Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhiều thí sinh bỏ học môn Địa suốt cả năm

Một số sĩ tử thừa nhận đã “buông” môn Địa, dồn sức cho các môn thi đại học dẫn đến điểm thi tốt nghiệp THPT môn này năm nay thấp.

Nhiều thí sinh bỏ học môn Địa suốt cả năm

Một số sĩ tử thừa nhận đã “buông” môn Địa, dồn sức cho các môn thi đại học dẫn đến điểm thi tốt nghiệp THPT môn này năm nay thấp.

 
Thí sinh xem lại bài sau giờ thi môn Địa lý kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013 tại hội đồng thi Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai.

Thí sinh P.T.T., học sinh trường THPT Nguyễn Trãi (Hà Nội), thừa nhận: “Em đã bỏ không học môn Địa từ học kỳ II. Ở lớp vẫn ghi bài nhưng về nhà không học, không ngó ngàng tới vì em nghĩ năm nay sẽ không thi Địa. Nhiều bạn khác cũng có suy nghĩ như vậy”.

Xao nhãng môn phụ

Tương tự, H.C., một thí sinh học trường THPT Tây Hồ (Hà Nội), nói: “Tất cả những bạn có khả năng thi đại học thì đều xao nhãng môn phụ. Sang học kỳ II chúng em mới quan tâm đến các môn có thể sẽ thi tốt nghiệp. Một số bạn chăm chỉ học lịch sử vì cả cô giáo và học sinh đều dự đoán thi sử. Vì thế sau khi công bố môn thi chúng em mới học. Nhiều bạn còn nghĩ “Địa có thể gỡ điểm nhờ atlat nên cũng không đầu tư nhiều”.

Trong khi đó, là học sinh giỏi môn Địa lý, nhưng điểm thi tốt nghiệp THPT môn này chỉ được 5, thí sinh Ngô Hoàng Chiến - học sinh một trường THPT ở TP.HCM - nói đề thi môn Địa năm nay “có nhiều cái bất ngờ”. “Bất ngờ thứ nhất là thông thường học sinh và giáo viên đều quan niệm năm nào đề thi môn Địa cũng ra một vùng trong bảy vùng kinh tế. Lên mạng, tôi thấy nhiều bạn bàn tán là học bảy vùng kinh tế để lấy điểm trước. Đọc đề mới tá hỏa vì không ra phần này” - Chiến kể.

Bất ngờ thứ hai, theo Chiến, trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay học trò đồn đoán với nhau đề Địa sẽ ra một câu về biển, đảo. “Nhưng học sinh chỉ bám vào sách giáo khoa, học kiểu như hãy kể tên những huyện đảo... Cuối cùng, đề vẫn ra về biển đảo nhưng hỏi việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam với các nước láng giềng trong giải quyết các vấn đề về biển, đảo có ý nghĩa như thế nào?”.

Thí sinh “chế tùm lum”

Là giáo viên Địa lý, tham gia hội đồng thi và chấm thi môn Địa lý, cô Ngọc Quý - trường THPT Nguyễn Trãi (quận 4, TP.HCM) nhận định với đề thi Địa lý năm nay, học trò không học bài không thể làm bài được. Theo cô Quý, đề Địa cũng yêu cầu tư duy nhưng rất ít. “Nói suy luận nhưng có trong bài học hết, đáp án cũng lấy trong sách giáo khoa ra” - cô Quý nhận định.

Cô Quý kể khi ở hội đồng thi, học trò ngỡ ngàng khi cầm đề lên. “Tôi cũng ngỡ ngàng - cô Quý nhớ lại - Thường thì học sinh cả nước thường học về bảy vùng kinh tế nhưng đề lại không ra mà cho vô bài thực hành về đồng bằng sông Cửu Long”. Ngoài ra, cô Quý cho rằng đề thi năm nay khiến học sinh không “chế” ra được, không “chém gió”. Cô dẫn chứng: “Câu về biển đảo có trọn vẹn trong bài 42 ở những dòng cuối cùng. Câu này học trò “chế tùm lum” nhưng không có điểm vì “chế” không đúng ý”.

