Crazy Rich Asians, show truyền hình ăn khách của Mỹ cuối năm 2018, hay series đình đám của Netflix Bling Empire (Đế chế phô trương) đều có điểm chung là lựa chọn những con nhà siêu giàu ở Singapore hay Trung Quốc làm nhân vật chính.
Theo Dominic Carter, hình ảnh về người châu Á trên phim ảnh đã có hành trình thay đổi lâu dài trong vài thập kỷ. Từ những người lao động chăm chỉ nhưng chịu thiệt thòi, người châu Á siêu giàu và dám "đốt tiền" trở thành biểu tượng mới.
Trong khi giới nhà giàu các nước Trung Quốc hay Singapore được khắc họa với hình ảnh sang chảnh trên truyền thông, không có đại diện nào của Nhật Bản xuất hiện trong các bộ phim về giới siêu giàu châu Á. Thực tế, người Nhật luôn giữ kín sự giàu có của mình.
Giới siêu giàu ở Nhật Bản tránh phô trương về bản thân. Ảnh: @masaharu_fukuyama_official. |
Giàu có lén lút
Trên màn ảnh, nhiều người giàu gốc Á không thèm suy nghĩ đã chi rất nhiều tiền vào những thứ xa hoa như túi xách, trang sức hàng hiệu phiên bản giới hạn, có giá tương đương GDP của một quốc gia nhỏ.
Lấy bối cảnh chủ yếu ở Singapore, bộ phim Crazy Rich Asisans ghi lại cuộc sống của giới siêu giàu ở những resort sang trọng đến các khu nghỉ mát nhiệt đới và nhiều bữa tiệc xa hoa, tạo nên hình ảnh về một lối sống sang chảnh điên cuồng.
Người Singapore siêu giàu không phải hiếm. Theo dữ liệu, cứ 30 người Singapore thì có một người là triệu phú. Quốc đảo nhỏ bé của châu Á vào danh sách những quốc gia có số lượng cá nhân sở hữu giá trị tài sản ròng cao nhất (HNWI).
Theo định nghĩa, HNWI (High-net-worth individual) bao gồm bất kỳ ai có 1 triệu USD trong tài sản có thể đầu tư.
Ở Nhật Bản, không có sự khác biệt lớn giữa người giàu với giới trung lưu về cách ăn mặc, lối sống. Ảnh: AFP. |
Trung Quốc, quốc gia có nhiều người giàu có trong danh sách 100 người giàu nhất thế giới của Forbes, đứng thứ hai trong bảng xếp hạng HNWI ở châu Á.
Việc nhiều phú nhị đại (thế hệ giàu có thứ hai) phô trương sự giàu có đến khó tin trên mạng xã hội khiến nhiều người thậm chí tin Trung Quốc đứng đầu thế giới về tài sản có tính thanh khoản.
Trong khi Trung Quốc xếp thứ 2, Nhật Bản là đất nước có nhiều HNWI nhất châu Á và đứng thứ 2 thế giới, chỉ đứng sau Mỹ. Trên thực tế, cứ 17 hộ gia đình ở Nhật thì có một người sở hữu tài sản ròng trên 1 triệu USD.
Vào năm 2017, HNWI của Nhật Bản trị giá khoảng 2,5 triệu USD và tổng tài sản là 7,7 nghìn tỷ USD. Con số này ở Trung Quốc là 6,5 nghìn tỷ USD.
Dù Nhật Bản là nước có nhiều người giàu nhất châu Á, bộ phim Crazy Rich Asians có nhiều lý do để không chọn nước này làm bối cảnh. Giống như Nick Young (nhân vật chính trong phim), một con nhà siêu giàu được dạy phải luôn khiêm tốn, người Nhật Bản cũng từ chối phô trương sự giàu có của mình.
Thực tế, những người giàu ở Nhật có lối sống, cách tiêu dùng và phong cách ăn mặc giống với đa số người bình thường thuộc tầng lớp trung lưu. Việc che giấu sự giàu có khiến giới thượng lưu Nhật Bản được các phương tiện truyền thông gọi bằng cái tên "những người giàu có lén lút".
Tránh phô trương
Trong quá khứ, Nhật Bản từng là quốc gia giàu nhất thế giới. Trong thời kỳ bong bóng kinh tế của Nhật Bản những năm 1986-1991, việc nhà giàu phô trương hàng hiệu, đốt tiền và du lịch sang chảnh phổ biến hơn hiện nay.
Người giàu ở Nhật Bản sống kín tiếng. |
Khi bong bóng kinh tế vỡ vào đầu những năm 1990, được gọi là thập kỷ mất mát, nền kinh tế suy thoái khiến cuộc sống hào nhoáng cũng vỡ tan như giấc mộng đêm hè. Nhiều gia đình phải thắt chặt chi tiêu.
Trong khi GDP của Nhật Bản đã tăng 7% trong 5 năm qua dưới các chính sách của chính phủ, tiền lương trên thực tế của người lao động đã giảm 4%. Tuy nhiên, từ năm 2010 đến 2017, khối tài sản của các HNWI đã tăng 87%.
Nói cách khác, HNWI là những người hưởng lợi, vì vậy họ không phô trương những gì mình có. Một lý do khác là họ che giấu sự giàu có để giữ cho xã hội hài hòa, điều này tốt hơn cho mọi người.
Nhiều người giàu ở các nước châu Á khác thường trở thành đối tượng bị thúc đẩy mua hàng xa xỉ, ví dụ vị trí hàng đầu trong các show thời trang của Gucci và Chanel. Bạn sẽ khó bắt gặp một người Nhật ngồi ở vị trí này.
Người giàu Nhật Bản đang đầu tư vào các lĩnh vực rất khác nhau.
Nghiên cứu của Dominic Carter cho thấy thế hệ già yếu của Nhật Bản (được gọi là thế hệ Dankai, từ 65 đến 69 tuổi) thích tận hưởng cuộc sống lành mạnh và thuận tiện sau khi nghỉ hưu. Họ cũng quan tâm đến dịch vụ chăm sóc y tế hàng đầu, tu sửa nhà sang trọng và du lịch nghỉ dưỡng.
Thế hệ kế cận là Dankai Junior (sinh từ năm 1970 đến 1979) thích đầu tư vào sức khỏe và tương lai của họ.
Thế hệ này tập trung vào việc chi tiêu nhiều cho sức khỏe và thực phẩm hữu cơ nhập khẩu, giáo dục cho bản thân và con cái, đầu tư vào bất động sản, bảo hiểm, du lịch, làm đẹp và mỹ phẩm theo xu hướng hữu cơ và lành mạnh.