Hàn Quốc mở cửa tất cả trường học ở thời điểm số ca mắc tăng cao, thậm chí chỉ 4 ngày sau khi ghi nhận số ca mắc Covid-19 trong ngày cao kỷ lục, đúng vào ngày thi đại học của hơn 500.000 thí sinh.
Tại Indonesia, ngay trước khi quyết định cho học sinh một số nơi đến lớp, cả nước ghi nhận 100 trẻ em tử vong vì Covid-19 mỗi tuần.
Học sinh trường Wat Nong Khaem (Bangkok, Thái Lan) đo thân nhiệt trước khi vào lớp. Ảnh: Bangkok Post. |
Mở cửa trường học dù số ca mắc Covid-19 tăng cao
Ngày 22/11, Hàn Quốc cho trẻ em trên toàn quốc trở lại trường. Theo Yonhap, đây là lần đầu tiên sau 2 năm, tất cả trẻ em mẫu giáo, học sinh phổ thông trở lại trường học toàn thời gian, không phải học trực tuyến hay theo phương thức kết hợp.
Động thái này nằm trong kế hoạch “sống chung với Covid-19” của chính phủ, được thông qua khi Hàn Quốc đạt kế hoạch tiêm chủng hồi tháng 10. Cụ thể, 78,8% dân số được tiêm chủng đầy đủ, dù tỷ lệ đối với trẻ trong độ tuổi 12-17 ở mức 12,8%.
Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn lo lắng, đặc biệt khi việc mở cửa trường học được tiến hành ở thời điểm số ca mắc Covid-19 tăng cao, thậm chí đạt mức kỷ lục 3.200 ca/ngày và Hàn Quốc vừa tổ chức xong kỳ thi tuyển sinh đại học (CSAT).
“Đúng là vẫn còn nhiều lo ngại”, Bộ trưởng Giáo dục Yoo Eun-hye thừa nhận khi đến thăm một trường tiểu học tại Seoul vào hôm học sinh đến lớp. Do đó, khi trở lại, học sinh, giáo viên, nhân viên nhà trường phải tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch Covid-19 như đeo khẩu trang, phân luồng, giãn cách.
Các trường cũng luôn trong trạng thái sẵn sàng chuyển sang dạy học trực tuyến hoặc hình thức học tập từ xa khác trong trường hợp tình hình thực tế yêu cầu.
Ngày 15/11, 100 trường ở Philippines bắt đầu mở cửa đón trẻ trở lại học tập. Các trường đều thuộc nhóm khu vực có nguy cơ lây nhiễm thấp và đủ điều kiện mở cửa. Mỗi phòng học chỉ có sức chứa từ 12 đến 15 học sinh. Giáo viên tham gia giảng dạy phải tiêm vaccine đủ 2 mũi mới được phép đến trường. Đến ngày 22/11, nước này cho phép thêm 20 trường tư thục tham gia thí điểm.
Theo Bangkok Post, đầu tháng 11, nhiều trường học ở Thái Lan cũng mở cửa trở lại sau khi đóng cửa từ hồi tháng tư do dịch bệnh căng thẳng. Văn phòng Ủy ban Giáo dục Phổ thông cho hay khoảng 10.000 trường đã đón học sinh tới lớp trong khi 19.000 trường duy trì hình thức dạy học trực tuyến, từng bước mở cửa.
Cho học sinh học trực tiếp là ưu tiên của Bộ Giáo dục Thái Lan. Bộ trưởng Treenuch Thienthong cho biết chiến dịch tiêm chủng cho trẻ em từ 12 đến dưới 18 tuổi được triển khai đầu tháng 10 là một phần trong các nỗ lực nhằm mở cửa trường học.
Đến cuối tháng 10, 3,8 triệu trẻ em đăng ký tiêm chủng, hơn 56% trong số đó được tiêm một mũi. 78% giáo viên, nhân viên trường học ở Thái Lan cũng được tiêm phòng Covid-19.
Bộ Giáo dục cùng Bộ Y tế cũng soạn cẩm nang mở lại trường học trong thời kỳ dịch bệnh, từ cách bảo vệ học sinh đến hướng dẫn xử lý khi phát hiện ca mắc.
Thái Lan không thực hiện test nhanh cho trẻ trước khi đến lớp. Bà Treenuch đánh giá cách làm này không hiệu quả. Việc mở cửa trường học sẽ phụ thuộc tình hình dịch tại địa phương, tỷ lệ tiêm chủng, điều kiện đảm bảo phòng, chống dịch của trường (các tỉnh có ủy ban kiểm tra).
