Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Nhiều trẻ em tử vong vì làm theo các thử thách trên TikTok

Trên thế giới, rất nhiều trẻ em gặp phải tai nạn, thậm chí là bỏ mạng vì làm theo các thử thách trên TikTok.

Gia đình Arriani (9 tuổi, người Mỹ) phát hiện cô bé đã tử vong sau khi thực hiện theo các thử thách trên TikTok. Ảnh: Bloomberg.

Tháng 2/2021, Arriani (9 tuổi, người Mỹ) được phát hiện tử vong trong tư thế treo lơ lửng cách mặt đất nửa mét. Cổ cô bé quấn dây xích chó bằng kim loại được móc vào bản lề tủ quần áo.

Theo lời gia đình, em đã làm theo "thử thách mất điện" (blackout challenge) đang lan truyền trên TikTok. Và cô bé cũng không phải trường hợp duy nhất tử vong khi thực hiện thử thách này.

Không chỉ "thử thách mất điện"

TikTok không hiếm những trào lưu nguy hiểm. "Thử thách mất điện" chỉ là hoạt động mới nhất trong chuỗi hoạt động có thể gây hại cho người dùng và thậm chí gây tử vong, đặc biệt ở trẻ em.

Theo People, "thử thách mất điện" có thể đã xuất hiện từ ​​năm 2008. Nó trở lại trên TikTok vào năm 2021 và tiếp tục gây chú ý trong năm 2023.

Người tham gia thử thách này phải tự làm mình ngạt thở đến ngất đi bằng các vật dụng trong nhà, quay clip lại và đăng lên mạng xã hội khi họ tỉnh lại.

Các chuyên gia đã cảnh báo người dùng trẻ tuổi không nên thử xu hướng này do theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, nó từng liên quan đến hơn 80 trường hợp tử vong khi mới xuất hiện trên mạng xã hội.

Cuối tháng 11/2022, báo cáo của Bloomberg Businessweek cho biết trong vòng 18 tháng, ít nhất 15 trường hợp tử vong ở trẻ em dưới 12 tuổi và 5 trường hợp tử vong khác ở trẻ em trong độ tuổi 13-14 tuổi do thử thách này.

Số ca thương tâm chưa dừng lại ở đó. Tháng 1 năm nay, New York Post đưa tin Milagros Soto (12 tuổi, người Argentina) cũng được phát hiện đã chết sau khi thực hiện thử thách này. Theo nhiều báo cáo, ở thời điểm qua đời, Soto đang phát trực tiếp việc trải nghiệm thử thách qua mạng xã hội để những người bạn cùng trường xem.

Một tháng trước đó, gia đình của Tristan Casson (12 tuổi, Mỹ) nói với Michigan Live rằng con trai chết vì làm theo "thử thách mất điện" trên TikTok.

Tại Anh, Archie Battersbee (12 tuổi) qua đời vào tháng 8/2022 sau nhiều tháng trời thực hiện thử thách. Vài tuần sau cái chết của Archie, một đứa trẻ khác là Leon Brown (14 tuổi) cũng được phát hiện tử vong tại nhà ở Scotland sau khi làm theo "thử thách mất điện", theo The Daily Record.

Bên cạnh "thử thách mất điện", nhiều thử thách nguy hiểm khác vẫn xuất hiện trên TikTok và dẫn đến nhiều hệ luỵ cho giới trẻ.

Tháng 10/2022, 4/6 thiếu niên trong độ tuổi 14-19 đã tử vong trong quá trình thực hiện "thử thách Kia". Nhóm trẻ này đánh cắp một chiếc Kia Sportage rồi lái xe, phóng nhanh vượt ẩu trên cao tốc dẫn đến tai nạn thương tâm.

Thử thách Kia này lần đầu tiên xuất hiện trên TikTok vào mùa hè 2022. Tham gia thử thách này, người dùng TikTok thảo luận về những chiếc xe hiệu Kia đang được quan tâm tại thời điểm đó hoặc nói về trải nghiệm của mình.

Cùng năm, Indonesia ghi nhận một ca tử vong, một ca khác bị thương nặng khi tham gia thử thách "thiên thần chết chóc" trên TikTok.

