Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhiều quận, huyện ở Hà Nội ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao

Trước tình hình dịch phức tạp, Sở Y tế Hà Nội đã tới kiểm tra và yêu cầu các địa phương chủ động triển khai biện pháp phù hợp.

Sau khi dịch sốt xuất huyết bùng phát tại khu vực miền Nam trong thời gian qua, số ca mắc tại miền Bắc cũng đang có xu hướng tăng nhanh. Trong đó, Hà Nội, với dân số đông cùng mật độ dân cư cao, cũng cho thấy những dấu hiệu cảnh báo nguy cơ dịch sốt xuất huyết.

Nhiều địa phương có số ca mắc cao gấp 2-3 lần năm trước

Theo thống kê mới đây, tính từ đầu năm đến nay, huyện Thạch Thất đã ghi nhận tổng cộng 73 trường hợp mắc sốt xuất huyết trên địa bàn 10 xã gồm Hương Ngải (12), Thạch Xá (3), Yên Bình (2), Lại Thượng (2), Đồng Trúc (1), Canh Nậu (3), Phùng Xá (47), Chàng Sơn (1), Tân Xã (1), Liên Quan (1).

Địa phương này cũng ghi nhận được 4 ổ dịch. Trong đó, một ổ dịch tại thôn Bùng, xã Phùng Xá, vẫn tiếp tục hoạt động và diễn biến phức tạp. Ba ổ dịch còn lại tại Yên Bình (1) và Hương Ngải (2) đã kết thúc.

Đến nay, 22 trường hợp mắc sốt xuất huyết của huyện Thạch Thất đã khỏi bệnh. 25 trường hợp đang điều trị, trong đó, 6 ca được theo dõi tại các cơ sở y tế, nhóm còn lại tự chăm sóc tại nhà.

Trong bối cảnh đó, sáng 12/9, Trung tâm Y tế huyện Thạch Thất đã phối hợp với UBND xã Phùng Xá điều tra, giám sát và hướng dẫn các hộ gia đình tại thôn 9 tiếp tục vệ sinh môi trường, thu gom phế thải, diệt bọ gậy, phòng chống sốt xuất huyết.

Chiều cùng ngày, địa phương này đã phun khử khuẩn toàn bộ khu vực nguy cơ cao.

Trước đó, báo cáo từ đầu năm đến nay của xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, cũng ghi nhận 51 ca mắc sốt xuất huyết. Trong đó, 50 trường hợp được phát hiện trong cùng một ổ dịch phân bố ở 38 hộ gia đình trong tại thôn Vực. Đây mới là ổ dịch đầu tiên trên địa bàn huyện trong năm 2022.

Theo báo cáo của Trạm Y tế xã Thanh Liệt, thôn Vực có 1.758 nhân khẩu với 530 hộ gia đình. Với đặc điểm địa hình khu vực có nhiều hộ thuê trọ, khu chung cư mini, nhiều bãi đất trống, khu đất đang xây dựng, dọc bờ sông có nhiều phế liệu, phế thải, tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh sinh sôi phát triển. Ca bệnh đầu tiên ghi nhận tại ổ dịch thôn Vực là ngày 1/8 và tính đến nay đã có 50 bệnh nhân.

sot xuat huyet ha noi anh 1

Cán bộ y tế xã hướng dẫn người dân trong thôn Vực xử lý bọ gậy, phòng chống sốt xuất huyết. Ảnh: Sở Y tế Hà Nội.

Đến nay, 48 trường hợp trong số này đã khỏi bệnh. Hai bệnh nhân sốt xuất huyết còn lại hiện được theo dõi và điều trị tại nhà.

Theo Phó trưởng Trạm Y tế xã Thanh Liệt Trần Thị Lệ Dung, để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, Trung tâm Y tế huyện Thanh Trì và Trạm Y tế xã Thanh Liệt đã kích hoạt 11 đội xung kích, mỗi đội gồm 2 người (một cán bộ y tế và một cộng tác viên) triển khai các hoạt động xử lý tại khu vực ổ dịch như vệ sinh môi trường, giám sát các ca bệnh hàng ngày, phun hóa chất xử lý ổ dịch.

Cụ thể, xã đã triển khai 4 đợt vệ sinh môi trường diệt bọ gậy tại khu vực ổ dịch gồm 530 hộ gia đình. Qua đó, xử lý 3.598 dụng cụ chứa nước, trong đó có 98 dụng cụ chứa nước có bọ gậy. Ngoài ra, Trạm Y tế xã Thanh Liệt cũng phối hợp với chính quyền tổ chức 3 đợt phun hóa chất diệt muỗi tại khu vực ổ dịch.

Hay tại huyện Đan Phượng, báo cáo từ đầu năm đến nay, địa phương này ghi nhận 65 ca mắc sốt xuất huyết. Số ca mắc tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2021 (28 ca).

Đáng chú ý, địa phương này đã ghi nhận một ca tử vong tại thị trấn Phùng. Trường hợp này được chẩn đoán và nhận định tử vong do mắc bệnh sốt xuất huyết.

