Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhiều trường chưa có SGK và tài liệu giáo dục địa phương

Nhiều trường vùng cao gặp khó khi triển khai dạy hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, nội dung giáo dục địa phương do chưa có tài liệu.

Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; nội dung giáo dục địa phương lần đầu được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông 2018 khối ở lớp 10 với tư cách không phải môn học mà là một hoạt động, nội dung giáo dục đặc thù, bắt buộc.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, dù đã hết 2 tuần đầu tiên của năm học mới, nhiều trường học ở khu vực miền núi vẫn còn gặp khó khăn khi triển khai dạy Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục địa phương do chưa có tài liệu, ngay cả sách giáo khoa ở một số bộ môn cũng chưa đủ..

Trao đổi với phóng viên, thầy Nguyễn Minh Dương - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nậm Nhùn (tỉnh Lai Châu) cho biết: "Tuần đầu tiên của năm học mới, nhà trường tổ chức tư vấn cho học sinh đăng ký chọn tổ hợp môn học.

Tuần thứ hai, các em bắt đầu học chính thức. Song, đến nay học sinh vẫn chưa có sách giáo khoa vì đơn vị cung ứng chưa cung cấp sách cho nhà trường.

Chúng tôi đang đôn đốc đơn vị cung ứng sách khẩn trương vận chuyển sách tới trường trong thời gian sớm nhất để đảm bảo từ tuần sau 100% học sinh đều có đủ sách học".

chua co SGK anh 1

Nhiều trường trung học phổ thông ở khu vực miền núi vẫn đang trong tình trạng dạy và học "chay" vì không có sách giáo khoa. Ảnh: NTCC.

Theo thầy Dương, trước mắt, giáo viên sẽ dùng sách giáo khoa điện tử để dạy học sinh.

Đối với Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp nhà trường chia thành hai phần nội dung. Phần hướng nghiệp do Ban giám hiệu và Đoàn thanh niên chủ trì, phần hoạt động trải nghiệm giao cho giáo viên chủ nhiệm xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức các hoạt động.

Với Nội dung giáo dục địa phương, có một số tiết cần phải đi thực tế, thực địa... nhưng điều kiện nhà trường còn hạn chế nên giáo viên sẽ phải chủ động lên mạng tìm kiếm hình ảnh liên quan đến nội dung bài học để soạn tài liệu, giúp học sinh học trực quan, sinh động hơn.

Ngoài Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; Nội dung giáo dục địa phương thì Giáo dục kinh tế và Pháp luật cũng là một môn học mới trong chương trình. Hiện, Trường Trung học phổ thông Nậm Nhùn chưa có giáo viên chuyên biệt dạy môn học này, trường phải điều phối giáo viên Giáo dục công dân đứng lớp.

"Sở Giáo dục và Đào tạo Lai Châu cũng đang có kế hoạch tuyển giáo viên cho môn Giáo dục kinh tế và Pháp luật. Trước mắt, ngoài việc tham gia bồi dưỡng giáo viên theo kế hoạch chung, nhà trường cũng động viên thầy cô được phân công dạy môn học này tự nghiên cứu chương trình, đặc biệt là phần nội dung về kinh tế để có phương pháp dạy phù hợp, đáp ứng yêu cầu của môn học”, vị Hiệu trưởng này cho hay.

Cũng chia sẻ về vấn đề này, thầy Nguyễn Xuân Bính - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mường Tè (tỉnh Lai Châu) thông tin: "Hiện, trường chưa triển khai dạy Nội dung giáo dục địa phương cho học sinh.

Nội dung giáo dục địa phương còn liên quan đến nhiều phân môn khác nhau như Ngữ Văn, Lịch sử, Địa lý. Trong khi đó, đầu tháng 8, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định đưa Lịch sử trở thành môn học bắt buộc, chương trình, kế hoạch giảng dạy có sự điều chỉnh nên chúng tôi đang họp bàn, thống nhất lại việc triển khai giảng dạy Nội dung giáo dục địa phương.

Dự kiến đến tuần học thứ 4, học sinh sẽ được học đủ tất cả các môn học theo tổ hợp mà các em đăng ký".

Thầy Bính cho biết, học sinh nhà trường rất háo hức với các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và nội dung giáo dục địa phương. Học sinh có thái độ tích cực đối với môn học là điều kiện thuận lợi để nhà trường thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 một cách hiệu quả hơn, tuy nhiên, cũng không ít khó khăn được đặt ra.

“Có những chủ đề đòi hỏi học sinh phải có sự trải nghiệm thực tế, tham quan, cắm trại, thực địa... Tuy nhiên, trường chưa có kinh phí tổ chức. Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện không có nhiều địa điểm để học sinh có thể đến thăm thú, trải nghiệm, khoảng cách của các địa điểm cũng khá xa trường.

Hiện tại, cơ bản các lớp đều có máy chiếu nên đối với hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và nội dung giáo dục địa phương, giáo viên sẽ xây dựng bài giảng gắn với các video, hình ảnh thực tế để học sinh quan sát, nắm được nội dung bài học.

Đây là năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với khối lớp 10 nên cũng không tránh khỏi những bỡ ngỡ ban đầu. Chúng tôi luôn đề cao phương châm cùng làm, cùng tháo gỡ, rút kinh nghiệm, bám sát chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và linh hoạt sáng tạo theo tình hình thực tế của nhà trường", Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Mường Tè chia sẻ.

Thầy Nguyễn Ngọc Huỳnh - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Sông Công (tỉnh Thái Nguyên) cho biết, nhà trường đã xây dựng một số phương án đối với Nội dung giáo dục địa phương.

"Với phần nội dung này, giáo viên sẽ dựa trên tài liệu, vận dụng linh hoạt các hình thức dạy học để học sinh vẫn được trải nghiệm và đạt được yêu cầu bài học.

Đối với những lớp mà học sinh, phụ huynh học sinh có thể đóng góp kinh phí đi tham quan, trải nghiệm thực tế, nhà trường cũng rất ủng hộ và tạo điều kiện để lớp tổ chức hoạt động này ở ngoài trường trên nguyên tắc phải đảm bảo sự an toàn tối đa, gắn với những nội dung giáo dục bổ ích, lý thú cho các em", vị Hiệu trưởng này cho hay.

Phụ huynh bức xúc vì nhà trường lạm thu để làm việc khác

Một số phụ huynh có con theo học tại trường Mầm non Cự Khê (Thanh Oai, Hà Nội) bất bình về việc trường dùng số tiền thu thêm của lớp để chi cơ sở vật chất của trường.

https://giaoduc.net.vn/chua-co-sgk-lai-chua-co-tai-lieu-gd-dia-phuong-thay-tro-khoi-10-bon-be-kho-khan-post229592.gd

Hoài Ân / Tạp chí Giáo dục Việt Nam

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm