đẩy cấp dưới vào thế bị động, nghe lời. Điều đó trái với đồng sáng tạo.
Nhiều nhân viên không còn muốn bị động nghe lời sếp. Ảnh: Entrepreneur. |
Khi tôi nói chuyện với các giám đốc điều hành về vấn đề trên, nhiều người có phản ứng hoảng sợ. "Vậy quyền lực điều hành doanh nghiệp của tôi sẽ ra sao?", họ hỏi.
Chắc chắn, quyền quyết định vẫn nằm trong tay người quản lý. Nhưng một đội ngũ nhân viên được trao quyền sẽ giúp việc lãnh đạo thêm hiệu quả.
Trong khi gã khổng lồ như Google đang dẫn đầu trong lối đi mới này, một nghiên cứu kéo dài 20 năm về hơn 300 công ty đã phát hiện ra phương pháp tiếp cận lấy con người làm trung tâm sẽ giúp nhân viên cải thiện hiệu suất trong nhiều bối cảnh khác nhau.
Đồng sáng tạo không chỉ là sự nới lỏng sự kiểm soát với nhân viên mà còn nằm ở việc trao quyền giữa các doanh nghiệp. Nhiều nơi đã nhận ra rằng họ không có được sản phẩm tốt nhất bằng cách quản lý chặt chẽ các nhà cung cấp với danh sách yêu cầu chi tiết.
Thay vào đó, kết quả tối ưu thường đạt được khi doanh nghiệp hỗ trợ các nhà cung cấp đồng sáng tạo và tự quyết định lối đi.
Dĩ nhiên, quyền quyết định cuối cùng vẫn thuộc về bên trả tiền. Phía khách hàng có thể yêu cầu nhóm phát triển của nhà cung cấp bám sát lộ trình sản phẩm và quản lý quy trình để xây dựng các tính năng được yêu cầu.
Với sự tự do mà đồng sáng tạo mang lại, những rủi ro về hiệu quả và uy tín đôi khi khó tránh khỏi. Nhưng ta cũng cần đặt câu hỏi rằng liệu có tồn tại con đường dẫn đến sự đột phá mà không rủi ro? Tôi đoán là không.
Đồng sáng tạo là quá trình đòi hỏi sự tin tưởng giữa các bên. Ảnh: Beyond Philosophy. |
Chịu trách nhiệm
Khi xem xét số liệu hiện tại, nhiều người lao động đang chọn bỏ việc hơn là quay lại văn phòng.
Michael Solomon, đồng sáng lập của 10x Management, giải thích với tôi rằng đây là một đặc điểm được mong đợi của "nền kinh tế nhân tài" (talent economy). Dù ở vị trí cao hay thấp trong hệ thống, mọi người đều được trao quyền và sẵn sàng chịu trách nhiệm cho hành động của mình.
Việc cho phép người lao động tự đặt ra điều khoản về cách thức làm việc của họ sẽ hàm chứa rủi ro. Đối với một số giám đốc, những nhân viên dám đưa ra yêu cầu có vẻ đã tự cho mình quá nhiều quyền hành.
Tuy nhiên, sự quản thúc sẽ phản tác dụng đối với hiệu quả công việc. Solomon giải thích rằng đây là một thay đổi mang tính thế hệ, đồng thời cảnh báo phong cách quản lý cũ đang bị loại bỏ khá nhanh.
Việc đồng sáng tạo yêu cầu mỗi thành viên tự chịu trách nhiệm. Ảnh: The Conversation. |
Đồng sáng tạo không có nghĩa là chúng ta không cần CEO nữa. Nhưng việc nhìn nhận về "lãnh đạo" như một hành động thay vì chức danh sẽ có ích cho doanh nghiệp.
Việc chuyển hướng khỏi sự kiểm soát ngột ngạt và lỗi thời trong quản lý và ủng hộ đồng sáng tạo là điều cần thiết đối với các tổ chức, doanh nghiệp, ngay cả khi viễn cảnh đó khiến nhiều lãnh đạo không thoải mái.
David Weitzner là nhà nghiên cứu lĩnh vực quản trị tại Đại học York (Canada). Bài viết của ông đăng trên Channel News Asia nói về việc người lao động hiện nay cần được trao quyền sáng tạo thay vì bị quản thúc trong công việc.