“Tôi đi chấm thi, phần biểu đồ tôi thấy nhiều em được 1,75 điểm là hết mức rồi - cô Quý kể - Phần này và phần bản đồ công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm (chương trình chuẩn - PV), hay bản đồ công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng (chương trình nâng cao - PV) được 2 điểm nhưng thường học trò chỉ được 1,5 điểm. Hai cái này gom lại mới được 3,5 điểm”.

Nhận định về việc điểm thi môn Địa thấp, một số giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn, Kim Liên (Hà Nội) cho rằng: “Nhiều học sinh có lực học khá ở các trường tốp đầu ở Hà Nội lại có điểm môn Địa lý thấp. Tâm lý chung của nhiều em cho rằng “Địa chỉ cần đạt điểm 5 để qua tốt nghiệp nên không cần đầu tư thời gian, dồn sức học các môn thi đại học”.

Xoay quanh câu hỏi về biển đảo:

Đề mở hay không mở?

Câu 3, phần I đề thi tốt nghiệp THPT môn Địa lý năm nay có một câu hỏi yêu cầu thí sinh trình bày ý nghĩa của việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam với các nước láng giềng. Theo dư luận xã hội và một số thầy cô giáo thì đây là câu hỏi mở. Chính vì nhận định này nên một số giáo viên là giám khảo ở Hà Nội băn khoăn khi “câu hỏi mở nhưng đáp án lại đóng”. Đáp án của câu hỏi này chỉ đưa ra ba ý chính, không có kèm theo gợi ý “những trình bày thuyết phục của thí sinh vẫn được tính điểm” (như trong hướng dẫn chấm câu hỏi mở của đề thi ngữ văn).

Tuy nhiên, cũng có một số thầy cô giáo khác lại cho rằng “câu hỏi trên không phải câu mở”. Thầy Vũ Quốc Lịch, giáo viên trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, nói: “Nội dung trả lời cho câu hỏi trên có trong sách giáo khoa”. Đây cũng là lý do khiến một số giáo viên môn Địa cho rằng “câu này không mở”. Trong khi đó trên thực tế, có khá nhiều thí sinh Hà Nội nhận định câu hỏi trên là “mở” nên thoải mái viết theo ý mình. “Có những em viết khá dài, có những ý hay nhưng không thể chấm điểm” - một giám khảo ở Hà Nội nói.

Tuy nhiên nhiều giám khảo chấm thi Địa ở Hà Nội cũng nhận xét: “Theo barem điểm thì câu “biển đảo” chỉ có 1 điểm. Nên cho dù câu hỏi và hướng dẫn chấm có những bất cập thì cũng không phải lý do chính khiến điểm môn Địa của thí sinh Hà Nội sụt mạnh”. Theo thầy Vũ Quốc Lịch, nhiều thí sinh mất điểm bởi câu vẽ biểu đồ do làm sai quy trình.

Tương tự, cô Cao Thị Thu Hồng, giáo viên môn Địa trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM, cho rằng: “Thật ra đề thi môn Địa năm nay không khó, quan điểm cá nhân của tôi là do một số em học lệch. Năm nay đề thi chỉ có một câu hỏi thuộc dạng “mở” về biển đảo. Tuy câu này chỉ có 1 điểm nhưng nhiều em làm không được trọn số điểm mặc dù viết rất hay. Lý do là các em không đi vào trọng tâm của đề. Đề thi hỏi về việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và các nước láng giềng trong việc giải quyết các vấn đề biển, đảo thì có em lại chỉ viết về việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, không nhắc gì đến việc hợp tác. Điều này cho thấy thí sinh không hiểu đề, không có sự tư duy, quá lệ thuộc vào đề cương giáo viên đã soạn sẵn”.

Theo Tuổi Trẻ

Theo Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm