Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhịn ăn, bốc vác, làm thuê... vẫn trở thành thủ khoa

98 thủ khoa tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội được tuyên dương năm 2015 là những tấm gương sáng tiêu biểu cho ý chí, nghị lực của tuổi trẻ.

Thủ khoa nhịn ăn sáng

Trần Trọng Biên, Khoa Dược, Đại học Dược Hà Nội là một trong 5 “thủ khoa kép” (vừa thủ khoa tuyển sinh đại học, vừa thủ khoa tốt nghiệp) là một trong những gương mặt ấn tượng được tuyên dương lần này.

Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh gia đình khó khăn, gia đình Biên ở vùng ngoài đê sông La, Hà Tĩnh, nơi rốn bão lũ của miền Trung. Nhà Biên hầu như năm nào cũng bị nước lũ vào nhà.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim và Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng trao bằng khen và biểu trưng cho các thủ khoa xuất sắc.
Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim và Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng trao bằng khen và biểu trưng cho các thủ khoa xuất sắc. Ảnh: Tiền Phong.

“Sống trong điều kiện thiên tai khắc nghiệt, từ nhỏ bọn em đã tập cho mình 'sống chung với lũ'. Nhưng không ít lần thiên tai khiến gia đình em suy kiệt. Có năm nước lũ dâng cao ngập ngang cửa sổ, bao nhiêu lúa gạo, vật nuôi bị cuốn đi hết. Bố mẹ khóc ròng nhưng rồi lại tiếp tục gượng dậy làm lụng để nuôi anh em chúng em ăn học trưởng thành”, Biên bộc bạch. 

Khó khăn càng thêm chồng chất khi năm 2007, bố Biên, nhân lực lao động chính bị tai nạn giao thông gãy chân, mẹ lại thường xuyên ốm đau. Hoàn cảnh đó càng thôi thúc Biên phải nỗ lực học giỏi để thoát nghèo.

Năm 2010, Biên xuất sắc đỗ thủ khoa kỳ tuyển sinh vào Đại học Dược Hà Nội. 5 năm sống ở thủ đô, mỗi tháng bố mẹ chỉ hỗ trợ được 1 triệu đồng, cậu sinh viên nghèo phải chật vật xoay xở để tồn tại. Để tiết kiệm chi phí, Biên xin vào ở ký túc xá của trường, nhịn ăn sáng, buổi trưa ăn bánh mỳ, mỳ tôm thay cơm, tối nhiều bữa cũng nhịn.

“Em ăn mặc đơn giản lắm, hằng ngày có gì mặc nấy, chỉ dành duy nhất một bộ đẹp để mặc những lúc quan trọng”, Biên bộc bạch. Biên cũng thường xuyên đi làm gia sư để kiếm tiền trang trải chi phí.

“Tôi thật sự trân trọng và rất xúc động khi được biết có nhiều em thủ khoa bằng ý chí và nghị lực phi thường đã vượt qua hoàn cảnh vô cùng khó khăn của bản thân và gia đình, tích cực học tập, nghiên cứu với quyết tâm làm chủ tri thức, thay đổi cuộc sống, trở thành một công dân tốt, một người thành đạt”.

Ông Vũ Hồng Khanh - Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội

Cậu học trò nghèo đất Hà Tĩnh khiến bạn bè, thầy cô nể phục với thành tích học đáng ngưỡng mộ khi đạt điểm trung bình chung toàn khóa 8,81 điểm. 10/10 kỳ học Biên đều xuất sắc giành học bổng của trường. 

Cậu cũng đạt được một số học bổng như CJ Pharma, Homtamin, được nhà trường tặng bằng khen gương mặt sinh viên tiêu biểu Đại học Dược, được tuyên dương là Đảng viên trẻ thủ đô tiêu biểu năm 2013.

Biên cho biết, điều quan trọng là mỗi bạn trẻ phải đặt ra mục tiêu phấn đấu cụ thể và xây dựng kế hoạch để thực hiện bằng được mục tiêu đó. Với Trọng Biên, sự bí bức, khó khăn của hoàn cảnh là động lực quan trọng khiến cậu nỗ lực không biết mệt mỏi từng ngày.

