Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhiều trẻ dưới 13 tuổi ở Mỹ cầu cứu đường dây nóng chống tự tử

Tình trạng trẻ em dưới 13 tuổi mắc bệnh tâm lý đang ngày càng gia tăng ở xứ cờ hoa. Nguồn lực y tế hiện tại chưa đủ để giải quyết vấn đề này.

Khi Marie (11 tuổi) gọi đến đường dây nóng phòng chống tự tử vào tháng 10/2020, không ai ngờ chuyện này sẽ xảy ra. Cô bé đã chôn giấu cảm xúc cô đơn, buồn bã trong nhiều tháng.

"Cháu nghĩ rằng mình cần giúp đỡ, nhưng không biết nhờ ai", Marie nói với New York Times.

Cô bé tìm số của đường dây nóng chống tự tử trên mạng và gọi tới. Nhân viên tư vấn liên lạc Jackie, mẹ Marie, để lên kế hoạch giữ cô bé an toàn cho tới khi mẹ về nhà.

Ngày hôm sau, Marie kể với mẹ rằng cô bé từng mang kéo vào phòng ngủ để làm mình bị thương, nhưng lại không biết cách.

“Tôi không hề nhận ra con mình như vậy”, Jackie nói.

nhieu tre em My mac benh tam ly anh 1

Trẻ nhỏ có thể mắc bệnh tâm lý nghiêm trọng, đặc biệt trong thời kỳ đại dịch. Ảnh: TulsaKids Magazine.

"Với trẻ nhỏ, nỗi đau là vô tận"

Jackie hiểu khá rõ cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm lý gây ảnh hưởng trẻ vị thành niên.

"Chúng tôi đã hỏi một số bạn nhỏ: ‘Sao cháu lại nghĩ tới việc đó?’. Câu trả lời thường là từ mạng xã hội. Các bé không hiểu rằng việc tự hại có thể gây ra những tổn thương vĩnh viễn", cô kể lại.

Dữ liệu từ các dịch vụ chăm sóc tâm lý và bệnh viện khắp cả nước cho thấy nhiều trẻ vị thành niên phải đi cấp cứu vì vấn đề sức khỏe tinh thần. Số lượng trẻ em dưới 13 tuổi bị khủng hoảng tâm lý đang tăng trong nhiều năm nay.

Bệnh nhân nhỏ tuổi nhất của Jackie có ý định tự tử khi 8 tuổi. Cô bé sống sót, nhưng một đứa trẻ khác, cũng dưới 13 tuổi, lại không may mắn như vậy.

Trước đại dịch, nhiều đứa trẻ phải chịu đựng tổn thương tinh thần từ việc bị bắt nạt, bạo hành, phân biệt chủng tộc, cùng những chứng bệnh tâm lý chưa được chẩn đoán.

Giờ đây, trẻ em phải đối mặt với nhiều tác nhân gây căng thẳng như mất người thân vì dịch Covid-19, thích ứng với lớp học trực tuyến hoặc nỗi lo đi học trên trường trở lại.

“Đại dịch như đổ thêm dầu vào lửa vậy. Chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến tình hình tệ thế này”, bác sĩ Heather C. Huszti, trưởng khoa tâm lý của Bệnh viện Nhi quận Cam, bang California (Mỹ), cho biết.

nhieu tre em My mac benh tam ly anh 2

Bệnh tâm lý ở trẻ nhỏ có nhiều nguyên nhân từ ngoại cảnh, trong đó dịch bệnh như "đổ thêm dầu vào lửa". Ảnh: Medical News Today.

Đối với trẻ nhỏ, nỗi đau dường như vô tận.

“Các bé chưa thể nghĩ xa mà chỉ thấy hoàn cảnh tồi tệ trước mắt”, bác sĩ Huszti nói.

Bệnh viện của bác sĩ Huszti có trung tâm thần kinh nội trú duy nhất tại quận Cam cho phép nhận trẻ em dưới 12 tuổi. Để nhập viện, đứa trẻ phải trở thành mối nguy cho bản thân hoặc những người xung quanh.

Năm 2018, chỉ có 10% trong số những đứa trẻ này dưới 12 tuổi. Năm 2020, con số đó bắt đầu tăng và giờ đã hơn gấp đôi, theo bác sĩ Huszti.