Phụ huynh có thể chọn cho con tiếp tục học trực tuyến nếu chưa muốn đến lớp. Một số người vẫn lo ngại về nguy cơ mắc Covid-19 khi trẻ chưa được tiêm vaccine đầy đủ và khó giữ khoảng cách khi chơi đùa cùng bạn bè.
Tại Thái Lan, tình hình dịch Covid-19 vẫn rất phức tạp. Ngày 25/11, Bộ Y tế nước này thông tin trong vòng 24 giờ, cả nước ghi nhận 6.335 ca mắc mới và thêm 37 trường hợp tử vong vì Covid-19.
Straitstimes cho hay trong tháng 9, sau 18 tháng đóng cửa vì dịch, nhiều trường học tại Indonesia cũng mở cửa trở lại. Các địa phương áp dụng cách làm khác nhau để từng bước cho học sinh đến lớp như chỉ tổ chức dạy học trực tiếp cho 30% học sinh hay chia đôi sĩ số, luân phiên đi học.
Quyết định của chính phủ đưa ra trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn, đặc biệt trong hơn 2 tháng trước đó, nước này có 100 trẻ em chết vì dịch mỗi tuần.
Vì thế, bên cạnh ý kiến đồng thuận, không ít người lo ngại khi gửi con đến lớp ở thời điểm dịch phức tạp. Trong khi đó, chính phủ nỗ lực thúc đẩy việc tiêm vaccine cho trẻ 12-18 tuổi như một biện pháp để đảm bảo an toàn cho các em khi tới lớp.
Indonesia tiêm vaccine cho trẻ em vào đầu tháng 9, một trong những biện pháp để dần mở cửa trường học. Ảnh: AFP. |
Học online ảnh hưởng tương lai của trẻ
Tại Hàn Quốc, Thái Lan hay Indonesia, trường học đều mở cửa giữa các luồng dư luận trái chiều. Nhiều người muốn con đến lớp vì học trực tuyến không hiệu quả, do cả chất lượng đường truyền, khả năng truyền tải kiến thức qua màn hình đến mức độ tập trung của học sinh. Bên cạnh đó, học trực tuyến cũng gây ra các hệ lụy về sức khỏe, tâm lý.
Bà Treenuch Thienthong, Bộ trưởng Giáo dục Thái Lan, thừa nhận dạy học trực tuyến không thể đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Môi trường lớp học, các hoạt động ở trường rất quan trọng để trẻ phát triển toàn diện. Vì thế, chính phủ cũng như Bộ Giáo dục khuyến khích trẻ em tiêm vaccine.
“Dịch bệnh sẽ không chấm dứt sớm. Chúng ta cần thích nghi, từng bước mở cửa trường học. Nếu chúng ta cứ mắc kẹt trong nỗi sợ hãi, giáo dục không thể phát triển”, bà Treenuch nhấn mạnh.
Thực tế, Philippines từng bước mở cửa trường học nhưng với nhiều trẻ em, mọi thứ đã quá muộn. Trong 19 tháng chuyển sang học tập trực tuyến, nhiều em đã bỏ học vì gia đình không thể chuẩn bị thiết bị học trực tuyến hay sống ở khu vực không có sóng.
Trong bài viết đăng trên Channel News Asia, nhiều chuyên gia nhận định cái giá cho việc đóng cửa trường học tại Philippines là hàng chục năm tiếp theo sống trong nghèo khó đối với những đứa trẻ gián đoạn việc học khi trường đóng cửa. Và cuộc khủng hoảng học tập có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế nước này trong 40 năm kế tiếp.
UNICEF cũng đưa ra cảnh báo về mặt trái của việc đóng cửa trường học. Trẻ em không đến trường phải đối mặt nhiều nguy cơ bị bạo hành thể chất, tinh thần, tình dục, tảo hôn.
Bên cạnh đó, tại Indonesia, gần 60% gia đình gặp khó khăn trong việc đảm bảo đường truyền để con học trực tuyến. 25% phụ huynh cho biết không có thời gian để giám sát, hỗ trợ con học tập và 75% lo ngại về chất lượng học online.
“Với trẻ em, trường không chỉ là những lớp học, đó còn là nơi cung cấp kiến thức, tạo dựng tình bạn, sự an toàn và môi trường lành mạnh. Học sinh nghỉ học càng lâu, càng thiếu hụt sự hỗ trợ quan trọng đó. Vì thế, khi các biện pháp chống dịch được nới lỏng, chúng ta nên ưu tiên việc mở cửa trường học an toàn để hàng triệu học sinh không bị hủy hoại tương lai”, bà Debora Comini, đại diện UNICEF, khuyến nghị.