“Khi bắt đầu bước chân ra Thủ đô học, em đặt mục tiêu phải học giỏi, trở thành thủ khoa. Em đã chinh phục được mục tiêu đó. Giờ mục tiêu tiếp theo của em là ở lại trường để phát triển con đường nghiên cứu khoa học”, Biên chia sẻ.

Bốc vác, làm thuê lấy tiền ăn học

Sinh năm 1992 chàng trai dân tộc Tày Hà Công Cương (Chiêm Hóa, Tuyên Quang), thủ khoa Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội có vẻ ngoài rắn rỏi, già dặn hơn tuổi. Cương cũng là một tấm gương sáng về sự nỗ lực vươn lên chiến thắng hoàn cảnh.

Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam gặp mặt 98 thủ khoa xuất sắc.
Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam gặp mặt 98 thủ khoa xuất sắc. Ảnh: Tiền Phong.

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo có 3 anh chị em đều học rất giỏi, nhưng vì điều kiện gia đình khó khăn nên chị gái và em gái Cương chỉ học trung cấp và cao đẳng ở quê, Cương được cả nhà ưu ái tạo điều kiện cho xuống Hà Nội học tập.

“Năm 2011, em đỗ vào Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, còn em gái đỗ vào Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Gia đình không thể cùng lúc nuôi hai anh em ăn học ở thủ đô. Em gái đã quyết định nhường phần học cho em. Điều đó khiến em day dứt vô cùng và luôn nhủ lòng mình phải cố gắng hơn gấp bội”.

Xác định tự lập, từ những ngày đầu xuống thủ đô học, Cương làm thêm đủ thứ nghề, từ bưng bê, phục vụ trong quán ăn, làm bảo vệ, trông xe đến bốc vác, phụ hồ..., Cương đều trải qua hết. Suốt 4 năm đại học, Cương không có kỳ nghỉ hè nào. Tết chỉ ở nhà hết ngày mồng 1 rồi lại phải xa nhà. “Em tranh thủ làm thêm mọi lúc, mọi nơi.

Ngày hè việc làm thêm cho sinh viên nhiều nên em tranh thủ ở lại làm. Còn ngày tết thường mồng 2, nhiều nơi khai hội nên em tranh thủ đi làm thêm, có khi là nấu ăn, có khi biểu diễn cho các lễ hội. Ngày tết nhà nhà đang sum vầy vui vẻ, thấy con trai cứ tất tả xách ba lô lên đi, bố mẹ nhiều lúc xót con mà khóc. Những lúc đó, em chỉ biết quay đầu bước đi thật nhanh, sợ mình cũng bật khóc theo”, Cương kể.

Cương tranh thủ học mọi lúc. Lúc nào Cương cũng đeo bên mình một cây sáo, hễ có thời gian rảnh là Cương lấy ra thổi “luyện bài”. Sự nỗ lực phi thường của chàng trai dân tộc Tày đã được đền đáp xứng đáng. Cương là sinh viên xuất sắc toàn khóa học của Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, với điểm học tập toàn khóa đạt 9,52 điểm, trở thành thủ khoa xuất sắc của trường. 

Ngoài ra, Cương còn đạt huy chương bạc về độc tấu, hòa tấu nhạc cụ truyền thống tại Huế năm 2012; huy chương bạc về độc tấu, hòa tấu nhạc cụ truyền thống toàn quốc tại Đà Lạt năm 2014.

Thủ khoa đừng đặt hoài bão phải trở thành ông này, bà nọ

"Các bạn hãy có hoài bão, nhưng đừng đặt ra phải trở thành ông này, bà nọ, phải giàu có. Mục đích làm cuộc sống có ý nghĩa, một trong những ý nghĩa đó là giúp được nhiều người".

http://www.tienphong.vn/giao-duc/nhin-an-boc-vac-lam-thuevan-tro-thanh-thu-khoa-xuat-sac-900463.tpo

Theo Lưu Trinh/Báo Tiền phong

Bạn có thể quan tâm