Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Chi tiêu trong bão giá

Nhiều quán ăn ở TP.HCM không dám tăng giá vì sợ mất khách

Nhiều chủ quán đau đầu vì lựa chọn tiếp tục gồng gánh, cắt giảm lợi nhuận hay tăng giá món ăn với nỗi lo mất khách.

Trong khi các nhân viên tất bật dọn dẹp, chuẩn bị đón khách, bà Mai Thị Liên, chủ tiệm bún riêu Gánh Bến Thành (Lê Thánh Tôn, quận 1), ngồi xem sổ sách, nhẩm tính lại thu chi của quán trong vài ngày qua.

Nếu so với một năm trước, chỉ tính riêng tiền mua nguyên liệu đã tăng lên 30-40%. Chưa kể giá gas, giá xăng liên tục đạt đỉnh còn ảnh hưởng đến chi phí nấu nướng, vận chuyển, ship hàng...

"Cà chua lúc cao nhất có thể 60.000-65.000 đồng/kg, gấp đôi thời trước dịch. Gas thì đã khoảng 500.000 đồng/bình 12 kg. Mọi thứ đều tăng nhưng quán hiện vẫn giữ nguyên giá bán nên có rất nhiều thứ phải tính toán, cân nhắc", bà Liên nói với Zing.

Chật vật trang trải tiền thuê mặt bằng trong khi việc kinh doanh liên tục bị gián đoạn vì dịch bệnh suốt 2 năm qua, các hàng ăn ở TP.HCM nay tiếp tục lao đao trước cơn bão giá.

quan an tphcm khong tang gia anh 1

Bà Liên, chủ tiệm bún riêu Gánh, cho biết quán sẽ cố gắng cầm cự để không tăng giá trong thời gian tới.

Cắt giảm 20-30% lợi nhuận

Một năm qua, giống hầu hết hàng quán lớn nhỏ khác, tiệm bún riêu của bà Liên cũng gặp nhiều khó khăn.

Sau hơn 40 năm nằm ở đối diện cửa Đông chợ Bến Thành, quán ăn này đã phải dọn về địa điểm mới vì không thể tiếp tục bù lỗ tiền thuê mặt bằng.

"Mặt bằng cũ đối diện chợ nên khá đắt đỏ. Khu nhà có 3 tầng, tiệm chúng tôi thuê tầng trệt còn 2 tầng phía trên của một quán hamburger. Sau dịch, tiệm hamburger trả mặt bằng. Nếu muốn thuê tiếp, chúng tôi phải một mình gánh cả 3 tầng nhà, như vậy thì không thể kham nổi. Đúng lúc vừa hết hạn hợp đồng nên tôi quyết định tìm chỗ mới có giá thuê dễ thở hơn".

Ngoài vấn đề thuê mặt bằng, quán còn từng gặp khó khăn vì mất đi nhiều khách hàng là du khách, Việt kiều do du lịch đóng cửa vào năm ngoái.

Tuy nhiên, theo chủ quán, sau 2 năm ảm đạm, giờ đây lượng khách đã quay lại bằng trước dịch. "Du lịch mở cửa, khách Tây, Việt kiều, khách quen trở lại nhiều. May mắn là khi chuyển về địa điểm mới, quán còn thu hút thêm dân văn phòng, sinh viên".

Mừng vì vẫn được khách hàng ủng hộ và làm ăn thuận lợi sau giai đoạn Covid-19 khó khăn, chủ quán bún cho biết sẽ cố gắng không tăng giá.

"Hơn 4 năm rồi, chúng tôi vẫn giữ nguyên giá bán 55.000 đồng/tô. Bây giờ mà tăng vài nghìn đồng một tô, với nhiều người không đáng là bao nhưng với lao động nghèo thì sẽ rất khó khăn. Hơn nữa, quán bán lâu năm rồi nên tôi hiểu, làm gì thì làm cũng phải ráng giữ chân khách hàng".

Bà Liên cho biết để giữ nguyên giá bán, quán phải chấp nhận cắt giảm 20-30% lợi nhuận so với trước đây. Ngoài ra, quán phải mở cửa sớm hơn và bán thêm cả bún bò, hủ tiếu để có thêm khách hàng.

Áp lực tăng giá

Sau nhiều năm giữ nguyên bảng giá, quán Ốc Vân (đường Nguyễn An Ninh, quận 1) đã phải điều chỉnh giá một số món trong thực đơn vào cuối tháng 3.

Quan Vĩ Hào (25 tuổi, con trai bà chủ Thùy Vân) cho biết đây là điều không mong muốn.

“Quán chỉ dám tăng giá 2-3 món, mỗi món tăng từ 10.000 đồng. Áp lực từ nhà cung cấp, phí vận chuyển, xăng và gas nên mới phải điều chỉnh. Chúng tôi không thể tăng đồng loạt vì sợ ảnh hưởng đến khách hàng. Phí giao hàng với những khách đặt mang đi không thay đổi”, Vĩ Hào cho biết.

Hơn 20 năm kinh doanh tại khu vực chợ Bến Thành, Ốc Vân là địa chỉ nổi tiếng với giới trẻ Sài thành, trong đó có nhiều khách là diễn viên, người mẫu.

Trong hai năm dịch bệnh kéo dài, quán cũng trải qua giai đoạn khó khăn trong bối cảnh kinh doanh ảm đạm trên toàn thành phố.

Từ đầu năm nay, khi mở cửa hoàn toàn và khách du lịch quay trở lại, quán đã lấy lại nhịp sôi động, đông đúc dịp cuối tuần. Tuy nhiên, giá cả leo thang đã khiến quán ăn nức tiếng cũng phải đối mặt với bài toán cân đối chi phí - lợi nhuận.

Hồi đầu tháng 3, quán cà phê kết hợp cơm văn phòng trên đường Nguyễn Đình Chiểu (quận 3) cũng đã lần đầu buộc phải tăng giá sau nhiều năm. Giá xăng tăng khiến chủ kinh doanh phải nâng giá đồ ăn lên khoảng 5.000 đồng/món, nước uống tăng 1.000-2.000 đồng.

"Tăng giá là điều không ai mong muốn. Nhưng vì mọi chi phí đều leo thang nên chúng tôi buộc lòng phải làm vậy. Trước đây một bình gas 12 kg chỉ 340.000-350.000 đồng, nhưng hiện là 480.000-500.000 đồng rồi", chủ quán cho hay.

Khách ghé 4 nhà hàng, chờ hơn 2 tiếng mới được ăn tối ở TP.HCM

Chạy qua 2 trung tâm thương mại, ghé hỏi 4-5 nhà hàng, nhóm bạn 3 người của Vũ Hạ mới tìm được chỗ ăn tối. Trong lúc xếp hàng chờ đợi, cô phải mua tạm bánh tráng để ăn cho đỡ đói.

Chi tiêu trong bão giá

Cuộc khủng hoảng phí sinh hoạt tăng cao đang đặt gánh nặng lên nhiều thế hệ, song những người trẻ dưới 30 tuổi có thể là nhóm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Họ phải cân nhắc các khoản chi tiêu cho thực phẩm, tiền nhà, đi lại, học tập, giải trí. Việc sống độc lập tại đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội chưa bao giờ dễ dàng. Zing Lifestyle giới thiệu những câu chuyện của các bạn trẻ trong thời bão giá, cách chi tiêu và xoay vòng đồng tiền, quản lý tài chính cá nhân để không giảm chất lượng cuộc sống nhưng vẫn cân bằng được việc làm - ăn - chơi.

Huệ Lâm - Đào Phương

Bạn có thể quan tâm