Sáng tạo độc đáo
Sản phẩm “Hệ thống báo cháy tự động qua Internet” của em Lê Ngô Duy Phong, học sinh lớp 12, THPT Phú Bài (TP Huế) tích hợp chức năng thông báo rò rỉ khí gas, kết hợp với công nghệ hiện đại điện toán đám mây nhằm hạn chế tối đa cháy và các thiệt hại do cháy. Duy Phong chia sẻ, trăn trở trước những vụ hỏa hoạn để lại hậu quả đau lòng, đã tự mày mò sáng chế sản phẩm báo cháy tự động trong hơn 4 tháng.
Các bạn học sinh tranh tài với các sản phẩm tin học. |
Ở lớp 2, khi phát hiện có khói và cháy, hệ thống sẽ tự động gửi tín hiệu đến Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC). Phần mềm sẽ gửi các thông số (nhiệt độ, khói, khí gas) của hiện trường đến Phòng Cảnh sát PCCC để cơ quan này nắm một cách chuẩn xác vị trí, mức độ vụ cháy, nhằm có phương án chữa cháy hiệu quả nhất.
Sản phẩm của Duy Phong được Đại tá Võ Xuân Tư, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đánh giá là sáng tạo, có tính phát hiện và khả năng ứng dụng cao vào đời sống nhân dân.
“Sản phẩm góp phần bảo vệ và giảm thiểu các thiệt hại do cháy gây ra, đồng thời giúp đỡ Cảnh sát PCCC kiểm soát tình hình cháy nổ, đánh giá trực quan các nguyên nhân trước và sau cháy nổ”, Đại tá Võ Xuân Tư nói.
“Hệ thống hỗ trợ và xử lý phương tiện vi phạm an toàn giao thông-ATGT” của em Lê Nhật Hưng (lớp 12A10, Trường THPT Trần Phú) và Nguyễn Tiến Dũng (lớp 11A5, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) cũng là một trong những sản phẩm gây chú ý tại hội thi vì tính thiết thực và khả năng ứng dụng thực tế cao.
“Hệ thống hỗ trợ và xử lý phương tiện vi phạm ATGT” là một hệ thống đèn tín hiệu giao thông thông minh, thân thiện với môi trường. Hệ thống thực hiện các chức năng: Theo dõi và giám sát các phương tiện tham gia giao thông tại ngã tư; phát hiện phương tiện vi phạm ATGT. Đặc biệt, sản phẩm có khả năng nhận dạng thông minh thông tin của chủ xe (họ tên, địa chỉ, giấy đăng ký xe…).
Ứng dụng thực tế cao
Hội thi Tin học trẻ toàn quốc do T.Ư Đoàn chủ trì, Bộ TT&TT, Bộ KH&CN, Bộ GD&ĐT, Đài Truyền hình Việt Nam và Hội Tin học Việt Nam phối hợp tổ chức từ năm 1995. Hội thi là cuộc tranh tài có quy mô lớn nhất, truyền thống lâu năm nhất trong lĩnh vực tin học, nhằm tạo ra phong trào học tập, ứng dụng công nghệ thông tin một cách rộng rãi trong thanh thiếu nhi cả nước, góp phần thiết thực vào việc phát triển nguồn nhân lực, nhân tài trẻ cho đất nước.
Ban Tổ chức Hội thi năm nay đã nhận được 100 sản phẩm sáng tạo (bảng D và bảng E) của 23 đơn vị. Hội đồng chấm Sơ khảo đã chọn 31 sản phẩm xuất sắc nhất để tham dự vòng chung khảo Hội thi toàn quốc.
TS Phạm Ngọc Hùng, Trưởng Ban giám khảo cho biết, năm nay, các sản phẩm tham dự thi đa dạng, nhiều sản phẩm chất lượng tốt, có tính ứng dụng thực tiễn cao. Trong đó, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực giáo dục, giải trí và môi trường.
Công nghệ được sử dụng trong các sản phẩm dự thi khá đa dạng và cập nhật. Các công nghệ hỗ trợ lập trình và lập trình trên các thiết bị di động với nền tảng các hệ điều hành iOS, Android, Windows Phone được nhiều thí sinh sử dụng.
Anh Lê Quốc Phong, Bí thư T.Ư Đoàn, Trưởng Ban Tổ chức Hội thi cho biết, Hội thi Tin học trẻ toàn quốc năm nay có nhiều điểm khác so với năm trước. Ở bảng A, ngoài lập trình LOGO, tạo tệp trình diễn, còn bổ sung nội dung thi trắc nghiệm kiến thức cơ sở về công nghệ thông tin, tư duy suy luận logic.
Bảng D, khuyến khích làm phần mềm sáng tạo với chủ đề “Ứng dụng phục vụ học tập, giải trí”; Bảng D3 (cấp THPT) khuyến khích “Lập trình trên nền Google Android, iOS, Windows Phone cho các thiết bị di động”; Bảng E (Lập trình phần cứng), thí sinh được cung cấp bo mạch để triển khai đề tài (không giới hạn chủ đề).