Chỉ còn một ngày nữa, vở ballet Hồ thiên nga (The swan lake) sẽ ra mắt khán giả Việt với phần trình diễn của đoàn vũ công Nhà hát Ballet Talarium Et Lux (Nga). Sự kết hợp táo bạo giữa ballet truyền thống và công nghệ trình chiếu 3D hiện đại trong chương trình đã làm dậy lên nhiều ý kiến trái chiều từ giới mộ điệu. Nghệ thuật truyền thống liệu có thể được giữ gìn và tỏa sáng trên phông nền hiện đại?
140 năm tiệm cận sự hoàn hảo?
Được mệnh danh là “ballet của những vở ballet”, Hồ thiên nga được sáng tác bởi Tchaikovsky năm 1875, thể hiện những tâm tư cháy bỏng trong mỗi con người về tình yêu, ước mơ, nỗi thất vọng hay sự cám dỗ của đời thường…
Vượt lên không khí tưng bừng của những vũ điệu, bỏ qua vẻ hào nhoáng của những lễ hội nơi cung đình, Hồ thiên nga khắc hoạ bóng dáng tâm hồn Nga. Đó là những cánh chim yểu điệu nối đuôi nhau bên bờ hồ phương Bắc; những bước chân mềm mại; những cánh tay uyển chuyển theo dòng nhạc êm đềm... Nói cách khác, nét Nga truyền thống đã chảy trong từng mạch điệu của vở vũ kịch suốt 140 năm qua.
Nét Nga truyền thống đã chảy trong từng mạch điệu của vở vũ kịch suốt 140 năm qua. |
Với buổi công chiếu này, lần đầu tiên, khán giả Việt Nam sẽ được thưởng thức vở ballet kinh điển bằng ảnh kỹ xảo sinh động thay vì những phông vẽ tay tryền thống. Tuy nhiên, đêm diễn đứng trước nhiều phán xét của công chúng khi hiện đại hoá một “món đồ cổ”.
"Bản thân Hồ thiên nga đã đẹp và nó không cần tô vẽ thêm nữa. Bôi trát thêm thế này khác gì tuyên bố rằng 140 năm qua vở ballet này mới chỉ tiệm cận chứ chưa thực sự hoàn hảo?" (Nguyễn Hoàng Giang, nghệ sĩ tự do tại Hà Nội) chia sẻ.
“Hồ thiên nga vốn đã đẹp nên không cần tô vẽ thêm nữa”. |
Trong khi đó, một số khán giả quyết định tới theo dõi vở nhạc kịch với mong muốn tìm kiếm những “nét đẹp Nga, văn hóa Nga, tâm hồn Nga”. “Đây là lần thứ 4 tôi xem Hồ thiên nga, nhưng là lần đầu tiên xem tại Việt Nam và cũng là lần đầu xem ballet công nghệ 3D. Thú thật, tôi đến đây không vì ánh sáng hiện đại hay 3D hoành tráng, cũng không vì đoàn diễn lừng lẫy. Điều khiến tôi không thể không đến xem chính là vũ kịch truyền thống, là những cảm giác rất Nga mà không màn trình diễn ánh sáng nào có thể thay thế được", Nguyễn Mai Lan, giảng viên tiếng Nga cho hay.
Khi truyền thống kết hợp hiện đại
Chia sẻ về ý tưởng làm mới độc đáo trong vở diễn, Talarium Et Lux, đại diện của Nhà hát ballet Nga nói: "Chúng tôi muốn làm cho câu chuyện cổ tích trở nên sống động bằng việc ứng dụng đồ họa 3D vào các vở diễn cổ điển". Trong khi đó, hãng thông tấn Nga Irkutsk News nhận định: “Sự xuất hiện của âm nhạc, đồ họa hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến vũ đạo ballet cổ điển".
Sự xuất hiện của âm nhạc, đồ họa hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến vũ đạo cổ điển. |
Theo đánh giá của giới chuyên môn, nhiều đạo cụ sân khấu nhường chỗ cho các đoạn trình chiếu bằng màn hình thậm chí còn khiến các nghệ sĩ có thể dễ dàng trong việc di chuyển và thuận lợi hơn khi biểu diễn.
Ông Lê Nam Trà, đại diện MobiFone - nhà tài trợ chính thức cho biết: "Với chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc này, MobiFone mong rằng khách hàng thân thiết cũng như khán giả đại chúng sẽ có được những trải nghiệm tuyệt vời nhất khi thưởng thức nghệ thuật ballet tỏa sáng trên nền công nghệ hiện đại. Cùng với thông điệp 'Kết nối giá trị, khơi dậy tiềm năng', MobiFone khẳng định luôn mang đến những giá trị tốt đẹp nhất dành tặng và tri ân khách hàng”.
Không thể phủ nhận những gì đã trở thành kinh điển thì khó có thể thay đổi. Tuy nhiên, nghệ thuật rất cần những phép thử và sự sáng tạo, bứt phá. Với Hồ thiên nga nói riêng và các tác phẩm nghệ thuật cổ điển khác nói chung, việc đầu tư dàn dựng theo những cách mới rõ ràng đáng được hoan nghênh. Đây là một cách làm hữu hiệu để đưa tác phẩm đến gần hơn với khán giả trẻ giữa thời buổi nở rộ của những trào lưu nghệ thuật “mì ăn liền” như hiện nay.