Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhiều tiệm cà phê nước ngoài không nhận khách trẻ em như quán Đà Nẵng

Không chỉ quán cà phê ở Đà Nẵng, quy định không nhận phục vụ khách hàng dưới một độ tuổi nhất định cũng được nhiều nơi trên thế giới áp dụng, còn gọi là "no kids zone".

Quán cà phê ra thông báo ngưng nhận khách dưới 12 tuổi hút ý kiến tranh luận. Ảnh: Dream House Coffee.

Thông báo ngưng nhận khách dưới 12 tuổi của Dream House Coffee, quán cà phê tại Đà Nẵng, đăng tải trên fanpage hôm 14/12 đang thu hút nhiều sự chú ý và tranh luận trên mạng xã hội.

Nhiều bình luận bênh vực, cho rằng quán tôn trọng và muốn bảo vệ không gian cho nhóm khách hàng mục tiêu. Tuy nhiên, không ít người nhận định thông báo này mang tính thiếu tôn trọng khách, đồng thời câu từ sử dụng chưa khéo léo, phù hợp.

"Khi đưa ra quyết định này, quán cũng lường trước được sự việc và dư luận sẽ chia thành 2 luồng ý kiến. Song vì mục đích cuối cùng chúng tôi hướng đến là không gian thư giãn để làm việc và trò chuyện cùng nhau nên đã ra quyết định như vậy", đại diện Dream House Coffee chia sẻ với Zing.

Tranh cãi

Thời gian qua, có không ít nhà hàng, quán cà phê hay cơ sở kinh doanh dịch vụ đi theo mô hình co-working space hay chú trọng không gian nhẹ nhàng cho khách hàng xuất hiện. Nhóm khách những cơ sở này nhắm tới phần lớn là học sinh, sinh viên, người đi làm, tìm đến không chỉ để chuyện trò mà còn làm việc, học tập.

Vì vậy, nhiều dân mạng cho rằng quán cà phê ở Đà Nẵng có quyền lựa chọn tệp khách nhắm đến phục vụ, phù hợp với mục đích kinh doanh.

“Đối với người thích yên tĩnh và có không gian thoải mái thì mình đồng ý với bài đăng này. No kids zone (tạm dịch: Khu vực hạn chế trẻ em - PV). Người nào hợp thì tới, không hợp thì đi thôi. Sau thông báo này, khách nào thuộc tuýp stress khi nghe tiếng ồn, la của trẻ con lại thích tới”, tài khoản Mie Nguyen viết.

ca phe khong tre em anh 1

Quán cà phê ngưng nhận khách dưới 12 tuổi từ 14/12. Ảnh: Dream House Coffee.

Một số phụ huynh có con nhỏ cũng thể hiện sự cảm thông với quyết định của quán, thừa nhận đôi lúc cảm thấy ngại khi con lỡ làm ồn ở không gian công cộng hay quán cà phê, ăn uống.

“Tôi có con và tôi cũng ủng hộ quán. Đưa con tới nơi mọi người cần yên tĩnh, thư giãn nói chuyện với nhau mà con cười giỡn, khóc lóc quấy phá thì bản thân nếu không quản được con cũng ngại mà ra về. Nếu mọi người muốn đưa con đi thì phải giữ được con, hoặc chọn quán khác có khu vực cho trẻ”, Nguyễn Đỗ Hằng bình luận.

Trong khi đó, nhiều người tỏ ra bức xúc trước thông báo, cho rằng quán có thể sử dụng ngôn từ khéo léo hơn thay vì có phần gay gắt, “giận dỗi” như vậy để không làm mất lòng khách.

ca phe khong tre em anh 2

Nhiều trẻ nhỏ được bố mẹ đưa tới cùng các quán cà phê, nhà hàng, không gian công cộng. Ảnh minh họa: Gody.

“Quán không nhận khách dưới 12 tuổi thì đó là quyền của quán, mình không phủ nhận. Nhưng ở trong ngành F&B nơi khách hàng là thượng đế mà viết bài kiểu dằn mặt khách như vậy, tới cả câu cơ bản như ‘mong quý khách hàng thông cảm vì sự bất tiện này’ cũng không có thì quán hơi ‘dở’ rồi”, Lê Hương Quỳnh nhận xét.

No kids zone

Tại một số quốc gia, việc giới hạn độ tuổi của trẻ hoặc đưa ra các quy định liên quan nhằm đem lại trải nghiệm tốt cho những người khác đến sử dụng dịch vụ không còn là điều lạ, đặc biệt ở Hàn Quốc.

