Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đưa Trường Sa - Hoàng Sa vào đề thi đại học Địa lý

Kết thúc môn cuối cùng của đợt 2, sĩ tử khối B, D làm bài rất tốt vì đề Hóa và tiếng Anh không quá khó. Trong khi chương trình chuẩn môn Địa khối C đề ra liên quan đến đến Trường Sa - Hoàng Sa.

Đưa Trường Sa - Hoàng Sa vào đề thi đại học Địa lý

Kết thúc môn cuối cùng của đợt 2, sĩ tử khối B, D làm bài rất tốt vì đề Hóa và tiếng Anh không quá khó. Trong khi chương trình chuẩn môn Địa khối C đề ra liên quan đến đến Trường Sa - Hoàng Sa.

>> Đưa sự mê muội thần tượng vào đề Văn đại học
>> Buổi thi thứ 2 các khối B, C, D: Nhiều thí sinh ra sớm

Môn Địa lý: Đề thi thú vị

Đề thi Địa lý có câu hỏi về các huyện đảo Việt Nam thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nào. Câu hỏi được chính các thí sinh đánh giá là dễ, nhưng các thí sinh ra sớm ở Hội đồng coi thi trường ĐH KHXHNV (ĐHQG Hà Nội) lại không mấy tự tin với câu trả lời.

Xem đề thi và gợi ý đáp án môn Địa lý khối C, tiếng Anh khối D , Hóa học khối B

"Đề khá dễ, em làm được 60-70% bài thi" - Đặng Ngọc Tùng, quê Thái Nguyên cho biết.

Toàn Thị Tuyết, quê Nam Định, thi vào khoa Du lịch, trường ĐH KHXH&NV cho rằng: "Đề thi môn Địa lý khá vừa tầm và không dài. Em chỉ làm 4 trang. Có lẽ, câu khó nhất là câu 1, hỏi về hoạt động bão ở nước ta, sau đó phải giải thích sự khác nhau của mùa mưa ở miền Bắc và miền Nam. Câu bài tập thì đề thi đã nói rõ là vẽ biểu đồ gì nên em không gặp khó khăn. Dự đoán em được khoảng trên 7 điểm".

"Em thấy đề thi khá dễ, không hóc búa nhưng câu biểu đồ hơi khó vẽ vì em chưa được luyện loại biểu đồ này. Em làm được khoảng 8 trang, dự đoán khoảng 6-6,5 điểm. Môn lo nhất của em là môn Sử vì khả năng điểm không cao" - Trần Đức Trung, quê Nam Định chia sẻ.

Thí sinh kết thúc bài làm môn Địa lý tại Hà Nội. Ảnh Lê Hiếu.

Riêng câu hỏi về biển đảo Việt Nam, có hai ý hỏi. Phần đầu yêu cầu thí sinh chứng minh thế mạnh khoáng sản và sinh vật biển của nước ta. Phần thứ hai, đề bài đưa ra yêu cầu thí sinh phải chỉ ra các đảo, quần đảo cho trước thuộc phạm vi hành chính của tỉnh, thành phố trực thuộc TW. Câu hỏi không khó, không đánh đố nhưng đáng tiếc rằng, khá nhiều thí sinh không trả lời được hoặc không chắc chắn.

"Đề thi khá dễ, em nghĩ mình sẽ được trên 6 điểm. Nhưng về câu hỏi các đảo, quần đảo thuộc tỉnh nào em không trả lời được hết. Em chỉ trả lời được câu hỏi về Trường Sa, Hoàng Sa, còn về Vân Đồn và Cồn Cỏ thì em không trả lời được" - Trần Phương Thảo, THPT Trương Định, Hà Nội nhận xét.

Bạn Nguyễn Thị Yến, quê ở Thái Nguyên trả lời: "Trường Sa là ở Khánh Hoà, Hoàng Sa thì em không nhớ chính xác nên không có câu trả lời. Các huyện đảo còn lại em cũng không biết. Nên em chọn làm câu hỏi phần nâng cao. Dự đoán được trên 5 điểm".

Một thí sinh tự do đến từ Hà Nội, bạn Trần Ngọc Thuý cho biết: "Các đảo và quần đảo khác em không trả lời được, còn Trường Sa thì ở Khánh Hoà. Tính cả bài em làm được ba câu, dù sao đề cũng khá dễ nên có lẽ sẽ được trên 6 điểm".

"Em chắc Trường Sa ở Khánh Hoà nhưng Hoàng Sa và các đảo còn lại em không chắc lắm" - Hà Thị Thanh Tùng, quê Yên Bái chia sẻ.

Về câu hỏi biển đảo này, bạn Nguyễn Thị Yến, quê ở ngoại thành Hà Nội cho rằng: "Câu hỏi này khá thú vị, đòi hỏi thí sinh phải tư duy và có kiến thức thực tế. Em biết được Hoàng Sa ở Đà Nẵng, Vân Đồn ở Quảng Ninh và Cồn Cỏ ở Quảng Trị. Về Trường Sa thì em không nhớ".

Thí sinh khối C đã có 3 môn thi khá căng thẳng, mỗi môn đều 180 phút. Ảnh Lê Hiếu

Thí sinh thi khối C tại TP.HCM cũng ở tình trạng tương tự.

Ở điểm thi trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng của ĐH  KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM), nhiều thí sinh hoàn tất bài thi khi vừa kết thúc 2/3 thời gian làm bài. Đề thi môn Địa lí được các thí sinh đánh giá là khá vừa sức.

Huyền Trang, một thí sinh thi vào khoa Tâm lý hoàn thành phần thi khá sớm và cho rằng đề dễ. “Đề khá dễ làm, chủ yếu là lý thuyết, đều nằm trong phần em đã ôn kĩ”. Thí sinh Nguyễn Thị Hòa (tỉnh Yên Bái)  thì cho biết mình gặp một chút khó khăn khi không được sử dụng Atlat. Ở phần đề riêng, Hòa chọn Nâng cao vì không nhớ rõ lắm vị trí của các huyện đảo Trường Sa, Hoàng Sa, Vân Đồn và Cồn Cỏ.

Trong khi đó, bạn Nguyễn Thị Huyền đến từ tỉnh Đắk Lắk nói câu hỏi ở chương trình Chuẩn là câu mà mình đã thuộc lòng nên làm rất dễ dàng. Huyền cho biết mình có thể đạt được 7-8 điểm.

Phần yêu cầu vẽ biểu đồ năm nay có chủ đề về sản lượng và giá trị thủy sản của nước ta trong giai đoạn 2005 -2010. Hầu hết các thí sinh tại đây trả lời rằng đã chọn biểu đồ cột chồng kết hợp với đường để thể hiện bảng số liệu đề đưa ra.

Môn Hóa: có tính phân loại cao

Sáng nay, 10/7 sau gần 2 tiếng làm bài thi môn hóa học, môn thi cuối cùng của khối B trong đợt 2 của kỳ thi tuyển sinh hệ Đại học, các thí sinh đều thở phào nhẹ nhõm vì đề hóa vừa sức và dễ kiếm điểm. Tuy nhiên, để có thể đạt điểm tối đa đòi hỏi thí sinh ngoài việc bám chắc kiến thức sách giáo khoa cần có kỹ năng làm các bài tập nâng cao.

Tại TP.HCM, thí sinh Lê Thị Xuân Thu (Mộ Đức, Quảng Ngãi), tại điểm thi Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật cho rằng: Đề thi không quá phức tạp và rất dễ lấy điểm. Nếu so sánh các đề thi những năm trước, thì năm nay có phần đơn giản hơn, thí sinh không phải tính toán quá nhiều. 

Cùng chung nhận định đó, thí sinh Vũ Văn Bình (Kim Sơn, Ninh Bình) cũng thừa nhận: Với sức học tập thuộc loại trung bình khá, thì lấy được 5-6 điểm là điều quá đơn giản. Còn nếu học lực loại Khá thì điểm 8-9 cũng không quá khó khăn. 

Tuy nhiên, đề thi môn Hóa cũng có một số câu khó khiến nhiều sĩ tử "khổ sở" là 9, 19, 21, 34, đòi hỏi thí sinh phải tính toán nhiều, khá phức tạp. 

