Những trẻ này đều gặp tai nạn nặng, hiếm gặp, chỉ có thể phẫu thuật để điều trị. Ảnh minh họa: cottonbro studio/Pexels. |
Những trường hợp này được bác sĩ chuyên khoa II Phan Tấn Đức, Trưởng khoa Thận niệu, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), báo cáo trong Hội thảo bàn tròn cấp cứu tiết niệu - sinh dục ở trẻ em diễn ra sáng 16/6.
Đứt lìa quy đầu sau tai nạn
Gặp tai nạn bị cuốn vào dây cu roa, bệnh nhi 10 tuổi nhập viện trong tình trạng toàn bộ da thân dương vật lóc, đứt lìa hẳn phần quy đầu.
Tại khoa Thận niệu, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), bé được khâu nối niệu đạo cũng như phần đứt lìa. Đối với phần da bị lóc ra, các bác sĩ cắt lọc, đồng thời khâu lại phần da che phủ.
Ghi nhận sau phẫu thuật, vết thương lành tốt, không rò niệu đạo. Tuy nhiên, 1/3 quy đầu bị hoại tử.
Bệnh nhi tiếp tục được phẫu thuật để cắt lọc mô hoại tử, che phủ quy đầu bằng mảnh ghép da dày vùng bẹn.
Sau 6 tháng phẫu thuật, vùng kín bệnh nhi đã khôi phục hình dáng giải phẫu, không có hiện tượng rò niệu đạo.
Cũng gặp tai nạn chấn thương vùng kín, một bé trai 8 tuổi bị vòng kim loại thắt nghẹt gốc dương vật phải nhập viện trong tình trạng vùng kín phù nề, sưng to, da thân tím tái.
Tại bệnh viện địa phương, bé được lấy vòng và khâu vết thương. Tuy nhiên, sau một tuần, trẻ xuất hiện tình trạng hoại tử toàn bộ da thân cơ quan sinh dục. May mắn, bé không có tổn thương niệu đạo. Ngay lập tức, bệnh nhi được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 2.
Tại đây, em phải trải qua 2 lần phẫu thuật. Lần đầu, trẻ được các bác sĩ thao tác chôn toàn bộ cơ quan sinh dục vào trong bìu.
Sau đó 6 tháng, trẻ được mổ tái tạo da che phủ vùng kín. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã sử dụng da bìu để phục hồi da vị trí này.
Sau 6 tháng theo dõi sau phẫu thuật, trẻ hồi phục tốt, bộ phận bị thương cho kết quả thẩm mỹ tốt.
Nhiều tai nạn hiếm gặp
Nhận xét về tai nạn gây đứt lìa cơ quan sinh dục của bệnh nhi 10 tuổi nói trên, bác sĩ Đức cho hay đây là chấn thương hiếm gặp.
Chấn thương này chỉ có thể điều trị bằng cách khâu nối với điều kiện phần bị đứt rời phải được bảo quản mát, giữ trong gạc ẩm vô trùng trong túi ni lông có đá.
Ngoài ra, công tác khâu nối chỉ có thể trong tối đa 24 giờ sau khi xảy ra chấn thương.
Bệnh nhân bị tai nạn đứt lìa vùng kín chỉ có thể được phẫu thuật trong vòng 24 giờ với một số điều kiện nhất định. Ảnh: Vidal Balielo Jr./Pexels. |
Thông tin thêm về trường hợp của bệnh nhi 8 tuổi bị thắt nghẹt cơ quan sinh dục, bác sĩ Đức cho biết đây là tình trạng cấp cứu niệu khoa và cần phải được xử lý kịp thời.
Ngoài ra, tai nạn này cũng rất hiếm gặp, chỉ 100 trường hợp gặp tai nạn này được báo cáo trong tài liệu y khoa. Đa số ca bệnh xảy ra ở người lớn. Ở trẻ nhỏ, tình trạng thắt nghẹt chủ yếu gây ra bởi tóc.
Tình trạng thắt nghẹt nếu xảy ra hơn 72 giờ thường gây ra hậu quả nghiêm trọng nhất.
Ngoài ra, bác sĩ Đức cho biết vòng thắt không phải từ kim loại có xu hướng gây ra chấn thương nghiêm trọng hơn.
Bệnh nhân gặp tai nạn thắt nghẹt dương vật thường có biểu hiện chảy máu, sưng, đau, nhiễm trùng, bầm tím và các dấu hiệu tổn thương mô khác.
Ban đầu, tai nạn gây ra tình trạng ứ máu tĩnh mạch, phù nề do tắc nghẽn bạch huyết, cản trở máu động mạch, dẫn đến thiếu máu cục bộ.
Nghiêm trọng hơn, nó có thể gây ra nhồi máu, hoại tử mô, rò niệu đạo, dẫn đến phải cắt cụt cơ quan sinh dục hoặc hoại tử trong vài giờ, thậm chí có thể gây tử vong.
Bên cạnh đó, tai nạn có thể gây hiện tượng vô niệu (không có nước tiểu trong bàng quang), ảnh hưởng xấu đến sức khỏe bệnh nhân.
Chia sẻ thêm trong buổi hội thảo, bác sĩ Đức cho biết chấn thương hệ niệu dục ở trẻ em là tai nạn thường gặp, xảy ra do tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, chấn thương liên quan đến y khoa, động vật cắn, tổn thương do dây kéo, tóc thắt...
Chấn thương niệu dục gặp nhiều ở trẻ 4-7 tuổi (36,8%) và trẻ 8-11 tuổi (20,6%). Tỷ lệ gặp chấn thương này ở trẻ em nam là 45%, trong đó, 21,6% ca gây ảnh hưởng đến dương vật, 12% ca gây tổn thương tinh hoàn.
Chấn thương có thể ảnh hưởng đến chức năng sinh lý sau này của trẻ khi trưởng thành, gây mất thẩm mỹ và tâm lý tự ti...
Tuy nhiên, cho đến nay, không có hướng dẫn cụ thể về điều trị chấn thương dương vật, đặc biệt là các chấn thương nặng.
Cuốn sách Ăn gì cho khỏi thần kinh của tác giả Uma Naidoo là cẩm nang về cách lựa chọn, sử dụng và chế biến thực phẩm để hỗ trợ sức khỏe tâm thần. Tác giả là một chuyên gia trong lĩnh vực dinh dưỡng tâm thần học, mang tới kiến thức dinh dưỡng để tăng cường hệ miễn dịch và đối phó với các bệnh trạng về tâm lý.