Bên cạnh kinh doanh đồ uống, nhiều quán cà phê kết hợp dịch vụ đi kèm như bán sách, hoa... nhằm thu hút khách hàng. Ảnh minh họa: Phương Lâm. |
"Nếu không chiếu phim, tôi khó lòng duy trì cửa hàng", Lê Hằng (28 tuổi), chủ tiệm Vincent Cafe, chia sẻ với Zing.
Mỗi cuối tuần, quán của cô lại tổ chức chương trình chiếu phim nhằm thu hút khách. Các phòng chiếu được đặt kín lịch từ sớm, chủ yếu là các đôi trẻ hẹn hò.
Bên ngoài gian tiếp khách, nữ chủ quán còn trưng bày, bán sách nước ngoài và tác phẩm hội họa. Từng chút lời lãi cộng lại, cô cho đây là cách duy trì doanh thu ổn định.
"Với mỗi khách xem phim, tôi tính mức giá dùng nước 99.000-129.000/ly. Nhiều bạn phàn nàn giá cao, song tôi không có ý định thay đổi. Dù phòng chiếu kín khách, tôi cũng chỉ thu về hơn một triệu đồng/buổi cuối tuần. Giảm giá thức uống là điều bất khả thi với mô hình kinh doanh này", Hằng giải thích.
Quán cà phê của Lê Hằng tích hợp hoạt động chiếu phim, kinh doanh tác phẩm nghệ thuật. |
Quán cà phê bán cả phim ảnh, đồ thủ công
Tương tự Lê Hằng, nhiều chủ quán cà phê thừa nhận không thể tồn tại nếu chỉ bán các sản phẩm đồ uống. Họ lựa chọn kết hợp thêm loại hình dịch vụ như chiếu phim, đạp vịt hoặc làm đồ thủ công nhằm tạo ấn tượng với khách hàng.
Ngoài ra, một số dùng chung địa điểm với gian hàng kinh doanh khác, hoặc thuê mặt bằng trong các khu tổ hợp giải trí nhằm "hưởng sái" lượng khách chung.
Tuy nhiên, để các mô hình tích hợp thực sự mang lại lợi nhuận như mong muốn không phải bài toán dễ dàng.
Quán cà phê Hôm Nay (quận 1, TP.HCM) của anh Anh Tú (34 tuổi) chia sẻ mặt bằng với một cửa hàng nến thơm. Theo chủ quán, đây là phương án tối ưu để giảm bớt phí thuê nhà, giúp duy trì kinh doanh khi tiềm lực kinh tế còn khó khăn.
"Mỗi tháng, tôi tốn khoảng 12,5 triệu đồng cho tiền mặt bằng. Con số này thấp hơn nhiều so với khi còn kinh doanh theo kiểu 'đứng riêng'", anh chia sẻ.
Tuy nhiên, Tú thừa nhận việc kết hợp thực chất không mang lại lợi thế lớn về số lượng khách hay doanh thu.
Tầng trệt của tiệm Hôm Nay dùng để bán cà phê, lầu 1 là cửa hàng nến thơm. |
Khu vực tầng trệt, nơi set-up tiệm cà phê, chỉ có sức chứa 20 người. Khi đón thêm khách tham gia workshop nến thơm, tổng số tăng thêm 8-10 người.
"Không phải ai đến tiệm nến cũng gọi cà phê. Thuê chung địa điểm, tôi phải chấp nhận để khách của người khác ngồi tại quán của mình", anh nói.
Anh cho rằng việc dùng chung địa điểm chỉ là phương án tạm thời của mình nhằm tiết kiệm. Trong thời gian tới, khi đã vững chắc hơn về mặt tài chính, anh sẽ xây dựng quán mới tại mặt bằng độc lập.
Tối ưu mặt bằng, chi phí
Trong khi đó, Tấn Dũng (23 tuổi), chủ quán Le Flaneur Cafe & Bar, lại sẵn sàng chấp nhận bất tiện khi mở cửa hàng trong một khu tổ hợp tại Thảo Điền, TP Thủ Đức, TP.HCM.
Dùng chung sân vườn và hệ thống bàn, ghế trong khuôn viên, không ít lần anh phải loay hoay tìm cách xếp chỗ cho khách trong khung giờ cao điểm. Thậm chí, nhiều người đến uống cà phê phải mua mang về hoặc tự rời đi vì không còn bàn trống.