Trong khi đó, lũy kế từ ngày 1/1 đến nay, địa bàn huyện Đan Phượng xác nhận 12 ổ dịch.

Trước tình hình dịch sốt xuất huyết phức tạp, huyện đã thành lập 16 đoàn kiểm tra, giám sát công tác vệ sinh môi trường phòng chống bệnh sốt xuất huyết.

Hàng tuần, các xã, thị trấn có báo cáo đánh giá về chỉ số BI tại địa phương; trung tâm y tế huyện phối hợp với ban chỉ đạo phòng, chống dịch các xã, thị trấn tập trung phun hóa chất tại khu vực có nguy cơ cao; các nhóm, đội xung kích đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường và cách phát hiện và xử lý triệt để các ổ bọ.

Lũy kế từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã thả được 5.227 con cá, sử dụng 319 lọ hóa chất, 2.578 m màn che phủ mặt bể nước không có nắp đậy.

Qua công tác vệ sinh môi trường và giám sát, tổ giám sát đã kiểm tra 202 lượt, 159.776 hộ đã được kiểm tra…

Trong khi đó, ghi nhận của Zing tại một số bệnh viện tại Hà Nội, tiêu biểu là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các trường hợp mắc sốt xuất huyết diễn biến nặng cũng tăng cao.

Theo tiến sĩ, bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trong thời gian qua, số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết diễn biến nặng, phải nhập viện tại khoa Cấp cứu nhiều hơn tuần trước đó.

Chủ động phòng dịch

Trước tình hình thời tiết phức tạp, cũng là cao điểm dịch sốt xuất huyết có nguy cơ lây lan, để chủ động phòng chống dịch bệnh, Hà Nội đã triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết, không để dịch bệnh bùng phát, lây lan rộng trên địa bàn.

Cụ thể, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội phối hợp với trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã triển khai các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết như bố trí nhân lực, thành lập đội phản ứng nhanh kịp thời điều tra vector, xử lý môi trường khi phát hiện ca bệnh; đảm bảo đủ kinh phí, thuốc, vật tư, hóa chất đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch...

Duy trì hoạt động chủ động giám sát, phát hiện bệnh nhân sốt xuất huyết tại cộng đồng và cơ sở y tế; giám sát vector truyền bệnh sốt xuất huyết (giám sát thường xuyên và giám sát trọng điểm).

Về việc triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường, sở chỉ đạo diệt bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết toàn thành phố. Tổng số chiến dịch đã triển khai toàn thành phố đến nay là 875/1.159 (đạt 75%).

Trong khi đó, với chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi phòng chống sốt xuất huyết, thành phố đã thực hiện 31 chiến dịch, tổng số lượt hộ được phun là 37.226/43.937 hộ được khoanh vùng trong khu vực nguy cơ (đạt 84,7%).

sot xuat huyet ha noi anh 2

Việc phòng dịch sốt xuất huyết yêu cầu sự chủ động từ chính người dân cũng như cơ quan chức năng. Ảnh minh họa: ndtv.

Đồng thời, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố phân luồng, tiếp nhận, cấp cứu, điều trị kịp thời các trường hợp mắc sốt xuất huyết; dự trù thuốc, trang thiết bị sẵn sàng điều trị cho người bệnh, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong, giảm biến chứng và giảm quá tải bệnh viện tuyến cuối.

Tại địa phương, mới đây, Trung tâm Y tế quận Cầu Giấy cũng đã tổ chức tập huấn giám sát và phòng chống sốt xuất huyết cho cán bộ y tế.

Tại buổi tập huấn, giảng viên đã trình bày và hướng dẫn các học viên nội dung liên quan công tác giám sát phòng chống sốt xuất huyết như tác nhân gây bệnh, vector truyền bệnh, giám sát dịch tễ, các biện pháp phòng chống dịch như xử lý ổ dịch, phun hóa chất, vệ sinh môi trường…

Các học viên cũng được trao đổi trực tiếp với giảng viên những vấn đề vướng mắc hoặc khó khăn trong công tác phòng chống dịch.

Theo dự báo, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội có nguy cơ bùng phát trong thời gian tới do bắt đầu bước vào mùa dịch theo chu kỳ hàng năm. Số ca mắc nhiều khả năng sẽ tăng nhanh theo từng tuần (bắt đầu tăng từ tháng 7, tăng nhanh trong tháng 8-9 và thường đạt đỉnh vào tháng 10).

Với quy luật tự nhiên, dịch sốt xuất huyết có thể sẽ bùng phát mạnh sau 4-5 năm. Trước đó, năm 2017 dịch sốt xuất huyết đã bùng phát mạnh. Do đó, sau 5 năm là 2022, tình hình dịch sẽ rất phức tạp.

Thời điểm người mắc sốt xuất huyết có thể gặp biến chứng nguy hiểm

Các biến chứng nguy hiểm thường chỉ xuất hiện khi bệnh nhân đã cảm thấy khá hơn, thường vào khoảng từ ngày thứ 3 đến thứ 7 của bệnh.

Quốc Toàn

Bạn có thể quan tâm