Các nốt thủy đậu trên da bệnh nhân. Ảnh: Quang Nhật/CDC Đắk Lắk. |
Theo CDC Đắk Lắk, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 60 trường hợp mắc bệnh thủy đậu rải rác tại 15 huyện, thị xã, thành phố, trong đó tập trung tại huyện Ea Kar (28 người) và TP Buôn Ma Thuột (22 người).
Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Hải Phúc, Giám đốc CDC Đắk Lắk, cho biết bệnh thủy đậu đang có xu hướng diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh. Nếu không có các biện pháp phòng bệnh hiệu quả, bệnh dễ bùng phát và lây lan thành dịch.
"Thủy đậu dễ lây lan và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, do vaccine phòng thủy đậu chưa được đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng, giá tiêm dịch vụ dao động từ 300.000 đến hơn 600.000 đồng/mũi khiến nhiều phụ huynh không có điều kiện đưa trẻ đi tiêm phòng", bác sĩ này chia sẻ.
Việc trẻ không được tiêm phòng đầy đủ sẽ khiến bệnh dễ lây lan và bùng phát thành dịch, nhất là tại các trường học. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, trẻ đã quay trở lại trường học. Đây là thời điểm thuận lợi để bệnh thủy đậu lây lan và bùng phát.
CDC đã chủ động phối hợp với Sở Giáo dục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, yêu cầu các trường học thực hiện nghiêm túc biện pháp phòng bệnh như vệ sinh trường lớp, đồ chơi, rửa tay bằng xà phòng cho trẻ, cách ly ngay khi phát hiện có trẻ mắc bệnh cũng như thông báo cho ngành y tế để kịp thời xử lý.
Để chủ động phòng chống bệnh thủy đậu, CDC Đắk Lắk khuyến cáo:
- Các bậc cha mẹ nên cho con em đi tiêm vaccine phòng bệnh khi trẻ nhỏ từ đủ 12 tháng tuổi, đây là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất
- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh để phòng tránh lây lan
- Khi cần tiếp xúc phải đeo khẩu trang, sau khi tiếp xúc phải rửa tay bằng xà phòng
- Vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ sinh hoạt riêng
- Chủ động vệ sinh nhà cửa, trường học và vật dụng sinh hoạt bằng dung dịch sát khuẩn thông thường.
Bác sĩ Hải Phúc đề nghị người dân nên đi khám ngay khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường. Với những trường hợp mắc bệnh thủy đậu, cần được cách ly và cho nghỉ học hoặc nghỉ làm việc 7-10 ngày từ khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho người xung quanh.
Dựa trên các kết quả nghiên cứu khoa học, cuốn sách "Tâm hơn thuốc" của tác giả Lissa Rankin chỉ ra rằng biện pháp cải thiện tâm lý, suy nghĩ tích cực có thể phòng tránh bệnh tật và giải quyết một số vấn đề về sức khỏe của con người. Cuốn sách cho thấy sự sáng tạo, thư giãn, sống thật với chính mình... là những phương pháp đơn giản giúp giảm căng thẳng trong công việc và cải thiện tình trạng sức khỏe.