Theo đó, nhiều thanh thiếu niên thực hiện thử thách này bằng cách lao đầu vào các phương tiện lớn đang di chuyển để "thách thức thần chết", theo Next Shark.

Năm 2021, BBC đưa tin Jack Mason (9 tuổi, người Anh) phải cắt bỏ ruột thừa, ruột non và 30 cm ruột già sau khi học theo nhiều người dùng TikTok nuốt nam châm. Những viên nam châm nhỏ sau khi vào trong cơ thể Mason đã kết lại, gây tắc ruột.

thu thach tren tiktok anh 1

Hai trong 3 thiếu niên Indonesia gặp nạn do tham gia thử thách "thiên thần chết chóc" trên TikTok. Ảnh: Next Shark.

Hàng loạt quốc gia cấm TikTok

Lý giải với Fox10 về nguyên nhân nhiều người, nhất là giới trẻ thường thực hiện các trào lưu nguy hiểm, tiến sĩ Joanne Orlando, chuyên gia chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số, nhận định họ làm vậy để không cảm thấy bị bỏ rơi, để được nổi tiếng và chú ý trong một môi trường "đông dân" như TikTok.

Tính đến hiện tại, TikTok có 50 triệu người dùng tại Mỹ và hơn một tỷ người dùng trên toàn thế giới.

"Thử thách trên TikTok kích hoạt nhu cầu được hòa nhập và ghi nhận bẩm sinh của con người. Nhiều người cho rằng việc thực hiện tốt một thử thách giống như giành được huy hiệu danh dự, ghi nhận họ không phải là kẻ hèn nhát", bà Orlando nói.

Tuy nhiên, những thử thách này đôi khi vi phạm pháp luật và gây hại cho sức khỏe của chính người thực hiện cũng như những người xung quanh.

Bởi vậy, tại 30 bang ở nước Mỹ, hàng chục trường đại học và trung học công lập đã cấm học sinh cũng như nhân viên cài đặt ứng dụng TikTok vào thiết bị của nhà trường hoặc truy cập vào mạng Wi-Fi nhà trường để sử dụng TikTok.

Dù một số giáo viên và ban giám hiệu nhà trường sử dụng TikTok để kết nối, xây dựng mối quan hệ với học sinh hoặc dạy chúng về rủi ro khi sử dụng mạng xã hội qua các video ngắn.

Tuy nhiên, nhiều nhà quản lý nhận định mối nguy từ TikTok lớn hơn lợi ích nó mang lại. Một số cán bộ trường học lo ngại học sinh có thể nghiện TikTok dẫn đến mất tập trung nghe giảng và tiếp thu trên lớp.

Bên cạnh đó, thuật toán đề xuất video xem tiếp theo của ứng dụng đã làm tăng nguy cơ tự tử và rối loạn ăn uống của học sinh, theo Conversation. Ngoài ra, các video TikTok cũng khiến học sinh tham gia vào hành vi phá hoại do tham gia tràn lan các thử thách trên nền tảng này.

Mỹ cũng không phải là nơi duy nhất hạn chế người dân sử dụng TikTok.

Tính đến 5/4, số nước hạn chế người dân sử dụng TikTok ngày một gia tăng. Nhiều quốc gia như Mỹ, Canada, Anh, Bỉ, Australia... có xu hướng cấm cài đặt ứng dụng này trên thiết bị công do lo ngại về quyền riêng tư, bảo mật và an ninh mạng. Điều này cũng phần nào ngăn chặn nguy cơ trẻ em tiếp xúc và thực hiện các trào lưu nguy hiểm trên TikTok.

Tuy nhiên, nếu sử dụng điện thoại cá nhân hoặc kết nối TikTok bằng dữ liệu di động cá nhân, nhiều người vẫn có thể sử dụng nền tảng này tại các quốc gia có luật cấm.

Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp

Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.

Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.

Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.

Giáo viên khoe quyền lực, ‘tố’ học sinh trên TikTok

Nhiều giáo viên mầm non, tiểu học biến TikTok này thành nơi khoe quyền lực, thậm chí quay clip lúc học sinh đang học bài, ngủ trưa.

Linh Thùy

Bạn có thể quan tâm