Học phí đại học cao hơn so với thu nhập
Trần Văn Cường, Á khoa đầu vào năm 2014-2015 ĐH Y Hà Nội, hiện là sinh viên lớp Y2 Trường cho hay, với mức tăng học phí mới, mỗi tháng Cường phải đóng 880.000 đồng, chỉ tăng 80.000 đồng so với năm trước.
Nhà Cường thuộc hộ nghèo ở xã Trung Lễ, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), để sống được ở Hà Nội mỗi tháng tiết kiệm lắm Cường cũng phải tiêu tối thiểu 3 triệu đồng, bao gồm tiền thuê trọ 500.000 đồng, tiền ăn 3 bữa, tiền xe đi lại, chi phí in ấn tài liệu, mua sách phục vụ học tập.
Ảnh minh họa. |
Cường chia sẻ, bố bị bệnh nhiều năm nay, mẹ quẩn quanh với vài sào ruộng thì với mức phí như hiện nay, để được đến trường Cường đã phải nhờ sự trợ giúp của một nhà hảo tâm để theo đuổi ước mơ làm bác sĩ.
“Đối với những bạn có ý muốn theo đuổi ngành y, dược mà phải gánh chịu mức học phí hơn 4 triệu đồng/tháng cộng với tiền sinh hoạt phí em nghĩ khiến họ chùn chân, không đủ sức để theo”, Cường nói.
TS Nguyễn Duy Cường, Phó Hiệu trưởng ĐH Y Dược Thái Bình chia sẻ, mâu thuẫn nằm ở chỗ: Mức tăng học phí như hiện nay đối với người học là cao còn đối với trường thu vẫn không thấm vào đâu.
Theo ông Cường, đặc thù của ngành Y phải mua các vật phẩm, trang thiết bị phục vụ cho học sinh học tập, nghiên cứu, thực hành mất rất nhiều chi phí.
“Vì vậy, việc tăng học phí theo lộ trình từng năm là hợp lý. Sinh viên thuộc đối tượng chính sách được miễn, giảm nên không quá lo lắng”, ông Cường nói.
Tuy nhiên, theo Quyết định 1196/2003 của Chính phủ, mức cho vay tối đa đối với mỗi sinh viên là 1,1 triệu đồng/tháng là khá thấp so với tổng chi tiêu cần có cho mỗi sinh viên. Với sinh viên các trường dân lập thì lại càng khó khăn hơn ngay cả khi được hưởng mức vay là 1,1 triệu đồng/tháng.
Khối THPT tăng nhẹ
Ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng phòng Kế hoạch-Tài chính (Sở GD&ĐT Hà Nội) cho hay, với mức điều chỉnh tăng học phí 10%, thành phố Hà Nội đang lập phương án xin ý kiến của UBND thành phố. Tuy nhiên, Hà Nội thường chọn mức đóng học phí thấp nhất, còn lại thành phố sẽ chi ngân sách để đầu tư cho giáo dục.
Cụ thể, những năm học trước, các quận nội thành Hà Nội thu học phí 40.000 đồng/tháng, ngoại thành thu 20.000 đồng/tháng. Học kỳ I của năm học mới, các trường vẫn đang thu học phí theo mức cũ.
Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tây Ninh Đồng Ngọc Lập cho hay, mức thu học phí hiện tại của địa phương đối với khu vực nông thôn 30.000 đồng/tháng; khu vực thị trấn, thị xã là 50.000 đồng/tháng.
Theo ông Lập, với mức thu học phí như hiện nay, không đủ chi cho các hoạt động giáo dục ở trường học tuy nhiên khi điều chỉnh mức đóng học phí, địa phương phải dựa vào tình hình kinh tế của người dân để có mức thu hợp lý, đảm bảo không có chuyện tăng đột biến.
Theo hiệu trưởng một trường THCS tại Hà Nội, nhiều năm nay mức đóng học phí của học sinh khá thấp. Học phí thấp, nhà trường không đủ chi cho các hoạt động vì thế, mới có chuyện nghĩ đủ khoản thu dẫn đến lạm thu.
Theo vị này, việc điều chỉnh học phí là điều cần thiết. PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng Trường Lương Thế Vinh chia sẻ, mức đóng học phí ở trường ngoài công lập như Lương Thế Vinh khoảng 1,2 triệu đồng/ tháng, trong khi các trường ngoài công lập khác thu trên dưới chục triệu đồng thì mức thu học phí hiện hành ở các trường công lập là khá dễ chịu.