Từ năm 2014, nhiều điểm kinh doanh dịch vụ (không phải quán rượu hay các cơ sở giải trí) ở Seoul, Busan hay Jeju đã treo biển “no kids zone” - khu vực hạn chế trẻ em. Quy định này được cho bắt nguồn từ một sự cố vào năm 2012, khi một người mẹ đăng lên mạng việc con mình bị một phụ nữ làm đổ canh nóng vào mặt gây bỏng khi đi ăn nhà hàng, theo Creatrip.

Ban đầu, bà mẹ nhận được nhiều sự đồng cảm song dư luận nhanh chóng xoay chiều sau khi đoạn phim ghi lại vụ việc từ camera an ninh nhà hàng được lan truyền. Hóa ra, đứa trẻ chạy nhảy quanh nhà hàng, bất cẩn va vào người phụ nữ rồi bị thương.

Một nhà hàng Pháp cao cấp nằm phía nam thủ đô Seoul thậm chí ra quy định không phục vụ thực khách có đi kèm trẻ em vào thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần từ khi mở cửa năm 2007. Oh Se-deuk, chủ nhà hàng, cho biết anh làm vậy sau khi chứng kiến nhiều đứa trẻ nghịch ngợm, chui xuống gầm bàn người khác. Anh cũng cho hay nhóm khách chính của nhà hàng là doanh nhân.

Còn đối với Kim Chi-ho, chủ quán My Coffee ở thành phố Seongnam, vì muốn đảm bảo không gian yên tĩnh cho học sinh, sinh viên tới ôn bài - nhóm khách chủ yếu của quán - anh quyết định đặt tấm biển thông báo không tiếp nhận khách hàng nhỏ tuổi.

Theo một cuộc khảo sát của Embrain, gần 75% người trẻ xứ củ sâm ủng hộ việc hạn chế trẻ em ở một số nơi công cộng. Hơn 66% đồng ý việc các nhà hàng và quán cà phê không tiếp nhận trẻ nhỏ.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy 65,8% phụ huynh có con dưới 13 tuổi cảm thấy lo lắng về việc những đứa trẻ của mình có thể làm phiền người khác tại nhà hàng và quán cà phê. Họ cũng cảm thấy bất tiện khi một số nhà hàng có các đồ dùng không phù hợp với con như ghế quá cao hay thìa quá lớn.

Cuối tháng 8, nhà hàng Angie's Oyster Bar and Grill ở Singapore cảnh báo khách hàng sẽ bị tính phí 10 SGD nếu để trẻ em đi cùng la hét và quậy phá. Trước đó, quán nhận được “nhiều lời phàn nàn về việc trẻ em chạy lung tung mà không được trông nom hoặc làm phiền người khác”.

Trả lời Channel News Asia, nhà hàng cho biết kể từ khi thực hiện chính sách ăn uống mới, có ít phàn nàn hơn về việc trẻ em cư xử không đúng mực trong không gian của họ.

Tại một số nước châu Âu, mô hình quán cà phê “Adult-only”, dành riêng cho người trưởng thành, cũng được nhiều người ưa chuộng.

Tuy nhiên, những người phản đối cho rằng các khu vực hạn chế một nhóm khách nhất định là biểu hiện của phân biệt đối xử, ví dụ ở trẻ em là dựa trên tuổi tác. Thay vào đó, các cơ sở kinh doanh dịch vụ nên hướng đến việc yêu cầu các bậc cha mẹ kiểm soát con mình và bởi không phải đứa trẻ nào cũng ngỗ ngược, quậy phá.

Ví dụ, thay vì cụm từ “hạn chế trẻ em”, một số hàng quán ở Hàn Quốc sử dụng cụm “khu vực hạn chế phụ huynh xấu”, nhấn mạnh trách nhiệm của người lớn đi cùng.

Giới trẻ Hà Nội rủ nhau ăn kem, ngô khoai nướng ngày rét mướt

Ngày cuối tuần đầu tiên của đợt rét, An (sinh năm 2004) và nhóm bạn ghé hàng kem ở Hồ Tây sau khi ăn lẩu, trước khi tìm đến quán ngô, khoai nướng cho “tăng 3”.

Nhà có nhiều cột

Bình đẳng giới không phải là đưa phụ nữ ra khỏi nhà và đẩy đàn ông quay trở lại căn bếp. Xã hội nên là nơi mọi cá nhân được tôn trọng, tự do phát triển và đối xử bình đẳng bất kể thuộc giới tính nào. Mục Đời Sống giới thiệu tới độc giả cuốn Nghĩ bình đẳng, sống bình đẳng. Tác phẩm được hy vọng mang đến cho người đọc những nhận thức cơ bản về vấn đề bình đẳng giới và chất liệu cho các thảo luận về giới và thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam.

Mai An

Bạn có thể quan tâm