Sau khi Bộ Giáo dục Hàn Quốc trình ý kiến về dự luật chống phân biệt đối xử lên Quốc hội và Bộ Tư pháp, dư luận xứ kim chi nổ ra tranh luận gay gắt về việc trình độ học vấn có được coi như yếu tố gây ra tình trạng so bì, đối xử bất công hay không, theo Korea Times.
Hạ nghị sĩ Đảng Công lý Jang Hye-young cho biết Bộ Giáo dục chưa nhìn nhận nền tảng học vấn như một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng phân biệt đối xử. Nhiều ý kiến coi đây là thành quả từ sự lựa chọn và nỗ lực cá nhân, không mang yếu tố bẩm sinh như giới tính, xu hướng tính dục, quốc tịch...
"Khi nói tới nền tảng học vấn, nỗ lực cá nhân không phải yếu tố duy nhất. Ngoài ra, điều kiện sống, khả năng tài chính... cũng ảnh hưởng không nhỏ", Hạ nghị sĩ Jang nói.
Nhiều người trẻ cảm thấy bất bình khi các học sinh, sinh viên gia đình giàu có được trao nhiều cơ hội, đặc quyền hơn trong học tập. Ảnh: Rowan Callick. |
Các thành viên khác thuộc Đảng Công lý đồng tình rằng nhiều người trẻ Hàn phải chấp nhận cách biệt về cơ hội học tập từ khi còn trẻ và một số cá nhân được hưởng lợi ích lớn hơn nhờ điều kiện tài chính gia đình.
"Nhiều gia đình có điều kiện cho con em học trường mẫu giáo song ngữ, học trường tư nhân và du học nước ngoài. Ở khía cạnh giáo dục, người trẻ sẽ có nhiều cơ hội hơn nếu có sự hỗ trợ tiền bạc từ cha mẹ", Kang Min-jin, người đứng đầu chương trình thanh niên Đảng Công lý, trả lời trước Quốc hội vào cuộc họp báo ngày 25/6.
Vài năm gần đây, nhiều người trẻ xứ kim chi lên tiếng chỉ trích các chính trị gia vướng vào bê bối lợi dụng sức ảnh hưởng giúp con em có cơ hội giáo dục đặc cách, được nhận vào các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu.
"Có những thanh niên chỉ cần học hành mà không phải lo chuyện làm thêm kiếm tiền tiêu xài, có những người thì không may mắn như vậy. Nhiều ý kiến nói nền tảng học tập là kết quả nỗ lực, nhưng thực tế chúng ta đang sống thì không giống vậy", Kang bày tỏ.
Vấn đề phân biệt đối xử dựa trên nền tảng học vấn đang gây ra nhiều tranh cãi trên mạng xã hội Hàn Quốc.
Có một số dân mạng e ngại dự luật ngăn tình trạng so bì, bắt nạt dựa vào trường lớp, trình độ mà người trẻ theo học có thể dẫn đến hình thức phân biệt khác hướng đến các học sinh, sinh viên nỗ lực học tập.
Lại có ý kiến cho rằng nếu người trẻ vẫn được trao lợi ích và cơ hội học tập tốt hơn bằng khả năng tài chính, ảnh hưởng từ cha mẹ, tình trạng phân biệt đối xử sẽ tiếp diễn.