Trong nhiều ngày qua, đoàn công tác của Bộ Y tế và các địa phương đã tới làm việc, kiểm tra công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ nâng cao năng lực điều trị bệnh nhân Covid-19 tại nhiều tỉnh khu vực phía Nam có dịch đang diễn biến phức tạp như Phú Yên, Vĩnh Long, Đồng Nai hay Hậu Giang.
Các chuyên gia nhận định điểm chung của những địa phương này là lực lượng nhân viên y tế khá mỏng, năng lực điều trị bệnh nhân Covid-19 còn hạn chế.
1.000 giường bệnh cần ít nhất 10 bác sĩ hồi sức
Tại Vĩnh Long, báo cáo với Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, đại diện tỉnh cho biết từ đầu năm 2021 đến nay, tỉnh ghi nhận 219 ca mắc Covid-19, trong đó có 205 ca mắc trong cộng đồng. Một số ổ dịch có diễn biến phức tạp như ở khu công nghiệp Hòa Phú.
Hiện tỉnh có 14 cơ sở y tế có thể đáp ứng tiếp nhận điều trị gần 500 bệnh nhân Covid-19 và đã lên phương án thành lập thêm 3 bệnh viện dã chiến.
Các chuyên gia điều trị của Bộ Y tế nhận định tỉnh cần nỗ lực tăng cường hơn nữa năng lực điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, không nên phân tán người bệnh tại nhiều cơ sở điều trị trên địa bàn. Tỉnh có thể sử dụng Bệnh viện Hòa Phú và 1-2 cơ sở y tế để điều trị bệnh nhân nhẹ; bệnh nhân nặng điều trị tại Bệnh viện Phổi và Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo để thiết lập một đơn vị hồi sức đầy đủ 50 giường, cần phải có 30 máy thở, 20-25 máy HFNC, máy monitor, đầu nối oxy. Do đó, tỉnh cần rà soát ngay 132 máy thở hiện có, xem máy nào trục trặc thì sửa ngay để đảm bảo hoạt động; tính toán nhu cầu dành cho bệnh nhân thông thường bao nhiêu, còn lại bao nhiêu dùng cho điều trị bệnh nhân Covid-19.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh Vĩnh Long cần xây dựng phương án có thể đảm nhận điều trị lên đến 1.000 giường bệnh, sắp xếp lại các bệnh viện dã chiến đảm bảo nhu cầu điều trị bệnh nhân nặng, sẵn sàng chuyển trạng thái hoạt động của các bệnh viện đã được phân công sang chuyên điều trị Covid-19.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên làm việc với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: Thái Bình. |
Tại Đồng Nai, trong buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, ông Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, cho biết tổng công suất điều trị của Đồng Nai hiện có 1.500 giường. Khó khăn của tỉnh là lực lượng nhân viên y tế khá mỏng, toàn tỉnh chỉ có khoảng 8.000 nhân viên y tế, đang căng mình chống dịch, điều trị. Một số cơ sở y tế đã ghi nhận nhân viên phơi nhiễm SARS-CoV-2.
Ngành y tế đang chuẩn bị điều kiện cần thiết về máy móc, nhân lực để có thể đưa vào sử dụng 100 giường ICU điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng đặt tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. Tuy nhiên, tỉnh còn thiếu nhiều máy thở, monitor...
Tại Hậu Giang, địa phương này hiện ghi nhận 29 bệnh nhân Covid-19. Về năng lực điều trị, tỉnh có 2 bệnh viện điều trị Covid-19 với 120 giường. Tỉnh đang chuẩn bị chuyển đổi công năng một số trung tâm y tế tuyến huyện thành bệnh viện điều trị Covid-19 với 580 giường. Số lượng y, bác sĩ đang tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19 khoảng 600 người.
Vì vậy, chuyên gia điều trị của Bộ Y tế khuyến nghị các bệnh viện được huy động điều trị bệnh nhân nhẹ cần thành lập đội điều trị, mỗi đội có 2 bác sĩ, 4 điều dưỡng, phụ trách 30-50 bệnh nhân nhẹ.