Kết thúc môn thi cuối cùng của đợt thi ĐH lần 2 tại TP.HCM, hầu hết các sĩ tử đều rất cẩn thận và sau khi làm bài xong, đều tập trung rà soát, kiểm tra lại, không có thí sinh nào ở các điểm thi như: ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Nông lâm, ĐH Công nghệ Thông tin….bước ra khỏi phòng thi sớm.

"Đây là cơ hội cuối cùng để khẳng định mình có khả năng đạt điểm cao hay không, vì thế nếu chủ quan làm được bài ra sớm hoặc không làm được nhưng cũng bước ra khỏi phòng thi là điều tối kỵ. Ngay như chính em, dù đã hoàn thành bài thi trước 30 phút nhưng cũng không dám ra ngoài" - thí sinh Nguyễn Thành Long (Đồng Nai) cho biết.

Tại điểm thi Đại học KHXH&NV TP.HCM, thí sinh Lê Thị Hiếu, tỉnh Bình Thuận cho biết đề thi môn Hóa học khối B dễ hơn so với khối A, đặc biệt là ở phần lý thuyết. Hiếu nói: “Em làm môn Hóa suôn sẻ hơn hẳn so với khối A. Không biết là đề có “mẹo” gì không, nhưng ở các bài tập thì em đều tính ra đáp án khá dễ dàng. Em làm được khoảng 70% ở đề này. Đề Toán hôm qua thì khó quá, nhưng làm xong môn Hóa em thấy rất thoải mái”. Lê Thị Hiếu thi vào ngành Tâm lý học, trường Đại học KHXH&NV.

Thí sinh Huỳnh Chí Hùng (Trung tâm GDTX quận 5, TP.HCM ) cũng cho rằng đề khối B dễ hơn đề khối A, nhưng Hùng gặp khó khăn nhiều ở phần bài tập. “Em chỉ dám chắc khoảng 50% đề”, Hùng nói. Đỗ Thị Thảo Linh, một thí sinh đến từ tỉnh Đồng Nai cũng cho rằng bài tập ở cả hai phần hữu cơ và vô cơ đều khó, nhưng đề nhìn chung nhẹ nhàng hơn so với đề khối A.

Nhiều thí sinh tại điểm thi này tự tin với điểm số 6-7 cho môn Hóa học luôn được xem là môn "nặng" nhất của khối B.

Thí sinh bước ra khỏi phòng thi sau môn Hóa học tại trường Đại học Y Hà Nội. Ảnh Lê Tú

Tại Hà Nội, thí sinh thi khối B cũng kết thúc khá nhẹ nhàng. Bước ra khỏi phòng thi đầu tiên ở điểm thị tại trường Đại học Y Hà Nội, thí sinh Nguyễn Công Vượng (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Đề thi năm nay tương tự với năm ngoái. Em đã ôn luyện trước khi đi thi đại học nên toàn bộ số câu hỏi trong đề ra đều làm được. Trong số 50 câu, có 5 câu thuộc dạng nâng cao để phân loại thí sinh. Hay nhất trong đề thi này có lẽ là câu hỏi về “Hỗn hợp chất KST”.

Bạn Trần Thị Mai, đến từ Hưng Yên chi sẻ: “Trong ba môn thi, môn Hóa em thấy là môn dễ kiếm điểm nhất với những câu hỏi không quá khó, hôm qua môn Toán em làm không được tốt nhưng bù lại môn hóa em làm được hết các câu hỏi đặt ra trong đề, hy vọng năm nay em sẽ đỗ dược vào trường Đại học Y Hà Nội”.

Kết thúc kỳ thi, trao đổi nhanh với PV, thầy Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội cho biết, năm nay trường Đại học Y có 22 điểm thi, tất cả đều diễn ra hết sức nghiêm túc. Đã có 14.455 thí sinh đến dự thi, đạt 73,7% trong tổng số thí sinh nộp hồ sơ đăng ký. Vẫn như hàng năm, chỉ tiêu của trường năm nay lấy 1.000 thí sinh”.

