Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mặt tối của xã hội Hàn Quốc bị lột trần trên phim

Nhiều bộ phim truyền hình nổi tiếng đang tô đậm mặt tối của xã hội Hàn Quốc thông qua bạo lực, như một tuyên bố chống lại thế lực nắm quyền cố che đậy bất công.

Cuối bài phát biểu khi nhận giải Kịch bản gốc xuất sắc nhất trong Lễ trao giải Oscar 2020, nhà biên kịch phim Parasite Han Jin-won đã đặt bộ phim của mình trong bối cảnh văn hóa làm phim của Hàn Quốc.

"Giống như Mỹ có Hollywood, ở Hàn Quốc chúng tôi có Chungmuro. Tôi muốn chia sẻ niềm vinh dự này với tất cả người kể chuyện và nhà làm phim ở Chungmuro", ông nói.

Đó là khoảnh khắc nền điện ảnh xứ củ sâm được tôn vinh và công nhận trên trường quốc tế. Hai năm sau, truyền hình Hàn Quốc đã lan rộng trên toàn thế giới, được thúc đẩy bởi việc đầu tư của các công ty vào chương trình của nước này.

xa hoi han quoc tren phim anh 1

Parasite lột trần sự bất bình đẳng trong xã hội Hàn Quốc.

Tương tự Parasite, Squid Game, My Name hay DP đều đại diện cho một xu hướng phát triển của phim ảnh cấp tiến Hàn Quốc. Theo trang Jacobin, các nhà phê bình đã tấn công những bộ phim này vì sự thô tục, nhưng bạo lực mà chúng mô tả lại là tấm gương phản chiếu cho thực tế xã hội nước này.

Thoát khỏi kiểm duyệt

Tháng 2, Netflix thông báo sẽ phát hành 25 chương trình và phim gốc Hàn Quốc trong năm nay, sau kỷ lục khán giả vào năm 2020 của các series Squid GameMy Name.

Những bộ phim này đáng chú ý không chỉ vì lượng người xem ấn tượng mà còn bởi những thực tế chúng phản ánh. Squid Game vẫn là loạt phim được phát trực tuyến nhiều nhất của Netflix, đạt hơn 111 triệu lượt xem tính đến năm 2021.

Nổi bật về mặt phong cách và mang ý thức xã hội, chúng đại diện cho sự khác biệt với truyền hình truyền thống - vốn là phương tiện để chính phủ và các tập đoàn thể hiện và bảo vệ nguyện vọng thương mại của họ.

Bị ràng buộc bởi các quy định nghiêm ngặt về phát sóng, truyền hình Hàn Quốc trong hai thập kỷ qua đã mô tả một xã hội sạch sẽ không có béo phì, tệ nạn hay nghèo đói.

Đằng sau vẻ ngoài thuần khiết và hào nhoáng trên màn ảnh, hệ tư tưởng thống trị ở nước này vẫn chứa đựng sự thù địch với phụ nữ, dân tộc thiểu số và người nghèo.

xa hoi han quoc tren phim anh 2

Với sự kiểm duyệt cứng nhắc, phim ảnh từng tô hồng xã hội Hàn Quốc.

Netflix và các dịch vụ phát trực tuyến khác đã loại bỏ quy định của nhà nước khỏi truyền hình Hàn Quốc đương đại.

Đã có sự thay đổi nền văn hóa đại chúng khỏi sự "kiểm duyệt", phản ánh cách nhà nước Hàn Quốc mong muốn giới thiệu đất nước mình. Kết quả là sự nở rộ của cách kể chuyện thẳng thắn hơn, đối mặt với thực tế của quốc gia.

Sự thành công của Parasite và sự "thay máu" của ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc trong những năm 2000 mang lại góc nhìn tốt hơn về sự chuyển đổi phát sóng hiện nay.

Trưởng thành trong thời kỳ đàn áp và kiểm duyệt nghệ thuật do chế độ độc tài quân sự những năm 1970 và 1980 áp đặt, quá trình trưởng thành của những nhà làm phim như Bong Joon-ho và Park Chan-wook (Oldboy, The Handmaiden - Người hầu gái) trùng khớp với sự phát triển của điện ảnh thành hình thức tuyên truyền.

Tuy nhiên, phần lớn các đạo diễn này rất giống những gì nhà phê bình phim Hàn Quốc Darcy Paquet đã mô tả là "những đứa trẻ không có cha": họ bước vào một ngành công nghiệp trì trệ bởi chính trị thời hậu chiến, vốn được chuẩn bị cho một sự bùng nổ sáng tạo.

xa hoi han quoc tren phim anh 3

Nhiều bộ phim mới bị chỉ trích vì phản ánh thực tế trần trụi.

Chất xúc tác cho sự bùng nổ này là phong trào dân chủ hóa quốc gia vào những năm 1980, khi ​​luật kiểm duyệt được bãi bỏ và việc tài trợ phim chuyển sang các nhà sản xuất độc lập.

Thành quả của nó là những tác phẩm ban đầu của các nhà làm phim như Bong và Park. Chúng đã xác định phong cách quốc gia bằng cách truyền bá điện ảnh đại chúng với những sáng tạo về thể loại và bình luận xã hội sắc sảo.

"Thay máu"

Trong hai thập kỷ qua, truyền hình Hàn Quốc đã phản ánh hình ảnh tô hồng về đất nước.

Chính phủ coi các sản phẩm văn hóa này là một trong những hình thức PR ở nước ngoài hiệu quả nhất. Một cuộc thăm dò năm 2017 của Tổ chức Du lịch Hàn Quốc cho thấy 56% khách du lịch được khảo sát đã chọn đến thăm đất nước này sau khi xem phim truyền hình K-drama.

Ngành công nghiệp truyền hình cũng được hưởng lợi từ trợ cấp hallyu (Làn sóng Hàn Quốc) từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch như một phần quan trọng trong chiến dịch về quyền lực mềm văn hóa.

Mối liên hệ chặt chẽ giữa truyền hình và lợi ích thương mại khiến casting phim trở thành cánh cửa quay vòng của các ca sĩ và idol.

Hình thức dễ đoán và phong cách bóng bẩy của K-drama không phải là biểu hiện tự nhiên của văn hóa Hàn Quốc. Chúng chủ yếu là sản phẩm của luật kiểm duyệt phát sóng cứng nhắc.

xa hoi han quoc tren phim anh 4

Squid Game phô bày mặt trái của xã hội tư bản Hàn Quốc.

Là di sản của các chế độ độc tài quân sự thời hậu chiến, Đạo luật Phát thanh truyền hình Hàn Quốc được viết ra với “mục đích tạo ra sự đoàn kết trong nhân dân”.

Trên thực tế, “sự thống nhất” này có nghĩa là kiểm duyệt hoặc làm mờ các chủ đề nhạy cảm có thể kích động hoặc gây khó chịu, bao gồm súng, hút thuốc, tình dục, sự không chính xác trong lịch sử và các phương tiện truyền thông ám chỉ đến lịch sử đế quốc Nhật Bản.

Năm ngoái, loạt phim mạng nổi tiếng Mr.Queen (Chàng Hậu) đã bị cảnh cáo hành chính sau khi hàng nghìn khán giả giận dữ, gửi đơn khiếu nại liên quan đến một trò đùa bỡn cợt về một cổ vật quốc gia.

Không bị giám sát và kiểm duyệt mạng, các công ty phát trực tuyến như Netflix và kakaoTV đang sản xuất và phân phối chương trình gốc mà trước đây được cho là sẽ không thể thông qua kiểm duyệt phát sóng.

Khi biên kịch kiêm đạo diễn Hwang Dong-hyuk cố gắng giới thiệu câu chuyện của Squid Game vào năm 2008, nó đã bị các công ty sản xuất bác bỏ vì cho rằng kỳ cục và phi thực tế.

Kể từ khi phát hành vào tháng 9/2021, Squid Game đã trở thành bộ phim được xem nhiều nhất trong lịch sử của Netflix. Câu chuyện ngụ ngôn của Hwang về những hậu quả chết người của chủ nghĩa tư bản chỉ là một ví dụ về một phong trào mới của truyền hình Hàn Quốc.

Những bộ phim truyền hình phát trực tuyến nổi tiếng này hoàn toàn thoải mái khi kết hợp bạo lực và câu chuyện chính trị phù hợp. Cực đoan, bạo lực, phê phán chính trị và không rõ ràng về đạo đức là điểm chính của làn sóng truyền hình mới.

Bộ phim truyền hình DP (Truy bắt lính đào ngũ) dùng hình ảnh mô tả lạm dụng và tự sát để bình luận về mối quan hệ của nam giới với nghĩa vụ quân sự. Trong My Name, cảnh bạo lực tình dục là bước ngoặt cho câu chuyện trả thù của một người phụ nữ. Squid Game biến trò chơi của trẻ em thành trò phê bình tư bản.

Các nhà phê bình trong nước lẫn quốc tế đã đặt vấn đề về sự điên rồ và máu me của các series này. Viết cho New York Times, nhà phê bình Mike Hale đã mô tả Squid Game là "sáo rỗng, máu me", trong đó "sự tàn sát không ngừng là đặc điểm dễ nhận thấy nhất của phim".

Đồng nghiệp của Hale, Frank Bruni, lặp lại nhận định này và thêm vào đó là cảm giác hoảng loạn đạo đức. Ở Hàn Quốc, những bộ phim cũng khiến nhiều khán giả lớn tuổi ghê tởm bởi nó miêu tả quá trần trụi và thô tục về các vấn đề của đất nước.

Trong một bài luận cho TIFF, đạo diễn Bong Joon-ho nhận xét rằng đặc điểm nổi bật của phim Hàn Quốc là "sự cực đoan" trong hình ảnh bạo lực - phản ánh những tổn thương về chính trị và xã hội của đất nước.

Giết người và thảm sát không phải là mục đích của những tác phẩm hư cấu này, mà là phương tiện, qua đó các đạo diễn làm nổi bật thực tế bất công và bất bình đẳng. Nói rộng ra, bản thân sự cực đoan của nó là một tuyên bố chống lại thế lực nắm quyền, những người đã tìm cách che đậy những bi kịch và sự bóc lột.

Hội quý cô siêu giàu đam mê săn túi hiệu fake

Trong nhóm săn lùng túi hiệu giả có những người là triệu phú, CEO, nhà đầu tư tài chính. Họ thỏa mãn khi sở hữu một chiếc túi nhái trông thật hơn cả hàng thật.

Đinh Phạm

Bạn có thể quan tâm