Trong bộ phim truyền hình "Bác sĩ nhi đồng" chiếu tại Trung Quốc, một tập kể chuyện về bà mẹ nọ mong con sớm "hóa rồng", liền đăng ký cho trẻ - vốn là thiếu niên 5 tuổi - học nhiều lớp phụ đạo. Yêu cầu của bà mẹ là con thông thạo mọi kỹ năng, đứng đầu toàn bộ các khóa học.
Nhưng bà không hề hay biết điều này vô tình khiến con căng thẳng quá mức, mỗi lần như vậy, trẻ đều cắn móng tay đến tứa máu. Nghĩ rằng con bị dị tật, bà mẹ đưa trẻ đến viện khám. Tại đây, bác sĩ chỉ kê một đơn thuốc có ghi: "Cái ôm và những nụ cười hàng ngày từ mẹ". Cậu bé được chẩn đoán bị căng thẳng quá mức dẫn đến hành vi bất thường.
Bà mẹ tức giận, xé rách đơn thuốc và thô bạo túm lấy con đi về. Đứa trẻ vừa đi vừa khóc và nói: "Con chẳng giỏi giang gì cả, xin mẹ đừng ép con học nữa". Bà mẹ lập tức hét vào mặt con đầy tức giận và bỏ đi, để mặc đứa trẻ một mình ở viện.
Bộ phim ngay sau đó trở thành chủ đề bàn tán của cộng đồng mạng Trung Quốc. Những tình tiết của phim tưởng chừng như vô lý nhưng lại có thể bắt gặp ở nhiều gia đình tại đất nước tỷ dân.
Áp lực học hành, mong muốn làm hài lòng cha mẹ khiến nhiều trẻ tại Trung Quốc mệt mỏi. Ảnh minh họa: Freepik. |
Khao khát thần đồng khiến phụ huynh lạc lối
Mẹ của Wenwen là người rất cầu toàn và coi chuyện học hành của bà là lẽ sống. Theo KK news, nguyên nhân là thuở nhỏ, ông bà ngoại không để tâm đến chuyện học hành của con cái. Mẹ của Wenwen luôn học kém nhất lớp. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, bà bỏ học. Không có bằng đại học, người phụ nữ này lấy chồng và dành toàn bộ thời gian để lo cho gia đình. Không công việc, không bằng cấp, bà mẹ này ám ảnh việc con cái sẽ thất bại, đi theo vết xe đổ của mình.
Chính vì thế, ngay từ khi còn nhỏ, Wenwen đã được "lập trình" toàn bộ kế hoạch cuộc đời. Việc ăn gì, học môn nào, thời gian ngủ nghỉ ra sao, kết giao bạn bè như thế nào đều được mẹ của Wenwen lên kế hoạch sẵn. Việc duy nhất mà cô bé này phải làm đó là thực hiện theo mọi thứ bà mẹ sắp xếp.
Kết quả, Wenwen đúng là có sự thông thạo kiến thức trước tuổi, vượt xa bạn bè đồng trang lứa ở nhiều điểm. Nhưng đến năm lớp 2, Wenwen không còn hứng thú với học tập, sinh ra ngỗ nghịch. Thành tích của em sụt giảm, từ vị trí đầu bảng xuống hạng bét vì chủ quan, chểnh mảng. Nhà trường mời phụ huynh tới trao đổi, phản ánh việc Wenwen thường không nghiêm túc trong lớp, thậm chí làm ồn, bướng bỉnh, gây ảnh hưởng học sinh khác.
Mẹ của Wenwen không tin. Theo người mẹ này, không thể có chuyện con gái được giáo dục trong môi trường tốt từ nhỏ lại tụt hạng ở bậc tiểu học.
Năm 2010, Tân Hoa Xã từng đưa tin về trường hợp khác là bà mẹ họ Xu, ở Vũ Hán, Trung Quốc. Người mẹ này bỏ ra 120.000 nhân dân tệ (khoảng 18.200 USD) để cho con gái theo học tổng cộng 17 lớp học kỹ năng, phụ đạo trong một năm. Đến tuổi học cấp một, cô bé đã thông thạo toàn bộ chương trình của lớp 2 và có nhiều điểm vượt trội với bạn bè đồng trang lứa. Không những vậy, trẻ còn biết tiếng Quan Thoại, tiếng Anh, thông thạo âm nhạc, hội họa, múa, dẫn chương trình, làm khoa học...
Không ít phụ huynh nhìn cô bé với con mắt ngưỡng mộ. Nhưng 3 năm sau, đứa trẻ xếp thứ hạng trung bình tại lớp. Thậm chí, càng lớn, thành tích học tập của em càng sa sút, tư chất bình thường. Cộng đồng mạng Trung Quốc cho rằng cô bé đã thắng ở vạch xuất phát với nhiều ưu điểm vượt trội. Nhưng cuối cùng, chặng đường thành công của em đứt gánh giữa đường. Điều đó đến từ những lầm tưởng của cha mẹ, cố gắng nhồi nhét con vào các lớp học dày đặc.
Cả hai trường hợp trên đều khiến nhiều người tiếc nuối. Không ít cá nhân bàn luận và cho rằng những bà mẹ này đã đặt kỳ vọng quá lớn vào con. Hai đứa trẻ mất đi thời gian tuổi thơ - vốn là vừa học vừa chơi, khám phá thế giới - để lao theo "cơn khát thần đồng" của mẹ. Chưa rõ tương lai của các em sẽ ra sao, nhưng điều chắc chắn rằng, đứa trẻ này cũng không vui vẻ với những giờ học triền miên, áp lực đến từ mác phải trở thành thiên tài.