Tuy nhiên, khi sử dụng không gian sân chung, Dũng không cần tốn bất kỳ chi phí nào cho việc trang trí, thi công hay sắm bàn, ghế. Đồng thời, khoản quảng bá hình ảnh cửa hàng cũng có thể dựa vào đội ngũ marketing của chính khu tổ hợp.
"Theo tôi, mở cửa hàng trong khu tổ hợp là lựa chọn phù hợp với những bạn trẻ mới ra kinh doanh. Nếu chọn được địa điểm tiềm năng, bạn dễ 'hưởng sái' lượng khách hàng lớn và đều đặn. Tôi chỉ cần duy trì mức giá tầm 45.000-80.000 đồng/ly nước thay vì phải đẩy cao như một số hàng quán khác cùng khu vực", Dũng nói.
Theo Dũng, lợi ích thu về được khi kinh doanh tại khu tổ hợp có thể ổn định hơn khi mở quán cà phê độc lập. |
"Bấm bụng, buộc phải chấp nhận" cũng là tâm sự của Nhật Linh (29 tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội) khi quản lý quán cà phê Sipping Bar kết hợp mô hình đạp vịt.
Tại quán anh, vào dịp cuối tuần, khách ghé thăm có thể vừa thưởng thức đồ uống, vừa sử dụng dịch vụ đạp vịt quanh hồ.
Đây chỉ là một trong nhiều hoạt động giải trí được thực hiện tại quán. Các chương trình ca nhạc, workshop cắm hoa, làm nến cũng được triển khai nhằm gia tăng trải nghiệm cho khách ghé thăm.
Điểm nhấn của quán cà phê do Nhật Linh quản lý là các hoạt động như đạp vịt, workshop cắm hoa, làm nến. |
Tuy vậy, để thu về lợi ích như hiện tại, anh và nhân viên phải chấp nhận xử lý nhiều vấn đề lặp đi lặp lại.
Chẳng hạn, vào đợt cao điểm, quán chật vật để kiểm soát lượng khách ra vào. Nhiều khách hàng tỏ ra chán nản khi không gian bên hồ không yên tĩnh, thoáng đãng mà rất ồn ào với nhiều bạn trẻ trò chuyện lớn tiếng, vô tư quay video nhảy múa để đăng mạng xã hội.
"Thỉnh thoảng, chúng tôi phải xử lý các trường hợp mất cắp hoặc người đi câu cá bên hồ làm phiền khách. Những tình huống ngoài ý muốn này phần nào ảnh hưởng đến hình ảnh của quán. Song, đó là điều bắt buộc phải đánh đổi để có vị trí cạnh hồ và hoạt động đạp vịt tích hợp", Nhật Linh nói thêm.
Theo báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực tại Việt Nam năm 2022 được thực hiện bởi iPOS, 99% đơn vị tham gia thừa nhận gặp khó trong khâu vận hành, duy trì và phát triển hoạt động hàng, quán.
"Tệp khách hàng lớn nhất trong thị trường F&B là sự giao thoa giữa cuối Gen Y và đầu Gen Z. Đây là nhóm độ tuổi leader (người dẫn dắt) của thị trường trong tương lai, là những cá thể chuẩn bị và mới bắt đầu tham gia vào thị trường lao động, có tư duy mở.
3 cụm từ tôi có thể mô tả về tập khách giao thoa này là: 'YOLO' (You only live once), 'làm việc từ xa', 'sống có mấy đâu'. Trong các năm tới, chúng ta sẽ chứng kiến nhiều xu hướng ẩm thực sớm nở tối tàn", ông Nguyễn Thái Bình, chuyên gia vận hành F&B chia sẻ.
'Giải oan' cho Gen Z
Tác giả của cuốn sách "Gen Z, Explained: The Art of Living in a Digital Age" (tạm dịch: Giải mã Gen Z: Nghệ thuật sống trong kỷ nguyên số) tin rằng đây là thế hệ lạc quan, có suy nghĩ nghiêm túc dù là người đang đi học, đi làm hay đã có gia đình. Nhóm tác giả cũng bác bỏ tuyên bố rằng thế hệ Z đang trưởng thành quá chậm hoặc thiếu kỹ năng tư duy phản biện. Họ nhận thấy thế hệ này đang phải chịu quá nhiều phán xét tiêu cực.