Mất căn bản về kiến thức và tư duy
Lâu nay giảng viên của nhiều trường vẫn ngán ngẩm vì tình trạng sinh viên lười học. Hậu quả là số sinh viên bị cảnh cáo, buộc thôi học của các trường năm nào cũng có.
Tại ĐH Giao thông vận tải, học kỳ 2 năm học 2014-2015, khóa 54 (năm thứ 3) có đến 196 sinh viên bị cảnh báo, 20 sinh viên bị thôi học; khóa 55 (năm thứ 2) có đến 1.531 sinh viên bị cảnh báo, trong đó có nhiều khoa số sinh viên bị cảnh báo chiếm đến hơn 50% như khoa Kỹ thuật giao thông có 44 sinh viên thì 25 sinh viên bị cảnh báo; khoa Đường sắt đô thị có 27/35 sinh viên bị cảnh báo; khoa Kỹ thuật cơ khí có 81/139 sinh viên bị cảnh báo…
Hình ảnh không hiếm tại các giảng đường đại học. |
Giảng viên Lê Quang Đức - khoa Điện, Điện tử viễn thông, ĐH Giao thông vận tải TP HCM vốn là giảng viên rất nghiêm khắc, từng đuổi nhiều sinh viên ra khỏi lớp vì hỏi cái gì cũng không biết, không hiểu. Theo ông Đức, sinh viên học dốt là do lười, năm 1, năm 2 không chịu tập trung học hành nên dần dần mất căn bản về kiến thức và tư duy, do đó mất luôn sự tự tin và quyết tâm. Nhiều em học năm 3, năm 4 rồi mà vẫn không biết cái gì.
Một sinh viên khoa Địa, ĐH Sư phạm TP HCM thổ lộ: “Tuy nói là có nhiều môn học khó, nhưng phần lớn là do sinh viên lười học. Môn Bản đồ lớp em có tới 33/100 bạn phải thi lại, kế đó là môn Anh văn”.
Lý do lười có rất nhiều: mải chơi game, trốn học đi đánh bài hay mải mê bán hàng kiếm tiền, làm gia sư… Có sinh viên phải thi lại cả 4-5 môn/học kỳ, thậm chí thi đi thi lại, đến mức năm cuối cùng rồi vẫn không thể tốt nghiệp được vì vẫn còn nợ môn.
Một giảng viên giấu tên cho biết, các thầy cô đã rất cố gắng trong việc lên lớp, thậm chí photo bài tập cho sinh viên để giúp các em tiết kiệm tiền, không cần photo cả cuốn giáo trình dày cộm. Thế nhưng các em rất thờ ơ, có em vứt luôn không làm, có em làm xong rồi cũng… vứt mà chẳng cần lưu giữ để làm tài liệu.
Giảng viên này cho biết, phần lớn sinh viên đều quên những kiến thức cơ bản nhất, thế nhưng lại không hề có ý thức hỏi thêm thầy cô, dù luôn được khuyến khích. Ngồi trong giảng đường mà các em chỉ mong hết giờ, ngồi học mà mệt mỏi lắm, rồi ngáp, rồi "vọc" điện thoại và nếu có nhắc nhở thì phản ứng lại hoặc làm cho có.
Đủ loại lý do bao biện
Đại học như là một “thiên đường” với những điều mới lạ khiến nhiều sinh viên mải mê. Các em cho rằng, đã “căng mình” trong 12 năm phổ thông để đỗ đại học rồi thì phải đến lúc được xả hơi, được chơi cho xả láng.
Khác với cách học thời học sinh: thầy cô giảng bài, học sinh phải ghi chép, soạn bài, trả bài, làm bài tập nhiều. Không những thế, trong quá trình học luôn có những bài kiểm tra 15 phút, 1 tiết xen kẽ. Do đó dù muốn hay không đã đi học ai cũng ít nhiều phải lo lắng, tập trung học tập.
Lên đại học cách học thay đổi, nhiều môn học thầy cô không điểm danh, không bắt buộc sinh viên tới lớp, trong giờ sinh viên có thể không ghi bài, không bị kiểm tra bài cũ, kiểm tra điểm thành phần...
Chính cách học mở đó đã tạo điều kiện, "mầm mống" của tư tưởng lười học, bỏ học của nhiều sinh viên hoặc có tới lớp cũng không chú ý, mất tư duy, lười suy nghĩ, dẫn tới cái đầu ít làm việc nên khả năng phân tích, hiểu bài giảm, lâu dần trở nên ngày càng khó tập trung. Thêm vào đó, sinh viên ĐH có cơ hội thi lại lần 2, học trả nợ nếu thi trượt lần 1 khiến không ít sinh viên có tâm lý: miễn thi qua là được, cùng lắm là rớt, thi lại, học lại.
Mai Khoa, một sinh viên thổ lộ: “Ai cũng nói vào đại học, chúng ta không cần quá chăm chỉ học hành như hồi cấp 3. Nhưng chẳng ai nói rằng chăm học, chăm đọc sách lại trở thành một... tội. Các bạn cùng lớp đều lao vào hoạt động xã hội hay làm thêm bên ngoài. Riêng mình cứ lúi húi học tập với hy vọng đạt điểm cao, tích lũy kiến thức đầy đủ trước khi ra trường.
Nhưng cứ thấy mình ngồi học là các bạn lại chế giễu, nói rằng chẳng giống sinh viên chút nào. Thậm chí các bạn ấy còn nói, chưa từng học lại hay thi lại thì không thể được coi là sinh viên. Từ đó, mình cũng lười dần đi, bỏ mất thói quen đọc sách, làm bài tập. Quen rồi, sinh viên mà, phải... lười chứ!”
Bao biện cho thói lười học của mình, nhiều sinh viên chống chế: Học sớm rồi lại quên. Chuẩn bị thi mới dồn sức vào học là kịp, vừa đỡ công học mà không mất thời gian chơi.
Bên cạnh đó còn có nguyên nhân khác như đi làm thêm, dạy kèm, bán hàng tiếp thị … dẫn đến lơ là việc học. Tuy nhiên đó không phải là lý do chính, nguyên nhân ở đây là do sinh viên không chịu tìm tòi sách, tài liệu phục vụ cho chuyên môn của mình dù đã được giảng viên hướng dẫn. Giờ giảng dạy của giảng viên trên lớp không có gì hơn ngoài một cái micrô theo kiểu “mạnh thầy thầy cứ nói”, còn lớp học đông đúc thì “mạnh trò, trò ngủ”.
Giảng viên L.T (ĐH Nông lâm TP HCM) than thở: “Đến cả lớp trưởng mà cũng chỉ cần có 5 điểm đủ để qua môn thì còn biết nói gì nữa. Các em không có ý thức cố gắng, không muốn cố gắng”.