Một học sinh ôn tập cho kỳ thi đại học tại Trung Quốc. Ảnh: Xinhua. |
"Bố mẹ ơi, con mệt rồi"
Quan niệm "không thể con thua ở vạch xuất phát" trở thành gánh nặng, áp lực cho cả phụ huynh và học sinh. Nhiều em bị đánh cắp tuổi thơ, trưởng thành trong áp lực đè nặng. Nhưng cũng có nhiều trường hợp rơi vào bi kịch đáng tiếc, không thể cứu vãn.
Điển hình là câu chuyện buồn của Đàm Dao (sinh năm 1994, ở Nghi Xương, Trung Quốc). Cô được mệnh danh là thần đồng nổi tiếng vì thành tích học tập đáng nể, đa tài, có năng khiếu nghệ thuật từ khi 2 tuổi. 14 tuổi, Đàm Dao vào cấp 3 và được kỳ vọng sẽ có tương lai tươi sáng. Tuy nhiên, cuộc đời cô bé chính thức chấm dứt vào năm 2008.
Cha của Đàm Dao là giáo viên dạy Toán của trường Trung học cơ sở số 5 Nghi Xương. Ông cũng là bạn của thầy chủ nhiệm lớp Đàm Dao theo học. Ông bố luôn nhắn nhủ thầy giáo hãy nghiêm khắc với con mình vì Đàm Dao còn trẻ, mải chơi.
9h30 ngày 6/3/2008, thầy giáo chủ nhiệm phát hiện Đàm Dao lén đọc tạp chí trong giờ tiếng Anh. Cô bé từng mắc lỗi này 2 lần và tái phạm tiếp. Sau giờ học, Đàm Dao bị thầy gọi lên bục giảng, cảnh cáo trước cả lớp và yêu cầu mời phụ huynh.
Bị thầy khiển trách, cô bé có thái độ lạ, không ăn trưa mà nhờ bạn lấy chút mì tôm. Đến tầm 17-18h cùng ngày, thầy chủ nhiệm phát hiện Đàm Dao mất tích. Trên bàn học của em, người ta tìm thấy một lá thư tuyệt mệnh. Mọi người tìm kiếm cô bé. Đến ngày 8/3/2008, gia đình phát hiện thi thể của Đàm Dao ở chiếc ao cạnh trường.
Chân dung Đàm Dao. Ảnh: Sohu. |
Những dòng cuối cùng trong bức di thư, thần đồng 14 tuổi viết: "Mọi người đối với tôi đều kỳ vọng rất cao, xin lỗi, để mọi người thất vọng rồi". Không chỉ vậy, cô bé còn nhắc về việc áp lực rất lớn khi đi học và luôn "cảm giác rất mệt".
Một vụ việc thương tâm khác xảy ra vào tháng 9. Nam sinh lớp 9 Zhang Mourui ở Vũ Hán, Trung Quốc, nhảy lầu tự tử sau khi bị mẹ đánh trước mặt bạn bè, thầy cô. Theo Global Times, Zhang Mourui và hai bạn học bị bắt chơi bài trong giờ. Giáo viên đã mời mẹ của Zhang tới trường để trao đổi về sự việc này.
Camera an ninh đặt tại hành lang ghi lại cảnh bà mẹ ra khỏi phòng họp và tát vào mặt con trai 2 cái rồi bỏ đi. Nam sinh đứng lặng 3 phút. Sau đó, cậu bất ngờ leo từ lan can tầng 5 của tòa nhà và nhảy xuống đất. Nhiều bạn học đã cố gắng ngăn lại nhưng không kịp. Zhang tử vong.
Vụ việc trên dấy lên những tranh cãi trong xã hội Trung Quốc. Nhiều người lên án hành vi độc đoán và gây tổn thương trẻ của bà mẹ. Cũng có nhiều người phân tích rằng Zhang đã phải trải qua những gì mới có thể quyết định cực đoan đến như vậy. Phải chăng kỳ vọng của phụ huynh như trường hợp của mẹ Zhang quá lớn, khiến bà hành động trong cơn tức giận mà không nghĩ tới hậu quả sẽ xảy đến?
Năm 2017, hiệu trưởng Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) từng lên tiếng chỉ trích những phụ huynh vì quan điểm, mong muốn con thành thiên tài mà bức ép đứa trẻ. Ông nhắn nhủ phụ huynh hãy để trẻ sống một cuộc đời mà các con muốn, làm thứ mình thích, trải nghiệm thế giới xung quanh trọn vẹn.
Trường hợp của Zhang, Đàm Dao là hai trong số bi kịch thương tâm của những đứa trẻ phải trên vai tấm áo mang tên "thần đồng", mong muốn hài lòng kỳ vọng mà cha mẹ đặt ra. Đến cuối cùng, đánh đổi cho những tháng ngày miệt mài, áp lực, rơi nước mắt trên giảng đường, trẻ chỉ còn lại cảm giác cô đơn và sự căng thẳng.
Phải chăng đã đến lúc, phụ huynh cần nhìn lại và hỏi con thích gì, lắng nghe trẻ nhiều hơn. Và cuối cùng, như lời của vị hiệu trưởng - "Xin đừng hủy hoại con bằng suy nghĩ áp đặt của cha mẹ".