Sau sự bùng phát mạnh tại các tỉnh, thành phố phía nam trong thời gian qua, dịch sốt xuất huyết cũng đang diễn biến phức tạp ở khu vực phía bắc sau khi ghi nhận sự gia tăng số ca mắc.
Theo khảo sát tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), cơ sở tuyến cuối tiếp nhận các trường hợp diễn biến nặng ở miền Bắc được chuyển lên từ tuyến dưới, trung bình, cơ sở y tế này tiếp nhận khoảng 3-6 ca/ngày.
Tính tới sáng 31/8, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang điều trị cho khoảng 10 bệnh nhân sốt xuất huyết diễn biến nặng, nguy kịch.
Đáng chú ý, tuần qua có tới 4 trường hợp đã tử vong do mắc sốt xuất huyết diễn biến quá trầm trọng, các biện pháp can thiệp không còn hiệu quả.
Cách xử lý dấu hiệu cảnh báo quyết định tới tính mạng người bệnh
Trao đổi với báo chí, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nhấn mạnh sốt xuất huyết là bệnh lý cấp tính. Do đó, các diễn biến nặng của bệnh, nếu xảy ra, thường rất nhanh chóng.
Ông nêu ví dụ: “Quãng thời gian từ khi có dấu hiệu cảnh báo đầu tiên tới khi xuất hiện tình trạng sốc, nếu không được xử trí phù hợp, đôi khi chỉ kéo dài vài giờ”.
Bệnh nhân sốt xuất huyết nặng được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: CL. |
Từ đây, vị chuyên gia khẳng định tình trạng bệnh nhân sẽ phụ thuộc phần lớn vào quá trình xử lý ban đầu có chính xác và kịp thời hay không.
“Về cơ bản, nếu bệnh nhân được xử lý tốt ở giai đoạn ban đầu trước khi đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các biểu hiện nặng có thể được khắc phục tương đối thuận lợi. Ngược lại, trong các trường hợp không được xử lý ban đầu tốt, nhập viện trong tình trạng sốc rất sâu hoặc suy đa phủ tạng, việc điều trị sau đó sẽ gặp rất nhiều khó khăn”, BS Cấp cho hay.
Liên quan các ca mắc sốt xuất huyết không may tử vong trong thời gian qua, vị chuyên gia nhận định nhiều vấn đề được bộc lộ rõ từ đây.
Cụ thể, nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết có diễn biến rất phức tạp. Lúc này, việc đánh giá và nhận định tình hình của bệnh nhân, từ đó đưa ra giải pháp xử trí phù hợp, gây khó khăn lớn với nhiều bác sĩ.
“Một số trường hợp nhận định tình trạng sức khỏe của bệnh nhân chưa chính xác, dẫn đến xử lý không tốt, khiến bệnh diễn biến nặng hơn”, BS Cấp nói.
Mặt khác, vị chuyên gia thông tin đa phần bệnh nhân sốt xuất huyết nguy kịch, tử vong là các trường hợp lớn tuổi, cơ địa có nhiều bệnh lý nền… Các yếu tố này đóng góp thêm dẫn đến tình trạng bệnh trầm trọng hơn.
Số ca sốt xuất huyết diễn biến nặng tăng cao từ sớm
Liên quan tình hình dịch, BS Nguyễn Trung Cấp cho hay đặc điểm của dịch sốt xuất huyết tại miền Bắc là xuất hiện trong khoảng từ tháng 7 tới tháng 11. Trong đó, đỉnh dịch thường rơi vào khoảng tháng 9, 10.
“Dịch sốt xuất huyết còn có thêm quy luật là càng về cuối dịch, số ca nặng sẽ tăng lên dù lượng người mắc được duy trì hoặc không thay đổi. Đó là thời điểm ngành y tế phải sẵn sàng ứng phó”, vị chuyên gia cho hay.