Dữ liệu quốc gia cho thấy xu hướng tương tự. Theo nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), từ tháng 4 đến tháng 10/2020, tỷ lệ trẻ em 5-11 tuổi đến khám tại khoa cấp cứu sức khỏe tâm lý đã tăng 24% so với cùng kỳ năm 2019.

Ít nguồn lực hỗ trợ

Các bệnh viện nhi, vốn có ít giường cho bệnh nhân tâm thần nội trú, nay sắp hết sạch chỗ.

"Các bé nhỏ tuổi sẽ phải đợi lâu hơn để tới lượt", bác sĩ Huszti đau xót kể.

Một số đơn vị tâm thần điều trị nội trú có thể không tiếp nhận trẻ em dưới 12 tuổi vì các bé cần được giám sát trực tiếp nhiều hơn và điều trị theo phương pháp phù hợp độ tuổi.

Vào tháng 4, Lu (11 tuổi) và mẹ bé, cô Nicole, đã phải chờ đợi trong phòng cấp cứu ở Ohio "cả ngày lẫn đêm". 13 giường dành cho trẻ của bệnh viện đã kín chỗ.

Sau khi nhập viện, Lu kết bạn với những đứa trẻ cũng gặp vấn đề tâm lý. Nhiều bạn hơn Lu vài tuổi. Cô bé đã phải chứng kiến các bạn bị tiêm thuốc an thần và trấn giữ.

"Tôi rất lo lắng vì con bé đã tiếp xúc với những cảnh tượng không hay", Nicole bày tỏ.

Trong đại dịch, Lu đã trải qua "thay đổi lớn trong tính cách". Nicole cho rằng đó là do sự kết hợp của việc cách ly, hormone và di truyền.

Lu bắt đầu đắm chìm vào mạng xã hội. Thuật toán liên tục gợi ý cho cô bé video về những đứa trẻ buồn bã.

Vài tháng trước, Nicole đột ngột muốn kiểm tra tin nhắn trên máy tính bảng của con gái cô. Đó là khi cô phát hiện ra rằng Lu đã lên kế hoạch tự hại và viết thư tuyệt mệnh.

nhieu tre em My mac benh tam ly anh 3

Trẻ em mắc vấn đề tâm lý không nhận được sự điều trị phù hợp, khiến tình trạng thêm trầm trọng. Ảnh: Southwest Times Record.

Những định kiến xung quanh vấn đề tâm lý đã giảm đi phần nào trong những năm gần đây.

"Tuy nhiên, chúng ta chưa thực sự cung cấp những kỹ năng, nguồn lực để chăm sóc sức khỏe tâm lý cũng như cách ngăn ngừa, đối phó với ý định tự tử", bác sĩ Christine Moutier, giám đốc y tế của Tổ chức Phòng chống Tự tử Mỹ, cho biết.

Nhiều trẻ em có bệnh tâm lý tiềm ẩn nhưng không được giải quyết. Nghiên cứu công bố trên tạp chí JAMA Pediatrics cho thấy vào năm 2016, trong số ước tính 7,7 triệu trẻ em ở Mỹ mắc bệnh tâm lý, một nửa không được điều trị bởi chuyên gia.

Dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm lý cho trẻ em rất khan hiếm.

“Trước đây, trẻ em dưới 12 tuổi được xác định là nhóm có nguy cơ thấp. Giờ thì không vậy nữa”, bác sĩ Christine Moutier nhận định.

nhieu tre em My mac benh tam ly anh 4

Kate (12 tuổi) đang học cách kiểm soát những cảm xúc tiêu cực do giãn cách xã hội và sự qua đời của ông mình. Ảnh: New York Times.

Kate (ngụ tại Colorado) nói với bố mẹ rằng mình không muốn sống nữa khi cô bé đang học lớp 3.

Phần lớn thời thơ ấu, cô bé chịu đựng chứng rối loạn xử lý cảm giác, rối loạn tăng động giảm chú ý và lo âu. Kate đã bị bắt nạt ở trường tiểu học.

“Cháu từng cảm thấy mình sinh ra chỉ thêm chật chỗ. Cháu đã rất đau đớn”, Kate, hiện 12 tuổi, nói trong một cuộc phỏng vấn.

Nhiều người đầu óc bất ổn, sợ đám đông vì giãn cách xã hội

Sau giãn cách, việc ngồi nói chuyện vui vẻ cùng một đám đông trở thành ý tưởng đáng sợ đối với nhiều người, dù họ đã tiêm vaccine.

Mai Hoàng

Bạn có thể quan tâm