Đầu năm học, lớp sư phạm văn K15 của ĐH Tây Nguyên có 53 sinh viên nhưng đến nay đã có 11 sinh viên nghỉ học.
Sinh viên Nguyễn Thị Bích Nhi (huyện Krông Ana, Đắk Lắk) vừa nghỉ từ tuần trước. Thi khối C được 21,5 điểm, Nhi nộp hồ sơ vào Trường KHXH&NV (ĐH Quốc gia TP HCM) nhưng không đậu nên có nguyện vọng vào ĐH Tây Nguyên.
Buổi học ngày 3/12 của lớp sư phạm văn K15 khá vắng do có 11 sinh viên nghỉ học - Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Nhi tâm sự: “Thật ra tôi vốn không thích sư phạm nhưng thấy ngành này không mất học phí nên muốn học thử để trải nghiệm cuộc sống sinh viên”.
Sau ba tháng, cảm thấy môi trường không phù hợp nên Nhi quyết định nghỉ để đi học nghề trang điểm.
Còn sinh viên V.T.T.Tr. (huyện Đắk Song, Đắk Nông) thì nghỉ khi mới vào học chính thức được một tuần. Sinh viên này chia sẻ: “Gia đình muốn tôi theo sư phạm nhưng tôi muốn học ngành luật nên quyết định nghỉ để ôn thi lại”.
Trước tình trạng các bạn bỏ học, sinh viên C.T.T. (huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) lo lắng: “Nhiều bạn nghỉ học rồi cả thầy cô cũng nói ngành này khó xin được việc nên tâm lý cả lớp khá nặng nề, đi học không có hứng thú. Sợ rằng bỏ ra bốn năm rồi không đem lại kết quả gì”.
Tại lớp sư phạm toán K15 đã có năm sinh viên nghỉ học trong tổng 57 sinh viên nhập học đầu năm. Sinh viên Ngô Nguyễn Phương Chi (huyện Buôn Hồ, Đắk Lắk) là trường hợp khá đặc biệt khi chuyển từ ngành sư phạm sang ngành y đa khoa từ đầu tháng 11.
Chi giải thích: “Tôi thích ngành y nhưng thi không đậu nên mới học sư phạm. May có đợt Sở Y tế tỉnh liên kết mở thêm lớp y đa khoa nên tôi chuyển qua luôn”.
Lớp sư phạm sinh K15 và lớp sư phạm Anh K15 mỗi lớp cũng có bốn sinh viên nghỉ học. TS Nguyễn Thanh Hưng - Trưởng khoa sư phạm, ĐH Tây Nguyên - cho biết, những sinh viên nói trên nghỉ học giữa chừng, không thông báo với nhà trường nên khoa chưa có số liệu.
“Chúng tôi sẽ cho cố vấn học tập đến làm việc với từng lớp để nắm thông tin cụ thể” - ông Hưng nói.