Với kịch bản thiết lập 1.000 giường bệnh, chuyên gia của Bộ Y tế cho rằng cần ít nhất 10 bác sĩ hồi sức. Do đó, trong số 26 bác sĩ hồi sức của tỉnh, Hậu Giang cũng cần có phương án sử dụng hợp lý, điều tiết phù hợp để “dành sức” của cán bộ.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, tỉnh Hậu Giang có thể tiếp tục ghi nhận các ca mắc Covid-19. Do đó, ngay từ bây giờ, tỉnh cần chuẩn bị ngay “4 tại chỗ” trên toàn tuyến để sẵn sàng vào cuộc chống dịch, tránh bị động khi có các ca bệnh gia tăng trên diện rộng.
Cấp tốc đào tạo nhân lực
Ngày 10 và 14/7, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã cử 2 đoàn công tác gồm 10 thành viên cùng một máy lọc máu liên tục và một số vật tư phòng chống dịch tới chi viện cho tỉnh Phú Yên. Đội chi viện là các y bác sĩ, điều dưỡng khoa Hồi sức tích cực, Gây mê hồi sức, Tim mạch, Kiểm soát nhiễm khuẩn.
Chiều 15/7, theo thông tin từ Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, từ 23/6 đến nay, Phú Yên đã ghi nhận 669 ca nhiễm SARS-CoV-2, đã có 3 ca tử vong đều là những người kèm nhiều bệnh lý nền nặng.
Trong số bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, 4 ca nặng, nguy kịch, 5 người bị viêm phổi nặng. Ngoài ra, 639 bệnh nhân tiến triển tích cực và các trường hợp mới chưa có triệu chứng.
Phú Yên hiện có 6 cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19. Theo mô hình của tỉnh, các bệnh nhân không triệu chứng hoặc nhẹ sẽ được điều trị ở Bệnh viện dã chiến hoặc cơ sở y tế tuyến huyện. Tất cả bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng (phải thở oxy, thở máy không xâm nhập), nguy kịch (phải thở máy, chạy ECMO) đều được chuyển đến điều trị tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên.
Đoàn đầu tiên của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chi viện cho Phú Yên. Ảnh: Võ Thu. |
Bác sĩ Nguyễn Minh Nguyên, khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, Trưởng đoàn công tác Bệnh viện Đại học Y Hà Nội hỗ trợ Phú Yên chống dịch, cho biết đoàn hỗ trợ tỉnh trong phòng chống nhiễm khuẩn; điều trị bệnh nhân Covid-19 tại viện tỉnh; tham mưu cho lãnh đạo tỉnh Phú Yên trong phòng chống dịch…
"Đây là cuộc chiến thật sự, thử thách năng lực y tế của chúng ta bao gồm cả y tế địa phương. Chúng tôi sẽ nỗ lực để hỗ trợ tỉnh điều trị bệnh nhân Covid-19 ở mức tốt nhất có thể", nam bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chia sẻ sau gần một tuần tới chi viện Phú Yên chống dịch.
Bác sĩ Nguyên cho hay 20 giường điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch đang được xây dựng, nâng công suất lên 50 giường. Các khu vực đệm cũng có thể chuyển công năng thành khu hồi sức trong tình huống số ca nhiễm ở tỉnh tăng nhanh dẫn đến số bệnh nhân tăng nặng cao hơn.
"Nâng công suất giường bệnh tại khu có nguy cơ lây nhiễm cao như vậy đòi hỏi sự đầu tư về trang thiết bị, nhân lực. Hiện lực lượng bác sĩ, điều dưỡng hồi sức cấp cứu ở bệnh viện tỉnh Phú Yên khá mỏng, do đó, công tác đào tạo nhân lực rất quan trọng, cần triển khai ngay", bác sĩ Nguyên chia sẻ.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.