Thầy Nguyễn Đức Hinh cũng cho biết, tính đến thời điểm hiên tại, mới chỉ có duy nhất một trường hợp thí sinh dự thi vào Đại học Y Hà Nội bị đình chỉ thi do mang điện thoại vào phòng thi.

Trong khi đó, thí sinh thi khối C vẫn tiếp tục làm bài cuối cùng là môn Địa lý.

Đề thi tiếng Anh dài, nhưng không quá khó

Tại điểm thi Đại học KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM), thí sinh Lư Trương Kim Uyên, THPT Marie Curie cho biết đề thi tiếng Anh khối D khó hơn so với đề khối A1. Hai bài đọc về giao thông Anh – Mỹ và cách học khá dài, đòi hỏi phải hiểu toàn bài mới trả lời được.

Đồng tình với ý kiến này, thí sinh Nguyễn Vinh Tuấn, THPT Hùng Vương, quận 5 cho rằng các bài đọc trong đề không có quá nhiều từ vựng, nhưng cách đặt câu hỏi thì hoặc là hỏi vào chi tiết rất nhỏ, hoặc là mẫu câu “Từ bài đọc này có thể suy ra điều gì”. “Nếu không hiểu hết ý nghĩa của toàn bài đọc thì rất khó để làm đúng”, Tuấn nói.

Đề thi môn Tiếng Anh khối D gồm có 7 trang với 80 câu hỏi. Các dạng đề trong bài không mới, vẫn nằm ở các phần như chia động từ, sửa lỗi, viết lại câu, bài đọc, điền từ…Hai bài đọc có dung lượng khá dài và chiếm ¼ số câu hỏi trong đề. Có 5 câu trong đề yêu cầu thí sinh phải hiểu nghĩa của từ vựng để tìm từ đồng nghĩa/trái nghĩa, nhưng theo các thí sinh, những câu này không khó.

Một số hình ảnh thí sinh sau khi kết thúc buổi thi cuối cùng:

Giám thị đứng tại hành lang HV Báo chí và Tuyên truyền (Hà Nội) khi thời gian làm bài còn 30 phút. Ảnh Lê Hiếu.
Sau hai môn thi đầu tiên, sáng nay các sĩ tử tỏ vẻ khá căng thẳng, tuy nhiên hầu hết đều làm được bài. Ảnh Lê Hiếu.
 
Theo sĩ tử này, đề năm nay khá dễ, không đánh lừa thí sinh như mọi năm. Ảnh Lê Hiếu.
Theo các sĩ tử, khó nhất là phần vẽ biểu đồ, nhưng hầu hết đều làm được. Ảnh Lê Hiếu.
 
 
 Một thí sinh khuyết tật tại hội đồng thi HV Báo chí và Tuyên truyền. Ảnh Lê Hiếu.
 
 Phụ huynh cũng mệt mỏi với các thí sinh do thời tiết nắng nóng. Ảnh Lê Hiếu.
 
 Số ít đứng "chém gió" chờ con mình làm bài xong. Ảnh Lê Hiếu.

Thí sinh bước ra khỏi điểm thi Đại học KHXH&NV (TP.HCM) với đa phần tâm trạng khá hồ hởi. Ảnh Đặng Sinh.
Phụ huynh đã kết thúc những ngày vất vả chung sức cùng sĩ tử. Ảnh Đặng Sinh.
Thí sinh Hoàng Việt, Trung học Quốc tế Á Châu, TP.HCM bị đau chân do tai nạn lao động cho biết: Đề thi môn Ngoại ngữ dài nhưng không quá sức. Ảnh Đặng Sinh.
Nét căng thẳng vẫn xuất hiện trên nhiều gương mặt của thí sinh khi vừa trải qua một kỳ thi dài và khó khăn. Ảnh Đặng Sinh.
Đội sinh viên tình nguyện Tiếp sức mùa thi đưa thí sinh qua đường kết thúc một mùa thi nhiều điều đáng nhớ. Ảnh Đặng Sinh.

Nhóm Phóng viên

Theo Infonet

Nhóm Phóng viên

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm