Địa phương đầu tiên phát sóng chương trình dạy trực tuyến thông qua sóng truyền hình là Sở GD&ĐT Đồng Nai, phối hợp Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai thực hiện.
Trong đó, khối 9 được ôn tập 3 môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh; còn khối 12 được ôn tập 9 môn gồm Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử và Giáo dục công dân.
Chương trình ôn tập bắt đầu được phát sóng liên tục đến khi học sinh đi học trở lại trên kênh Đồng Nai 1 và chiếu lại trên kênh Đồng Nai 2 vào hôm sau.
Lịch phát sóng các chương trình dạy học trên sóng truyền hình Đồng Nai. |
Mới đây, Sở GD&ĐT tỉnh An Giang cũng thông báo phát sóng chương trình ôn tập trên truyền hình trong thời gian học sinh nghỉ học do dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, Sở GD&ĐT tỉnh An Giang phối hợp Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang tổ chức sản xuất và phát sóng chương trình ôn tập kiến thức học kỳ I, năm học 2019-2020 dành cho học sinh lớp 9 (các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh) và học sinh lớp 12 (các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử, Giáo dục công dân).
Chương trình được phát sóng bắt đầu từ ngày 24/2. Ngoài ra, chương trình còn được đăng tải trên website của Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang và Cổng thông tin điện tử sở GD&ĐT.
Lịch phát sóng chương trình học trực tuyến của Sở GD&ĐT tỉnh An Giang. |
Tương tự, ngày 21/2 Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Long đưa ra thông báo lịch phát sóng chương trình ôn tập kiến thức môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh trên sóng truyền hình Vĩnh Long.
Các môn học được tổ chức dạy trên truyền hình là Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh dành cho học sinh lớp 9 và lớp 12.
Chương trình học trực tuyến học của tỉnh Vĩnh Long sẽ được bắt đầu từ ngày 24/2. |
Ngày 20/2, Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam có văn bản kiến nghị Thủ tướng cho phép dạy học trên truyền hình ở quy mô toàn quốc trong mùa dịch Covid-19.
Hiệp hội cho rằng việc học sinh, sinh viên nghỉ học trong mùa dịch Covid-19 là cần thiết nhưng nếu kéo dài, hơn 20 triệu học sinh, sinh viên nghỉ học quá lâu sẽ tác động xấu nhiều mặt đến giáo dục và xã hội.
Trong thời gian cho các em ở nhà tránh dịch Covid-19 vừa qua, nhiều trường phổ thông, đại học chủ động đào tạo trực tuyến. Tuy nhiên, điều kiện để áp dụng việc học trực tuyến bằng công nghệ cao không dễ, bởi đối tượng người học có hoàn cảnh kinh tế khác nhau.
Không phải học sinh, sinh viên nào cũng có máy tính, điện thoại thông minh, Ipad… để học, như thế sẽ rất bất tiện khi áp dụng đại trà.
Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam đề nghị dạy học sinh, sinh viên đại trà trên sóng truyền hình cả nước. Do đó, Hiệp hội đề xuất huy động các kênh truyền hình cùng tham gia vào hoạt động giảng dạy nhiều giờ trong ngày, thậm chí cả ngày theo hình thức phi lợi nhuận.