Tuy nhiên, vấn đề bất thường của năm nay là các ca sốt xuất huyết nặng xuất hiện từ khá sớm. Các chuyên gia hiện nghi ngờ lý do liên quan thời tiết, ảnh hưởng của dịch Covid-19, tỷ lệ bệnh nhân bị bội nhiễm vi khuẩn khác tăng lên khi miễn dịch giảm…
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Thạch Thảo. |
Mặt khác, BS Cấp cũng thừa nhận tỷ lệ tử vong do sốt xuất huyết năm nay cũng cao hơn hẳn quá khứ. Điều này có thể lý giải bằng nhiều nguyên nhân khác nhau như:
Đặc tính của virus hoặc diễn biến bệnh trên quần thể bệnh nhân có sự thay đổi, nhất là sau một giai đoạn dài cộng đồng chống dịch Covid-19, nhiều trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 khiến miễn dịch của người dân thay đổi.
Ngành y tế đang gặp khó khăn khi nhiều cơ sở thiếu thuốc, nhân viên y tế… từ đó ảnh hưởng tới việc điều trị.
Thời gian qua, cộng đồng và ngành y tế quá tập trung vào Covid-19. Một số nơi xuất hiện tình trạng xao nhãng, quên các vấn đề về sốt xuất huyết.
Phân biệt với cúm và Covid-19
Về lý thuyết, triệu chứng của các bệnh lý này khá giống nhau. Tuy nhiên, BS Cấp cho hay đa số bệnh nhân sốt xuất huyết thường sốt rất cao. So với cúm hay Covid-19, thân nhiệt của bệnh nhân thậm chí cao hơn.
Mặt khác, cúm hay Covid-19 đều là các bệnh lý lây nhiễm qua đường hô hấp. Do đó, bệnh nhân thường biểu hiện tại đây với các triệu chứng như ho, đau họng, chảy mũi, hắt hơi…
Trong khi đó, sốt xuất huyết lây qua đường máu do muỗi đốt nên người bệnh thường không có các triệu chứng tại đường hô hấp.
Tuy nhiên, vị chuyên gia nhấn mạnh chỉ những yếu tố này là không đủ để chúng ta chẩn đoán và phân định rõ các bệnh lý nói trên. Bởi vậy, khi có những bất thường về sức khỏe, bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế để thăm khám, làm các xét nghiệm cần thiết, qua đó được chẩn đoán chính xác.
“Nhiều trường hợp đáng tiếc đã xảy ra khi người bệnh sốt thường không nghĩ tới sốt xuất huyết ngay. Thay vào đó, đa phần xuất hiện diễn biến nặng như chảy máu, choáng, sốc mới quyết định nhập viện. Lúc này, khi không được xử lý ban đầu tốt, bệnh nhân sẽ nhanh chóng tổn thương nặng ở nhiều phủ tạng, gây khó khăn trong điều trị”, BS Cấp chia sẻ.
Nhiều trường hợp đáng tiếc khi xử lý các dấu hiệu cảnh báo muộn hoặc chưa chính xác. Ảnh: CL. |
Một vấn đề đáng lưu ý khác với bệnh nhân sốt xuất huyết là quá trình điều trị thường diễn ra liên tục. Bệnh nhân phải được theo dõi sát sao, thậm chí mỗi 5-10 phút.
“Một số cơ sở hiện nay chưa chú ý vấn đề đó. Các bác sĩ xử lý cho bệnh nhân ổn định và cho chuyển lên tuyến trên. Trong quãng đường vận chuyển, chúng ta không đảm bảo được việc theo dõi có thể khiến bệnh nhân tái sốc trở lại, thậm chí xuất hiện biến chứng nguy hiểm”, vị chuyên gia cảnh báo.
BS Cấp cũng nhấn mạnh diễn biến nặng do sốt xuất huyết có thể xảy ra ở mọi nhóm đối tượng, bất kể độ tuổi. Tuy nhiên, mô hình diễn biến bệnh thường khác nhau.
Cụ thể, trẻ nhỏ khi mắc sốt xuất huyết thường gặp tình trạng sốc nhiều hơn, ít xảy ra biến chứng chảy máu nghiêm trọng. Ngược lại, người cao tuổi, có bệnh lý nền có nguy cơ chảy máu nghiêm trọng cao hơn, nhất là những trường hợp có bệnh lý liên quan như loét dạ dày tá tràng, xơ gan, giãn tĩnh mạch… Lúc này, việc xử lý sẽ rất khó khăn.