Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhiều trường đại học công bố phương án xét tuyển mới

Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố một số dự kiến điều chỉnh trong kỳ thi THPT quốc gia 2016, ngày 11/1, nhiều trường đã công bố phương án tuyển sinh.

TS Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban đào tạo đại học (ĐH) và sau ĐH - ĐH Quốc gia TP HCM, cho biết, năm 2016, ĐH Quốc gia TP HCM mở rộng đối tượng xét tuyển; xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia và liên thông trong toàn hệ thống; bổ sung tiêu chí cho các ngành đặc thù.

Nhiều điểm mới

Năm 2015, trường tuyển thẳng học sinh của một số trường chuyên nhưng năm 2016 sẽ mở rộng thêm diện tuyển thẳng. Điểm mới nữa là thí sinh không nộp hồ sơ xét tuyển vào từng trường thành viên mà chỉ có 1 cổng nộp hồ sơ cho toàn hệ thống. Thí sinh sẽ có 5 nguyện vọng vào 5 trường khác nhau.

Nhằm giúp thí sinh theo đuổi định hướng nghề nghiệp của mình, ĐH Quốc gia TP HCM cho phép thí sinh có thể chọn 1 ngành trong tất cả các trường thành viên, nếu không trúng tuyển ở trường này thì xét đến trường tiếp theo.

Bên cạnh đó, ĐH Quốc gia TP HCM sẽ bổ sung tiêu chí cho các ngành đặc thù như ngành Y. Thí sinh xét tuyển vào ngành này sẽ phải trắc nghiệm tâm lý, phỏng vấn, tham quan nhà xác…

Thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia 2015 tại TP HCM

. Ảnh: Người Lao Động.

TS Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Bách khoa TP HCM, cho biết, năm 2016, trường bổ sung tổ hợp xét tuyển toán, hóa, sinh cho 2 nhóm ngành: hóa - thực phẩm - công nghệ sinh học và nhóm ngành môi trường. Chương trình chất lượng cao có 5 ngành mới như công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm, kỹ thuật môi trường, vật liệu xây dựng, công nghệ kỹ thuật ô tô. Trường không nhận hồ sơ xét tuyển của thí sinh như những năm trước mà theo một cổng chung của ĐH Quốc gia TP HCM.

Thu hẹp hệ cao đẳng

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, năm 2016, trường không tuyển sinh bậc cao đẳng (CĐ). Trường mở thêm 4 ngành đào tạo mới là kỹ thuật y sinh (A, A1, D1), công nghệ vật liệu (A, A1); ngôn ngữ Anh (D1), ngành khai thác vận tải (chuyên ngành quản trị logictics).

Ngành ngôn ngữ Anh (môn chính tiếng Anh nhân hệ số 2), 3 ngành còn lại môn chính là toán (nhân hệ số 2). Ông Dũng cũng cho biết, năm 2016, tất cả các ngành đều xét tuyển từ kết quả kỳ thi THPT do các trường ĐH chủ trì.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Đức Minh, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Công nghiệp TP HCM, năm 2016, trường không tuyển sinh bậc CĐ ở tất cả các ngành đào tạo, nhưng mở thêm nhiều ngành mới và nâng cấp ngành mới từ các chuyên ngành.

Cụ thể, các ngành mới gồm: Luật kinh tế, luật quốc tế, công nghệ kỹ thuật xây dựng, công nghệ kỹ thuật giao thông, công nghệ kỹ thuật máy tính. Các ngành được nâng cấp từ chuyên ngành gồm ngành kiểm toán, công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, công nghệ chế tạo, ngành công nghệ thông tin, kỹ thuật phần mềm, hệ thống thông tin, ngành khoa học môi trường, quản lý tài nguyên và môi trường, ngành marketing, kinh doanh quốc tế…

ĐH Giao thông Vận tải TP HCM sẽ tiếp tục xét tuyển dựa vào kỳ thi THPT quốc gia. Thông tin từ nhà trường cho biết vẫn giữ nguyên tổ hợp xét như năm 2015 nhưng dự kiến sẽ bỏ nhân hệ số môn toán. Trường chỉ còn đào tạo 2 ngành bậc CĐ gồm khoa học hàng hải chuyên ngành điều khiển tàu biển và khai thác máy tàu thủy.

Như vậy, từ 5 ngành với 250 chỉ tiêu bậc CĐ năm ngoái, năm nay trường chỉ còn 80. Bậc ĐH vẫn giữ mức 2.400 chỉ tiêu.

Chốt phương án thi THPT quốc gia 2016 trước Tết

Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết như vậy tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương diễn ra chiều 28/12 tại Hà Nội.


http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/nhieu-truong-dh-cong-bo-phuong-an-xet-tuyen-moi-20160111222329802.htm

Theo Huy Lân/Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm